Người dân thoát án “treo”
Sau gần 30 năm chờ đợi, với hàng chục dự án, đề án “treo”, cuối cùng Hà Nội cũng hoàn thành Dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng. Đây được xem là mốc lịch sử quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng” với những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Theo dự thảo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha với quy mô dân số từ 280.000 đến 320.000 người, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.
|
Nhiều người dân mong quy hoạch sớm được triển khai.
|
Hơn 30 năm sống ở khu vực phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, ông Lê Văn Tuấn (67 tuổi) vẫn không có cơ hội được xây dựng, cải tạo chính ngôi nhà cấp 4 lụp xụp trên mảnh đất hơn 100m vuông mà gia đình 3 thế hệ nhà ông chen chúc ở. Ông Tuấn cho hay, quy hoạch sông Hồng đã được đề xuất hơn chục năm nay nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa có bản quy hoạch cụ thể nên những người như ông đều rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, muốn ở cũng chẳng được, muốn bán để chuyển đi cũng không xong.
“Người dân chúng tôi mong muốn có bản đồ quy hoạch lâu lắm rồi, để có vào quy hoạch thì cũng được đền bù chuyển đi, còn nếu không thì cũng xây dựng lại được nhà cửa khang trang. Giờ có tiền mà cũng chịu, không làm gì được. Có bán cũng chẳng ai dám mua vì không biết có dính vào quy hoạch hay không”, ông Tuấn cho biết.
Không chỉ ông Tuấn mà dọc hai bên bờ sông Hồng, nhiều hộ gia đình đều bị ảnh hưởng từ việc “phải giữ nguyên hiện trạng”; đất đai không được cấp giấy, xây mới nhà cửa; việc thế chấp, vay vốn, chuyển nhượng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hải, một hộ dân trồng cây ăn quả lâu năm ở khu vực xã Hồng Hà, Đan Phượng cũng khá sốt ruột khi quy hoạch sông Hồng như một cái “án” treo lủng lẳng trên đầu người dân suốt nhiều năm qua.
“Chẳng biết lúc nào phải di dời, cũng sốt ruột lắm vì hai vợ chồng già cả rồi. Cũng muốn có một chỗ đất yên ổn làm ăn, ổn định cuộc sống khi về già, chứ vài năm trước cũng đã nghe, rồi không thấy gì, giờ lại rục rịch bảo chuyển. Người dân chúng tôi ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng rau, các loại nông sản ở ven sông để bán, ai cũng đều mong sau khi quy hoạch sẽ có đất để tiếp tục làm ăn, ổn định cuộc sống”, ông Hải tâm sự.
Với chị Hoa, khu Tứ Liên, Tây Hồ thì chị đã quá quen với thông tin về quy hoạch, vì mỗi lần vấn đề này nóng lên là y như rằng, chị và người dân nơi đây lại mỏi miệng tiếp “cò” nhà đất. Đất vườn, đất bãi nhà chị liên tục có người đến hỏi mua nhưng ít ai bán, vì khu vực Tứ Liên là làng nghề trồng cây cảnh, người dân muốn mua thêm để mở rộng đất vườn còn không có, nói gì đến bán.
“Cũng có đợt rộ lên quy hoạch, giá đất lại lên, rồi cũng lại đâu vào đấy. Chúng tôi chỉ mong là quy hoạch sớm đưa vào triển khai, cải thiện môi trường xung quanh, tạo cảnh quan đẹp và giúp bà con yên tâm cải tạo nơi ở, canh tác. Nếu có vào quy hoạch thì người dân cũng được đền bù thỏa đáng, hoặc được bố trí nơi tái định cư mới ổn định để tiếp tục có nơi canh tác, sản xuất”, chị Hoa tâm sự.
Cũng giống chị Hoa, anh Minh, khu Phúc Xá, Ba Đình hoàn toàn ủng hộ chủ trương quy hoạch, bởi anh và người dân ở đây đã chờ đợi nhiều năm, mong muốn quy hoạch thành hiện thực để biến khu vực ven sông Hồng thành những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, những không gian xanh đáng mơ ước như các nước trên thế giới đã làm.
Nỗi lo vô gia cư
Mỗi người một tâm trạng, một nỗi lo nhưng sốt ruột, lo lắng nhất vẫn là những người dân Bãi giữa sông Hồng. Từ khi có thông tin về quy hoạch sông Hồng, bà Đinh Thị Mai (68 tuổi) mất ăn mất ngủ. Bà Mai bảo rằng nếu thành phố giải tỏa xóm nổi Bãi giữa thì bà không biết gia đình mình sẽ đi đâu về đâu. Bởi gia đình bà cư ngụ ở Bãi giữa này đã hơn hai chục năm. Vốn là người phụ nữ lận đận đường tình duyên, trải qua 2 đời chồng nhưng cuối cùng bà Mai vẫn phải một mình nuôi 4 đứa con.
