Kết quả đáng khích lệ
Theo báo cáo của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), trong 5 năm (2011-2015), cả nước đã tiết kiệm được khoảng 6% sản lượng điện thương phẩm. Đây là thành quả rất đáng khích lệ.
Giai đoạn 2011-2015, EVN không chỉ bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế mà còn luôn đi đầu trong thực hiện các giải pháp và tuyên truyền sử dụng TKĐ và hiệu quả. Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng Ban kinh doanh EVN cho biết, tỷ lệ TKĐ so với điện thương phẩm của toàn EVN lần lượt qua các năm 2011 - 2014 là 1,42%, 1,61%, 2,46% và 2,34%; sản lượng điện tiết kiệm bình quân mỗi năm 1,9 tỷ kWh. Hiệu quả từ hoạt động TKĐ cũng góp phần tác động tích cực đến giảm tổn thất điện năng, từ 9,23% năm 2011 xuống còn 8,87% năm 2013, 8,49% năm 2014 và phấn đấu còn 8% năm 2015.
Có được kết quả đó, EVN đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm với chỉ tiêu cụ thể và triển khai sâu rộng đến từng điện lực địa phương. Điển hình là các chương trình: Tuyên truyền, quảng bá sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thay đèn sợi đốt bằng đèn compact; “Giờ Trái đất”; quảng bá bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời...
Theo ông Đặng Huy Cường- Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, tính đến cuối năm 2014 đã có 7.289 mẫu sản phẩm được Bộ Công Thương cấp phép dán nhãn năng lượng. Dự báo, mức TKĐ trong năm 2015 có thể lên tới 4,94 triệu TOE (hệ số chuyển đổi năng lượng) và làm lợi 118 tỷ đồng.
Sử dụng điện tiết kiệm - Cần đi trước một bước
Trên thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện, trong khi nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng trong thời gian tới, đòi hỏi cần có các giải pháp sử dụng điện hiệu quả.
Ông Trần Viết Nguyên chia sẻ, cho đến thời điểm này, việc TKĐ vẫn còn khó khăn do nhận thức của một số bộ phận người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm còn hạn chế. Hệ số đàn hồi vẫn còn cao, thể hiện hiệu quả sử dụng điện còn thấp, kéo theo phụ tải của một số ngành, lĩnh vực tăng đột biến, vượt quy hoạch, cũng là một khó khăn trong công tác TKĐ; nguồn vốn, tín dụng đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng còn eo hẹp...
Trước thực trạng đó, việc đẩy mạnh TKĐ phải đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN - thông tin: EVN đã và đang tiến hành nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng trên, trong đó, sử dụng điện một cách tiết kiệm và hợp lý là một biện pháp rất quan trọng.
Không chỉ triển khai trên bề rộng, các chương trình TKĐ của EVN còn tập trung theo chiều sâu như tiết kiệm chiếu sáng, tòa nhà công sở, phòng học kiểu mẫu… Đối với khối doanh nghiệp, EVN chủ động phối hợp để xây dựng chương trình TKĐ thông qua việc hỗ trợ, tư vấn sắp xếp nơi làm việc, phương án đầu tư thay đổi thiết bị, máy móc sử dụng điện hiệu quả tiết kiệm.
Ngoài ra, EVN kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên để nâng cao ý thức trong cộng đồng; xây dựng và triển khai các cơ chế tài chính thúc đẩy các dự án đầu tư vào tiết kiệm năng lượng như: Cơ chế cho vay ưu đãi; cơ chế hợp đồng dịch vụ năng lượng (ESCO); hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thiết bị trong nước; đẩy mạnh việc sử dụng các thiết bị dán nhãn năng lượng…
Theo EVN HANOI