Ám ảnh
Sư việc người đàn ông chở xác bệnh nhân Lò Thị P. (40 tuổi, dân tộc Thái, trú tại Quỳnh Nhai, Sơn La), đã tử vong trên xe máy về vì nhà nghèo không có tiền thuê xe khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, GS Phạm Gia Khải, Ban chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe Trung ương, Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia cho biết đây là một sự việc đau lòng và đáng tiếc trong số nhiều tồn tại, bất cập ở Việt Nam hiện nay.
“Trước đây cố Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương đã nói bệnh viện nếu có điều kiện thì phải đưa ô tô chở xác bệnh nhân và gia đình về địa phương. Bây giờ việc này không phải lúc nào cũng thực hiện được”, GS Khải nói.
|
Hình ảnh người thân chở thi thể chị P. vì không có tiền thuê xe gây xôn xao. Ảnh: Otofun |
GS Phạm Gia Khải cho rằng, Bệnh viện lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La là bệnh viện của nhà nước vì vậy việc hoạt động đều dựa theo số tiền được cấp.
“Phải làm rõ xem bệnh viện có được nhà nước cấp tiền không? Đây là tiền công quỹ chứ không phải tiền cá nhân. Nếu bệnh viện có điều kiện đưa xe ô tô mà không đưa về thì phải chịu trách nhiệm. Còn trong hoàn cảnh họ khó khăn thì cũng cần phải thông cảm. Nếu xem xét mà có sai phạm thì phải xử lý theo quy định có thể khiển trách, phê bình, tùy thuộc đạo luật hình sự”, GS Khải nhấn mạnh.
Cùng đưa ra nhận định, Bác sĩ Võ Xuân Sơn - Phòng khám Đa khoa Quốc tế EXSON, nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết ông cảm thấy ám ảnh khi nhìn hình ảnh trên được đăng tải trên báo chí.
“Đây một sự việc đau lòng nhưng lại động chạm đến lĩnh vực kinh tế. Theo như tôi được biết thì tất cả các bệnh viện đều có xe ô tô và chở bệnh nhân đi với điều kiện phải trả 1 số tiền nhất định. Đứng ngoài nhìn tôi thấy rất buồn, cảnh người ta chở người chết bằng xe máy kinh khủng quá.
Tôi không dám phê phán bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La, nhưng chuyện này có thể làm tốt hơn khiến dư luận không bức xúc, phiền lòng”, bác sĩ Sơn nói.
Nghịch lý thiết bị tiền tỷ đắp chiếu
Nói thêm về quyết định viết đơn và nằng nặc đòi đưa bệnh nhân về của người nhà chị P., bác sĩ Sơn khẳng định, tâm lý của người nghèo khổ khi đi chữa bệnh rất khác. Họ không thể gắng gượng hay nhìn mọi thứ tích cực như những người khá giả, có điều kiện.
“Bệnh nhân nghèo và gia đình nghèo lúc nào cũng suy nghĩ khác gia đình có tiền. Tôi làm bác sĩ nhiều năm tôi biết, khi không có tiền chạy chữa thì họ muốn đưa về nhà cho xong việc, bằng mọi cách. Trên Sơn La, họ nghèo nên những suy nghĩ như thế có thể hiểu được. Nếu trong hoàn cảnh biết bệnh nhân sức khỏe yếu và gia đình không có điều kiện, bệnh viện hoàn toàn có thể ứng xử nhân đạo hơn. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể đưa bệnh nhân về bằng ô tô rồi báo cáo cấp trên vì đó là trường hợp bất khả kháng.
Hơn nữa, tôi thấy là tiền bảo hiểm của dân được lấy cả vào để chi trả lương cho cán bộ ở các bệnh viện nhà nước. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể dành một phần tiền đó để đưa bệnh nhân về nhà. Lấy trong số tiền bảo hiểm y tế, đó là do đóng góp toàn dân. Chúng ta hoàn toàn có thể tính thế”, bác sĩ Sơn khẳng định.
Từ sự việc lần này, bác sĩ Sơn cũng thừa nhận hiện nay đang xảy ra một nghịch lý tại nhiều bệnh viện địa phương. Đó là trang thiết bị, máy móc được cấp hiện đại nhưng việc sử dụng rất ít hoặc đội ngũ cán bộ bác sĩ chưa có đủ trình độ để làm chủ. Trong khi đó những thiết bị cần thiết phục vụ cho bệnh nhân lại chưa được chú trọng.
“Nếu tôi là người quyết định chuyện này thì tôi sẽ làm khác. Mỗi bệnh viện phải có một số tiền nhất định và dành cho những người nghèo khổ, trong đó có những bệnh nhân bị lao phổi. Trang thiết bị cũng phải phù hợp với điều kiện sử dụng để tránh lãng phí.
Hiện nay có nhiều bệnh viện tư nhân dành cho người giàu hay 1 số phòng VIP ở các bệnh viện nhà nước lớn. Với người giàu là vậy nhưng những người không có tiền thì không được phục vụ tốt, điều đó rất đau lòng”, bác sĩ Sơn trải lòng.
>>> Mời quý độc giả xem video về bệnh ung thư (nguồn Youtube):
Theo Đất Việt