Chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture mùa 1: “Làm nghiên cứu đừng ngại thương mại hoá”

Google News

Giải thưởng VinFuture nhanh chóng tạo được tiếng vang trong giới khoa học toàn cầu chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt.

Tôn vinh những nghiên cứu, phát minh có tính ứng dụng cao; thu hẹp “hố sâu” bất bình đẳng trong khoa học, công nghệ - những tiêu chí khác biệt này khiến Giải thưởng VinFuture nhanh chóng tạo được tiếng vang trong giới khoa học toàn cầu chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt.
Đó là chia sẻ của GS. Zhenan Bao, chủ nhân Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ của VinFuture mùa đầu tiên với phát minh da diện tử, trước thềm Lễ trao giải lần thứ 2.
Giúp ích cho xã hội là động lực quan trọng nhất của người làm khoa học
- Với nhiều người, da điện tử dường như chỉ có trong phim viễn tưởng. Còn với GS, bà đang ở đâu trên con đường biến điều viễn tưởng đó thành hiện thực, sau khi phát minh của bà được vinh danh tại VinFuture 2021?
Da người có hàng triệu tế bào cảm thụ khác nhau giúp chúng ta có những cảm giác phức tạp khi chạm và phân biệt được các đối tượng. Để da điện tử có thể cảm nhận được như da người sẽ cần ít nhất hàng trăm, hàng nghìn cảm biến. Đặc biệt, chúng tôi đang phát triển thế hệ da điện tử mới phức tạp hơn nhiều và gần với các chức năng của da người hơn. Bởi thế, dù đã đạt được nhiều bước tiến đột phá nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Song, tôi tin rằng ngày đó không còn xa.
Chu nhan Giai dac biet VinFuture mua 1: “Lam nghien cuu dung ngai thuong mai hoa”
GS Zhenan Bao – Chủ nhân Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ VinFuture mùa 1 
- Có vẻ nghiên cứu không tiến triển nhanh như kỳ vọng. Bà và các cộng sự gặp phải những khó khăn gì?
Không hẳn như thế. Chúng tôi đã theo đuổi dự án da điện tử hơn 10 năm và đã vượt qua rất nhiều thách thức. Đối với thiết bị điện tử dạng cấy ghép, có thể phải mất nhiều năm. Đây là lý do tại sao chúng tôi đang nghiên cứu phát triển thiết bị theo dõi không xâm lấn có thể gắn vào bề mặt cơ thể người để đẩy nhanh tiến trình. Hiện, việc thử nghiệm một số cảm biến đã được thực hiện trên người để cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định điều trị của bác sĩ.
Tương tự, chúng tôi đã mất 4 năm cho dự án đo lường các chất dẫn truyền thần kinh trong não và ruột. Không dễ dàng để đưa các cảm biến vào một môi trường rất phức tạp như ruột, nơi có rất nhiều hóa chất khác nhau. Cảm biến cũng phải rất mềm để không gây ra bất kỳ xáo trộn nào đối với chức năng sinh học và hành vi tự nhiên của cơ thể.
Hiện, chúng tôi đã thực hiện được phép đo trên động vật và phải mất khá nhiều thời gian để thử nghiệm trên người. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra các công nghệ ít xâm lấn để “đo” tâm trạng con người, chẳng hạn như mức độ lo lắng hay trầm cảm, từ mồ hôi hoặc dịch mô dưới da.
- Khả năng thương mại hóa của các công nghệ này ra sao, thưa bà? Bà có ngại không khi đề cập đến chuyện nhà khoa học làm thương mại?
Tại sao lại phải ngại khi mà các nghiên cứu suy cho cùng cũng là để phục vụ con người? Với các nghiên cứu ứng dụng, thước đo hiệu quả nằm ở khả năng thương mại hóa.
Tôi bước chân vào con đường nghiên cứu một phần vì đam mê khám phá, nhưng động lực quan trọng hơn là để tạo ra những phát minh hữu ích cho xã hội. Như các bạn biết, tôi có 2 công ty khởi nghiệp để đưa những thành quả nghiên cứu liên quan đến da điện tử đến với công chúng.
VinFuture đi đầu trong việc thu hẹp bất bình đẳng giới trong khoa học
- Quan điểm của bà tương đồng với triết lý của giải thưởng VinFuture, đó là khoa học phụng sự nhân loại. Với bà, việc giành Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ có sáng tạo đột phá có ý nghĩa như thế nào?
Chu nhan Giai dac biet VinFuture mua 1: “Lam nghien cuu dung ngai thuong mai hoa”-Hinh-2
GS Bao và GS Friend tại Lễ trao giải VinFuture mùa 1 
Có rất nhiều ứng cử viên xứng đáng và tôi cảm thấy rất may mắn, vinh dự và cũng bất ngờ nữa khi được chọn.
Thế giới có nhiều giải thưởng, có giải thậm chí tuổi đời lên tới gần trăm năm, nhưng không nhiều phụ nữ được trao giải. Đối với người làm khoa học, giải thưởng không phải là mục tiêu, nhưng đó là sự ghi nhận quan trọng.
Xã hội ngày nay đã nhìn nhận đầy đủ hơn về những đóng góp của phụ nữ đối với khoa học và công nghệ, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để lấp đầy “hố sâu” bất bình đẳng giới. Tôi rất vui vì VinFuture đã đi đầu trong sứ mệnh đó. Tiêu chí khác biệt cũng là lý do giúp Giải thưởng VinFuture dù mới ra đời nhưng cũng đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng khoa học toàn cầu.
- Sau mùa 1 rất thành công, GS nghĩ sao về chủ đề của Giải thưởng VinFuture mùa 2?
Covid-19 đã gây tổn thất nghiêm trọng cho toàn cầu. Nhu cầu cấp bách và thách thức lớn nhất của thế giới hiện nay là các vấn đề về năng lượng, môi trường và sức khỏe. Bởi thế, chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” mà VinFuture chọn cho mùa 2 có ý nghĩa đạc biệt và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trên thế giới nhằm đưa ra những nghiên cứu, phát minh giúp nhân loại phục hồi sau đại dịch.
- Từ một cô gái nhút nhát nay trở thành một nhà khoa học có ảnh hưởng quốc tế, chủ nhân của Giải thưởng VinFuture danh giá, bà có lời khuyên gì cho các nhà khoa học trẻ?
Một thành tựu khoa học, công nghệ đột phá thường là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, phát triển suốt nhiều năm chứ không phải một sớm một chiều. Bởi thế, tôi muốn nói rằng các bạn hãy tự tin với bản thân và lạc quan vì chỉ cần kiên trì theo đuổi đam mê của mình thì những điều tuyệt vời sẽ đến.
- Xin cảm ơn bà!
GS. Zhenan Bao, người Mỹ gốc Trung Quốc, đang công tác tại Đại học Stanford (Mỹ), là 1 trong 3 nhà khoa học giành Giải đặc biệt VinFuture lần thứ nhất cho phát minh da diện tử.
Da điện tử được GS. Bao và các cộng sự phát triển từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao, có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành như da thật, đồng thời có cảm biến nhiệt độ, có cảm giác đau đến não, có khả năng phân huỷ sinh học và thân thiện với môi trường. Phát minh đột phá này mở ra cơ hội phục hồi chức năng hiệu quả cho hàng triệu người khuyết tật trên thế giới.
PV