Theo lời bà Mai chia sẻ, bà vốn là người gốc Hà Nội nhưng sau khi lấy chồng thì theo chồng lên Lào Cai lập nghiệp. Cuộc sống vợ chồng luôn cơm không lành canh không ngọt nên hai người chia tay. Một thời gian sau, bà Mai đi thêm bước nữa với một người đàn ông quê Phú Thọ nhưng cuộc hôn nhân này cũng không kéo dài được bao lâu. Một nách 4 đứa con thơ, bà Mai dẫn các con về lại Hà Nội mưu sinh. Không thể quay về nhà đẻ tá túc, hằng ngày bà Mai cùng các con kiếm ăn ở các bến xe, đêm ngủ vỉa hè.
|
Bà Mai lo lắng những đứa cháu của mình sẽ thất học.
|
“Mãi sau này mẹ con tôi mới dám thuê một căn phòng trọ, giá khi đó chỉ 30 nghìn đồng, sau lên 60 nghìn đồng. Một thời gian sau, có người khuyên tôi đưa các con về khu xóm nổi Bãi giữa. Tôi mua một chiếc thuyền cũ với giá 600 nghìn đồng để 5 mẹ con tá túc. Nhiều đêm mưa gió, nằm trong thuyền mà như đang ngoài trời, mấy mẹ con lại hô hào nhau tát nước. Sau này, tôi mua thêm một chiếc chuồng gà của nhà hàng xóm, hì hục cọ rửa và sửa lại để làm chỗ ở”, bà Mai nhớ lại những ngày đầu “nhập cư” xóm nổi Bãi giữa.
Sau này, hai người con trai của bà đã lên Lào Cai sinh sống, còn bà sống cùng hai cô con gái. Các con gái bà Mai lần lượt lấy chồng rồi cũng mua được thuyền riêng. Cô con gái đầu của bà giờ cũng sinh 4 đứa con. Bà Mai buồn bã bảo: “Hai vợ chồng nó cũng chỉ đi nhặt rác và làm thuê nên nuôi con rất chật vật nhưng cũng may mấy đứa con của nó lại học rất giỏi. Thế mà sắp tới thành phố giải tỏa khu này, vợ chồng nó sẽ phải mất tiền thuê nhà thì chắc chắn mấy đứa cháu tôi cũng sẽ lại thất học mà thôi, rồi lại lang thang như bà và bố mẹ chúng nó. Tôi già rồi, sống thế nào chả được, thậm chí sống lang thang, Nhà nước có gom vào trung tâm bảo trợ xã hội cũng chẳng làm sao. Chỉ thương mấy đứa cháu đang tuổi học hành, tội lắm”.
Chung nỗi lo như bà Mai, nhiều ngày nay bà Nguyễn Thị Hoa (82 tuổi) cũng ăn không ngon ngủ không yên. Bà Hoa cũng không thể trả lời được câu hỏi nếu xóm nổi của bà bị giải tỏa thì bà cùng hai đứa cháu nội sẽ đi về đâu. Dù đã hơn 80 tuổi nhưng đêm nào bà Hoa cũng phải đến chợ đầu mối Long Biên nhặt rác lấy tiền nuôi hai cháu.
Kể chuyện với chúng tôi, bà Hoa bật khóc nức nở: “Mấy năm trước con trai tôi đi làm đêm về, mệt quá nó nằm ngủ luôn ở cầu Long Biên. Ngủ say quá, rơi xuống chân cầu rồi mất. Vợ nó lúc ấy mới mang thai đứa con trong bụng được 2 tháng. Chồng mất, nó sốc quá nên suy sụp. Hôm nó đi đẻ, cổ tử cung bị vỡ, mất máu nhiều nên cũng không sống được, chỉ cứu được con thôi”.
Con trai và con dâu lần lượt qua đời trong thời gian ngắn khiến bà Hoa gục ngã. Bà bảo đã nhiều lần bà mua thuốc chuột về nhà nhưng lại không cam tâm để uống. Bởi nếu bà chết thì các cháu của bà sẽ dựa vào ai. Giờ đây, dù cuộc sống vô cùng khó khăn, chật vật nhưng 3 bà cháu bà Hoa vẫn có nơi để tá túc. Cứ nghĩ đến việc thời gian tới sẽ trở thành những người vô gia cư khiến bà Hoa rùng mình. Bà bảo: “Tôi thực sự không biết xoay xỏa thế nào để tiếp tục cuộc sống”.
Vác trên vai bao tải ve chai, bà Nguyễn Thị Hanh (82 tuổi) lê từng bước khó nhọc đi về chiếc thuyền của gia đình. Chiếc thuyền nhỏ của gia đình bà Hanh hiện có tới hơn 10 người sinh sống. Bà Hanh chia sẻ: “Sở dĩ thuyền nhà tôi có nhiều người ở là vì cách đây ít lâu, thuyền nhà thằng con trai cả của tôi bị sập nên phải chuyển sang ở nhờ thuyền của đứa em. Từ hôm nghe tin xóm nổi sắp bị giải tỏa, không khí cả gia đình lúc nào cũng như đưa đám. Bao nhiêu năm qua, mọi người trong nhà tôi đều sống bám vào cái chợ đầu mối Long Biên này, giờ mà giải tỏa thì biết làm gì để sống. Người ta vẫn bảo “méo mó có hơn không”, dù cuộc sống bây giờ gò bó, chật chội lắm nhưng còn hơn là không có nơi tá túc”.
Không chỉ bà Mai, bà Hoa, bà Hanh mà hơn 30 hộ gia đình ở xóm nổi này đều trong tâm thế hoang mang. Cuộc sống hiện tại vốn dĩ đã quá khó khăn với họ nhưng những ngày tháng sắp tới có lẽ còn khó khăn hơn gấp bội. Thứ họ lo nhất chính là những đứa con, đứa cháu mình rồi sẽ phải phiêu bạt nơi đâu? Nếu không thể đi học thì tương lai cũng coi như khép lại từ đây.
Theo CAND