Ngày 9/5, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định tổ chức phiên họp lần thứ 7. Các vấn đề giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, xử lý nghiêm người chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân được các đại biểu đưa ra bàn luận.
Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thơm cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã và đang triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực như: Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam; Dự án xây dựng đường ven biển ĐT 639; Khu nhà ở xã hội tại phường Nhơn Bình; các khu tái định cư phục vụ các dự án, khu dân cư mới tại các huyện, thị xã, thành phố...
Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng tại một số địa phương, nhất là cấp xã còn buông lỏng, việc xử lý các vi phạm chưa thường xuyên, triệt để. Do đó, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng.
Nội dung khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua chủ yếu vẫn liên quan đến lĩnh vực
đất đai, thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (chiếm hơn 70%). Một số vụ việc công dân chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong việc khiếu nại, tố cáo; tập trung khiếu kiện đông người, có tính chất gay gắt; một số công dân ra Hà Nội đến các cơ quan Trung ương khiếu nại nội dung cũ đã được UBND tỉnh và các Bộ ngành Trung ương xem xét, giải quyết.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Diễm Phúc |
Ông Thơm cho rằng, nguyên nhân chính phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo là do nguồn gốc đất xác nhận không đúng thực tế. Thứ 2 nữa là trong quy định có nhiều cái bất cập. “Đất đai nhiều vụ việc rất phức tạp, không thể nào làm đúng thời hạn được, phải gia hạn, phải đi xác minh, nhất nguồn gốc đất, chúng tôi yêu cầu chính quyền cấp xã xác minh nguồn gốc đất thì cấp xã gửi chậm, từ đó nó mới dẫn đến chậm”, ông Thơm cho nói.
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, việc xác nhận tính pháp lý của nguồn gốc đất cũng như nhà ở dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các dự án, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi bị thu hồi đất...
|
Thường trực HĐND tỉnh Bình Định tổ chức phiên họp lần thứ 7. Ảnh: Diễm Phúc |
Cần có giải pháp giải quyết dứt điểm
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay, tình trạng xây dựng công trình trái phép vẫn còn phức tạp, tỉnh chưa có dữ liệu về đất đai. Công tác kiểm đếm, bồi thường còn sai sót, không đảm bảo sự công bằng, cần có giải pháp giải quyết dứt điểm.
Liên quan các vụ việc khiếu nại kéo dài, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, công tác tuyên truyền về chính sách hiện đang còn yếu, bà con không hiểu được dẫn đến bà con khiếu nại nhiều và vướng mắc này có một số đối tượng lợi dụng, kiện tụng kéo dài.
“Công tác tiếp công dân của chúng ta từ dưới xã trở lên kém, không ý thức được chúng ta chặn yếu tố khiếu nại từ dưới cơ sở. Tỉnh có thể tiếp công dân một tháng một lần, nhưng với chính quyền xã các anh phải xác định với bà con là hàng ngày, vướng đâu giải quyết đấy cho bà con chứ không phải một tuần mới đến một lần”, ông Tuấn nói.
Trong năm 2022, các cấp, các ngành đã tiếp nhận, xử lý 3.931 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, gồm 1.371 đơn khiếu nại, 185 đơn tố cáo và 2.375 đơn kiến nghị, phản ánh (tăng 1.175 đơn so với năm 2021).
Riêng khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai có 530 vụ, trong kỳ các cấp, các ngành đã giải quyết 474/530 vụ việc theo thẩm quyền (đạt tỷ lệ 89,43%), còn 56 vụ việc đang xem xét giải quyết trong thời hạn luật định.
Theo Vietnamnet