Liên quan đến việc đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại khi thảo luận tại Tổ về kinh tế xã hội tại Quốc hội sáng 22/5 cho biết, qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì “thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố”, chiều cùng ngày, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những trao đổi với PV về những thông tin trên.
Theo đại biểu Dương Quang Thành, ông đã nắm được thông tin được đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà đưa ra về cách tính giá điện. Tuy nhiên, các bậc thang đại biểu Quốc hội đưa ra tính toán không đúng.
“Việc tính toán tăng giá điện như thế nào, mức độ % mà EVN đưa ra hoàn toàn chính xác. So sánh trước khi tăng giá và sau khi tăng giá với từng bậc thang một mà EVN đưa ra chính xác, đồng thời đều tăng từ 8,3 - 8,4%", Chủ tịch EVN nói và cho biết, các số liệu được nữ đại biểu đưa ra không nằm trong biểu giá được Chính phủ quy định.
|
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành và Đại biểu Lê Thu Hà. |
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, giá điện cơ sở chỉ là giá bán điện bình quân mà Chính phủ quy định còn không có giá cơ sở nào.
"Khi so sánh các bậc, lấy cơ sở bậc 1, và từ bậc 2, 3, 4, 5, 6 tăng theo tỷ lệ. Còn khi so sánh các bậc với nhau phải so cùng một bậc trước và sau tăng giá. Nếu cần thiết Tập đoàn sẽ đưa ra bảng giá cho rõ ràng", Đại biểu Thành nói.
Trước câu hỏi của PV về việc "thông tin đại biểu đưa ra không chính xác, vậy EVN và cá nhân ông có gặp đại biểu để trao đổi rõ hay không?", ông Thành cho biết, đã yêu cầu bên điện lực giải thích rõ cho các đại biểu Quốc hội trước khi các đoàn đi họp.
"Tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này. Nếu điện lực chưa thông tin rõ cho các đoàn ĐBQH, tôi sẽ yêu cầu làm rõ hơn và có bảng tính toán cụ thể để đại biểu hiểu hơn so sánh biểu giá điện trước và sau tăng giá", ông Thành thông tin và cho biết thêm, về ý kiến của ĐBQH đưa ra nên gộp bậc thang tính điện vào, phải nghiên cứu từ cơ sở thực tế, tính toán.
"Tôi đang yêu cầu tập hợp lại các số lượng, tỷ lệ khách hàng cũng như giá trị chi phí khách hàng trả từng bậc thang để cân đối cụ thể. Chiều mai Cục Điều tiết Điện lực sẽ họp cùng EVN vấn đề này", Chủ tịch EVN nói thêm.
Chủ tịch EVN khẳng định, đang làm đúng theo lộ trình của Thủ tướng, Chính phủ về tăng giá điện.
“Vừa rồi cũng có một ĐBQH đưa cho tôi bảng tính so sánh tương tự bảng của đại biểu Hà và tôi đã giải thích và đưa lại biểu tính giá điện. Sau khi đọc, đại biểu đồng tình với giải thích của ngành điện", ông Thành thông tin.
Đại biểu Thành cũng cho biết, vào năm 2017, kiểm toán đã vào kiểm toán về giá điện và không có sai phạm.
"Nay ĐBQH đề nghị kiểm toán Nhà nước vào kiểm toàn về giá điện thì tôi nghĩ kiểm toán là vấn đề tốt. Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan vào kiểm tra giá điện đã làm việc với EVN. Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ tài liệu với Đoàn Kiểm tra", ông Thành khẳng định.
Trước đó, thảo luận tại tổ Nghệ An sáng 22/5, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại cho biết qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì “thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố”.
Dẫn số liệu tham khảo từ chuyên gia kinh tế để chứng minh, bà Lê Thu Hà cho biết, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.
Đối với bậc 3 (101-200kWh), theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1.549 đồng), hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, khác với 8,4% mà EVN thông báo.
Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201-300kWh) là 12,7% và ở bậc 5 (301-400kWh) là 14,2%. Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2% và 15%, khác với 8,33-8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.
“Vấn đề đặt ra ở đây chúng tôi cần sự minh bạch của điện lực về mức giá đúng của 1 kWh điện. Nếu có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. Báo cáo Bộ Công thương gửi thấy lý giải rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến đại biểu Quốc hội", đại biểu Lê Thu Hà nói.
Hải Ninh