Chủ tịch Quốc hội đánh giá thế nào về phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT?

Google News

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới giữ cương vị đứng đầu ngành giáo dục đào tạo không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành.

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của đại dịch COVID-19, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đại học theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng. Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vì vậy thu hút được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội và hàng chục triệu học sinh, các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh trong toàn quốc.
Chu tich Quoc hoi danh gia the nao ve phien chat van Bo truong Bo GD-DT?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. 
Tại phiên chất vấn lần này đã có 28 đại biểu Quốc hội chất vấn. Có 10 ý kiến tranh luận, còn 1 đại biểu đã có câu hỏi nhưng Bộ trưởng chưa trả lời. Ngoài ra còn có 20 đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa được chất vấn. Đề nghị 21 đại biểu gửi phiếu chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để trả lời bằng văn bản.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới giữ cương vị đứng đầu ngành giáo dục đào tạo không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, đã trả lời kỹ các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến tranh luận.
Phiên chất vấn đề cập nhiều vấn đề nóng bỏng của ngành giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 như việc đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19. Bên cạnh vấn đề về chất lượng, các vị đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm đến yếu tố dạy người, kỹ năng sống, nhân cách làm người để góp phần phát huy và duy trì đạo đức xã hội của chúng ta hiện nay, nhất là thế hệ tương lai của đất nước.
Công tác dạy và học trực tuyến cần phải đảm bảo thực chất và có hiệu quả. Công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền khác nhau, việc giảm tải chương trình cho học sinh, việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các khu vực, vùng miền...
Các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo giải trình thêm về việc thực hiện đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng như nội dung liên quan đến việc triển khai chủ trương dạy và học bằng hình thức trực tuyến...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo đã trả lời làm rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đối với những vấn đề thuộc chủ đề của chất vấn đặt ra có phân tích theo từng cấp học như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.
Các vị đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn, sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn những ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo... Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương để nghiên cứu và sớm triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin cho học sinh nhằm có kế hoạch, lộ trình đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học; tập trung đúc rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2021, sớm hoàn thiện tổ chức khi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022...
Tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, cơ sở giáo dục trong đào tạo tổ chức thi và công tác tuyển sinh. Tiếp tục quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách; phối hợp với các bộ, ngành cân đối, bố trí đủ kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa và Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt. Sớm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập cả về đầu mối trường lớp, số lượng, chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này. Tăng cường quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính, không để xảy ra các sai phạm tương tự như trong một số đơn vị y tế trong thời gian vừa qua. Lưu ý việc mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe của các trường đại học đa ngành đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo...

Nguồn: VOV

Hiểu Lam