Chống tham nhũng: "Cái to chưa thấy sao thấy cái nhỏ!"

Google News

(Kiến Thức) - Việc thiết lập các đường dây nóng để người dân tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà trái quy định trong dịp Tết Nguyên đán mang nhiều tính hình thức.

Có chứng cứ còn khó giải quyết
Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ vừa công bố đường dây nóng tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà trái quy định trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thông qua các đường dây nóng này, người dân có thể phản ánh thông tin liên quan đến các hành vi tham nhũng nói chung, đặc biệt trong dịp cuối năm là những hành vi như tặng quà trái quy định, sử dụng xe công trái quy định, “mãi lộ”…
Dịp lễ Tết người ta thường lợi dụng để biếu xén nhau, hối lộ, tặng quà… nên việc thiết lập đường dây nóng này là cần thiết, nhưng theo tôi thì rất khó để thực hiện có hiệu quả. Trước đây có quy định người tố cáo tham nhũng thì có thể được hưởng bao nhiêu triệu đồng nhưng khổ nỗi tham nhũng không dễ gì bị phát hiện bởi người ta luôn “đi đêm” với nhau. Tham nhũng vốn tinh vi, luồn lách vào mọi ngõ ngách. Mà niềm tin của người dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng cũng không còn nhiều đâu, tôi phải chia sẻ thật thế.
Ông Phan Văn Độ, Thường vụ Đảng ủy HĐND phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. 
Thế cái khó của phòng chống tham nhũng là gì ạ?
Người dân họ cũng ngại vướng vào những rắc rối, bao nhiêu việc tố cáo bằng văn bản đàng hoàng mà còn hết lần này đến lần khác không giải quyết được, thì liệu một cuộc gọi điện thoại có giải quyết được hay không. Còn nếu chỉ nói miệng thì người ta sẽ hỏi chứng cứ đâu? Thế nên có số điện thoại này cũng chỉ là một hình thức để răn đe, động viên người dân tố cáo tham nhũng thôi chứ ít có hiệu quả. Có những vụ tôi biết có chứng cứ hẳn hoi mà một hai chục năm còn chưa giải quyết được.
Nhưng chỉ cần có một nguồn tin nào đó đã tốt lắm rồi?
Nguồn tin thì nhiều, nhưng khi đi kiểm tra phải có bằng chứng thì mới đưa ra pháp luật được. Cơ chế này chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.
Thế còn người dân, vì sao họ lại chán rồi?
Người dân rất bức xúc với tham nhũng nhưng người ta cũng rất ngại tố cáo vì tham nhũng là lợi ích nhóm, có khi không giải quyết được gì mà lại còn mang vạ vào thân. Vừa rồi có những vụ tày đình như thế mà có giải quyết nhanh gọn được đâu. Ví dụ cán bộ kê khai tàn sản hàng chục năm, trên giấy tờ đều ghi không có tài sản gì. Trong khi nhiều người có biết bao nhiêu tài sản, biệt thự. Đáng lẽ phải điều tra làm rõ tài sản từ đâu mà ra. Ở các nước phát triển, dù là anh có tiền nhưng nếu tiền đó không chính đáng thì không bao giờ anh tiêu được, không thể mua nhà, mua xe được.
Ý ông là chúng ta cứ nói không có chứng cứ, nhưng thực ra chứng cứ vẫn đầy rẫy ra đấy?
Đúng thế, nhiều cán bộ biệt thự lớn biệt thự nhỏ đầy ra như thế, bảo là không tham nhũng thì dân tin thế nào được? Cán bộ nào cũng có nhà cao cửa rộng, không một thì nhiều nhà. Lúc kê khai tài sản thì không có gì. Thế thì chống tham nhũng thế nào? Các nước phát triển họ bắt chứng minh nguồn thu nhập chính đáng. Còn ở ta thì cứ chuyển hết tài sản đứng tên vợ, tên con, cháu, anh em họ hàng… thì lấy đâu ra tài sản mà kê khai. Điều đó làm người ta bức xúc.
Đấu tranh lên xuống mãi còn chưa được
Nếu mà từ thời ông làm chống tham nhũng quyết liệt ở phường Nghĩa Đô, nếu lúc đó có đường dây nóng tố cáo tham nhũng như thế này thì hẳn cũng là một kênh trợ giúp tốt cho ông?
Tôi đấu tranh trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, cung cấp tài liệu cho cán bộ. Người ta biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư trái phép rồi rao bán, tôi phô tô cả 5 sổ đỏ ấy ra để nộp cùng. Thế mà tôi phải đấu tranh đến mấy nhiệm kỳ vẫn chưa kết thúc, giờ vẫn còn 1 sổ đỏ nữa chưa thu được. Người dân rất tâm huyết nhưng cơ chế của mình nó khó. Người dân đặt câu hỏi sao không điều tra nguồn gốc của những biệt thự to đùng ngay giữa phố của cán bộ? Nếu cán bộ nào cũng của chìm của nổi, nhà nọ nhà kia… thì người dân khó tin. Ông tổng thanh tra trước đây cũng có bao nhiêu biệt thự mà khi kê khai tài sản người ta đâu có phát hiện.
