Sau khi nghe báo cáo công tác kiểm toán 2023 và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới yêu cầu phải bám sát mục tiêu tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước.
Nhấn mạnh, Kiểm toán Nhà nước là công cụ rất quan trọng của Đảng, Nhà nước, trong đó có phục vụ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vai trò của Kiểm toán Nhà nước ngày càng cao hơn thì hiệu lực cũng ngày càng phải cao hơn, làm gì cũng phải có hiệu quả, theo phương châm “thà ít nhưng tốt”.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hoạt động kiểm toán phải tiếp tục góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ.
“Mỗi năm công bố kết quả kiểm toán, thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều, xử lý nhiều sai phạm một mặt cho thấy công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra được thực hiện chu đáo, đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, mặt khác cũng cho thấy vấn đề, tại sao hiện nay các công cụ hoạt động thường xuyên như vậy, liên tục như thế mà kỷ luật, kỷ cương, sai phạm không giảm mà lại có vẻ tăng lên”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, công tác quyết toán hằng năm cho thấy có rất nhiều vấn đề liên quan tới dự toán, quyết toán ngân sách nói từ năm này sang năm khác, từ kỳ họp này sang kỳ họp khác nhưng vẫn tiếp diễn. “Phải trả lời được câu hỏi này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
So sánh Kiểm toán Nhà nước như là bác sĩ của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, làm bác sĩ thì càng ít bệnh nhân càng tốt. Kiểm toán Nhà nước phải góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thực hiện chủ trương kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác kiểm toán, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra, kiểm tra.
“Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn tất báo cáo trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan ở mọi lĩnh vực cũng đều phải tham gia vào công tác này.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh phương châm kiểm toán phải "thà ít mà tốt", để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. "Đừng có rải mành mành ra, làm gì có trọng tâm trọng điểm, mình làm có tác động lan tỏa", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu tiếp tục đề cao tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực. Công khai, minh bạch là một trong những vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán.
"Chủ yếu các đồng chí mới đăng tải kết quả kiểm toán thôi... Phải tổ chức họp báo. Trước đây, các cuộc kiểm toán quan trọng đều họp báo công bố công khai. Mình đăng trên cổng thông tin ai người ta đọc, ít người đọc. Báo cáo kiểm toán hàng năm phải công khai, đồng thời lựa chọn các kiểm toán chuyên đề để công khai”, ông Huệ nhấn mạnh và nói thêm rằng: "Các đồng chí có vẻ ngày càng giảm nhiệt đi".
|
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ.
|
Chủ tịch Quốc hội phân tích, việc công khai kết quả kiểm toán có 2 mặt: một mặt khẳng định sức mạnh của kiểm toán, mặt khác cũng để dư luận giám sát hoạt động kiểm toán có đúng không, làm có đàng hoàng không.
"Bao giờ cho đến ngày xưa nhưng thời anh em chúng tôi (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng là Tổng Kiểm toán Nhà nước) là các cơ quan báo chí thường xuyên có mặt ở cơ quan kiểm toán. Mỗi lần họp báo là chuẩn bị toát mồ hôi, nhưng như thế kiểm toán viên người ta mới chịu khó làm cho nó đúng", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hoạt động kiểm toán phải có tính tư vấn sâu sắc hơn, chuyên nghiệp hơn; phản biện sắc bén hơn, trúng và có trọng tâm hơn.
“Dù làm riêng biệt hay kiểm toán chung, tất cả các cuộc kiểm toán phải hướng vào việc đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản để dự lường rủi ro về kinh tế vĩ mô. Phải trả lời được vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm, hệ thống tài chính, ngân hàng đang khó khăn, nợ xấu tăng, tình hình chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản tăng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ví dụ.
Bên cạnh đó là một loạt các vấn đề lớn khác, như khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được xử lý dứt điểm; các vấn đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, từ vấn đề in tới vấn đề phát hành, chiết khấu, giá bán sách giáo khoa…; các vấn đề liên quan tới thị trường bảo hiểm nhân thọ, có hay không vấn đề bắt tay giữa ngân hàng và bảo hiểm để trục lợi; các vấn đề về đầu tư công, giải ngân đầu tư công với các chương trình mục tiêu quốc gia vì sao vẫn tắc, vẫn chậm; các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm, sát hạch, đào tạo lái xe…
“Những vấn đề đó đáng lẽ Kiểm toán Nhà nước phải có dự báo, có động thái sớm thì đỡ thiệt hại”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tới các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp, nhất là tình hình khó khăn của doanh nghiệp. Số liệu thống kê tháng 8 cho thấy tình hình doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh từ đầu năm đến tuần đầu tháng 8 tăng 19,2%, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng 287,8%, tức hơn 36.000 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước có tham mưu về vấn đề này. Tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội sắp tới cũng sẽ có phân tích, đánh giá về tình hình doanh nghiệp hiện nay.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc tới vấn đề điện lực. Trước tình hình thiếu điện như thế, Kiểm toán Nhà nước cũng phải trả lời được câu hỏi về năng lực điện, giá điện như thế nào…
“Tôi đề nghị trên cơ sở đó các đồng chí rà soát lại, vừa xác định mục tiêu kiểm toán chung, điều chỉnh lại một số kiểm toán chuyên đề. Đừng có nhiều quá, tham lam quá, cái gì cũng đưa vào, những cái quá cụ thể, nên tập trung vào vấn đề hiện nay đang rất thời sự, thiết thực, sát thực tiễn hơn", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y.
Hải Ninh