Chủ đầu tư bác thông tin xây cầu qua sông Tô Lịch hết 38 tỷ đồng

Google News

Đơn vị quản lý khẳng định tổng mức đầu tư dự án cầu Yên Hòa mới là gần 28 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 23,5 tỷ.

Công trình cầu Yên Hòa có chiều dài 41,4 m, rộng 21,25 m do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư vừa được đưa vào sử dụng. Theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội và được một số tờ báo đăng tải, tổng mức đầu tư xây dựng mới cầu Yên Hòa là gần 38 tỷ đồng.
Con số 38 tỷ đồng khiến nhiều người bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng số tiền như vậy là quá lớn cho một cây cầu bê tông cốt thép bắc qua sông Tô Lịch.
Chi phí xây lắp gần 24 tỷ đồng
Trao đổi với Zing, cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội phụ trách quản lý dự án cầu Yên Hòa cho biết giá tổng mức đầu tư thực tế của công trình cầu Yên Hòa là 27,9 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây lắp là 23,5 tỷ đồng, chi phí tư vấn là 1,6 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án là 531 triệu đồng, chi phí dự phòng là 1,3 tỷ đồng và chi phí khác là 850 triệu đồng.
Chu dau tu bac thong tin xay cau qua song To Lich het 38 ty dong
Đơn vị quản lý dự án khẳng định tổng mức đầu tư dự án cầu Yên Hòa là gần 28 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Tân. 
Giải thích về con số 38 tỷ đồng đang lan truyền trên mạng xã hội, vị này cho biết đó là mức khái toán ban đầu của dự án. Chi phí thi công thực tế đã giảm xuống do nhiều yếu tố, trong đó có việc đấu thầu chọn được đơn vị xây lắp với mức giá thấp.
"Chi phí xây dựng công trình đã được tính toán theo thiết kế, dự toán và được cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Nhà nước về quản lý chi phí", vị này khẳng định.
Tính cả cầu Yên Hòa mới, đoạn sông Tô Lịch từ nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Việt đến Ngã Tư Sở đến nay đã có 11 cây cầu bắc qua sông.
Vào năm 2019, Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất xây 3 cây cầu bắc qua sông Tô Lịch dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp. Dự toán đầu tư của 3 cây cầu này cộng lại là 36 tỷ đồng.
Chi phí thi công trong nội đô đắt hơn ngoại thành
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Bùi Tiến Thành, Trưởng Bộ môn Cầu hầm của Đại học GTVT, nhận định có nhiều yếu tố tác động đến đơn giá thi công cầu. "Đơn giá thi công ở Hà Nội sẽ khác ở Hải Phòng hay Quảng Ninh. Thi công ban đêm sẽ khác ban ngày. Vật liệu vận chuyển từ xa sẽ đắt hơn vật liệu tại chỗ", ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cầu đường Long Biên, đơn vị thi công cầu Thịnh Long (Nam Định) và cầu vượt hồ Linh Đàm, nhận định chi phí thi công ở nội thành Hà Nội luôn bị đội lên cao do mật độ dân cư đông ảnh hưởng đến việc thi công.
Bên cạnh đó, sự biến động giá sắt thép, bê tông cũng tác động đến tổng mức đầu tư dự án. Công trình có thể có mức đầu tư rẻ hơn hoặc cao hơn so với dự toán tùy vào biến động giá vật liệu trong thời điểm thi công.
Ông Kiên cho rằng chi phí xây lắp cầu Yên Hòa sẽ thấp hơn con số được ghi trong kế hoạch đầu tư nếu chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu xây lắp bỏ giá thấp hơn mức dự toán.
"Ví dụ như khi chúng tôi thi công cầu Thịnh Long, dự toán đầu tư dự án là hơn 1.100 tỷ đồng nhưng giá trúng thầu xây lắp chỉ hơn 400 tỷ đồng. Vốn dư còn lại được Nhà nước sử dụng để tái đầu tư vào dự án cầu Ninh Cường", ông Kiên chia sẻ.
Cuối tháng 2, đơn vị thi công bắt đầu rào chắn để thi công cầu Yên Hòa. Sau khoảng 9 tháng triển khai, cầu Yên Hòa mới được xây dựng theo công nghệ bê tông cốt thép dự ứng lực đã thông xe.
Cầu Yên Hòa được xây mới trên nền cầu cũ đã xây từ năm 1993. Theo người dân địa phương, Cầu Yên Hòa cũ có chiều rộng gần 7 m, thường xảy ra ùn tắc khi 2 ôtô đi ngược chiều tránh nhau. Để có mặt bằng xây dựng cầu mới, nhà thầu đã phá dỡ cây cầu Yên Hòa cũ.
Theo Ngọc Tân/Zing.vn