Một phần nữa như ông từng trải nghiệm là đi tố cáo tham nhũng còn bị trả thù, dằn mặt?
Chúng nó thuê xã hội đen đến nhà ném phân vào nhà tôi, rồi đe dọa chửi bới đủ kiểu, gãy cả mấy đầu ngón chân phải đi tập tễnh một thời gian… Cũng chẳng ai bảo vệ mình. Rồi có khi đơn tố cáo mình vừa mới gửi đến cơ quan công quyền đã nằm ngay trên bàn người bị tố cáo rồi. Nó có nhiều cái khó là thế.
Ông có hối hận vì đã đấu tranh?
Không, đến giờ tôi vẫn đấu tranh đấy chứ. Tham nhũng càng lớn thì càng nguy cho chế độ. Cán bộ càng tham thì dân càng khổ. Khi dân đã mất đi niềm tin thì sẽ rất nguy hiểm, thế nên công cuộc phòng chống tham nhũng cần phải làm từng bước, quyết tâm, có chiến lược, có tầm nhìn.
Tết sắp đến rồi, phải chăng đây là “mùa biếu xén”?
Trước đây Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có chỉ đạo cấm cấp dưới lên chúc Tết cấp trên. Nhưng đến giờ chúng ta thực hiện được bao nhiêu? Nên cả đường dây nóng thì cũng khó lắm.
Ai tin được?
Báo cáo số liệu về xử lý tham nhũng trong 9 tháng năm 2015, Thanh tra TPHCM cho biết chưa phát hiện hành vi tham nhũng. Trước đó, Hà Nội cũng khẳng định, qua công tác kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, hay tặng và nhận quà biếu. Có vẻ như công cuộc phòng chống tham nhũng không như nhiều người nghĩ?
Tôi hỏi cô là cô có tin được kết luận đó không? Tham nhũng thì đầy rẫy ra mà không phát hiện. Người dân có quyền đặt câu hỏi là thanh tra làm gì mà không phát hiện. Trước đây chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã phát ngôn chạy công chức hết hơn 100 triệu đồng, trong khi chạy công chức mấy chục năm nay rồi, chạy công chức giáo viên, xin một cái chân nhỏ nhoi trong phường… đều phải tiền. Thế mà cán bộ bảo không có chuyện chạy công chức.
Ông bảo tham nhũng nhiều, chỗ nào cũng có, thì bằng chứng đâu, ông đưa tôi xem?
Thì thế tôi mới nói về đường dây điện thoại tố cáo tham nhũng kia. Nếu tố cáo thì bằng chứng đâu? Đấy, vấn đề là thế thì người ta mới mất niềm tin. Yêu cầu khi ra pháp luật phải có chứng cứ, giờ không có chứng cứ, chỉ nói miệng thôi thì có khi lại tai vạ ấy chứ. Ví dụ như vụ Giang Kim Đạt chuyển cho bố hắn bao nhiêu là biệt thự. Đáng lẽ cơ quan pháp luật phải yêu cầu giải trình ông ấy lấy tiền từ đâu, thế mà họ có làm đâu. Biệt thự đầy ra đấy còn chẳng làm được gì huống hồ là mấy cái quà tặng biếu xén ngày Tết. Cái to đùng như thế còn không làm được nữa là cái phong bì nhỏ nhỏ.
Vậy là ông không tin tưởng vào đường dây nóng?
Tôi nghĩ là khó có kết quả lắm. Chỉ trường hợp thù hằn đấu đá nhau thì tố cáo một chút thôi.
Liệu số điện thoại đường dây nóng có nguy cơ thành đường dây nguội?
Cuộc gọi thì hẳn là cũng có, nhưng tôi nghĩ nó chẳng giải quyết được vấn đề gì lớn lắm.
Theo ông thì giải pháp nào để giải quyết cơ bản vấn đề tham nhũng ở Việt Nam?
Tất cả là do những người đứng đầu, gương mẫu, dám làm. Cần thiết thì phải thực hiện cuộc cách mạng về phòng chống tham nhũng, cách mạng triệt để chứ không làm nửa vời thì mới mong giải quyết được.
Xin cảm ơn ông!
Trên thực tế, việc công bố các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin đã được thực hiện từ trước Tết Nguyên đán năm ngoái và Cục đã nhận được hơn 60 cuộc tố cáo về việc này. Năm nay, để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn, Cục tiếp tục công bố rộng rãi đường dây nóng nói trên để người dân có thể phản ánh kịp thời những tiêu cực mà mình phát hiện được. Để phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng, tặng quà, biếu xén, người dân có thể gọi vào đường dây nóng theo các số điện thoại: 080.48228 - 0902.386.999 hoặc 0125.698.6688. Trong ba số điện thoại nêu trên, số điện thoại của Cục mở trong giờ hành chính, riêng số điện thoại của lãnh đạo Cục (0902.389.999) sẽ mở liên tục 24/24 trừ trường hợp bất khả kháng không thể mở được ngoài ý muốn.
Tô Hội