Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh kiêm Hiệu trưởng ĐH Hạ Long: Có đúng quy định?

Google News

(Kiến Thức) - Điều 20 của Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định về Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học phải có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học.

Ngày 18/5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long đối với ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin trên được công bố đã khiến dư luận có nhiều ý kiến tranh luận. Bởi vì đây là lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên để người đang làm công tác quản lý nhà nước kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường đại học như ở Quảng Ninh.
Thậm chí một số ý kiến cho rằng, theo quy định tại Luật Giáo dục Đại học năm 2018 việc Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng một trường học có nhiều điều không phù hợp.
Tại điều 20 của Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định về Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học nêu rõ, một trong những tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học là phải có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học.
Đồng thời phải đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Chu tich tinh Quang Ninh kiem Hieu truong DH Ha Long: Co dung quy dinh?
 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng.
Kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học là một trong những quy định cần thiết của một hiệu trưởng trường đại học. Bởi theo quy định tại điều 20, hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học.
Đồng thời là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng là tiến sĩ kinh tế, là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Thắng chưa từng trải qua và có kinh nghiệm trong quản lý giáo dục đại học theo quy định tại điều 20 Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học như trên.
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục đại học quy định, Hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất một trường đại học. Hội đồng trường có quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học.
Như vậy, những quyết định trên được cấp có thẩm quyền công nhận mà trường Đại học Hạ Long là trường địa phương thì cơ quan quản lý thẩm quyền chính là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Như vậy dẫn đến thực trạng, Chủ tịch UBND tỉnh là cấp trên của Hội đồng trường nhưng Hiệu trưởng lại chịu sự quản lý của Hội đồng trường.
Vậy quyền hạn của Hội đồng trường Đại học Hạ Long có được đảm bảo khi ông Nguyễn Văn Thắng kiêm 2 vai, vừa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa là Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long.
Liên quan vụ việc trên, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, việc ông Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long là đúng quy định pháp luật; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, cũng như của Trường đại học Hạ Long trong thời gian tới.
Tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ ngày 1/1/2020, khi bà Vũ Thị Thu Thủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long nghỉ hưu theo quy định đến ngày 17/5/2020, nhà trường vẫn chưa kiện toàn được chức danh Hiệu trưởng. Việc này đã ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành của Nhà trường.
Do đó, để kiện toàn chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thảo luận, xem xét, đánh giá tổng thể, rà soát trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh (đặc biệt là điều kiện phải có học vị Tiến sĩ) và thống nhất quyết nghị phân công ông Nguyễn Văn Thắng, Tiến sĩ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm giữ chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long (tại Thông báo số 1756-TB/TU ngày 9/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ).
Tại buổi họp Hội đồng Trường Đại học Hạ Long để bầu chức danh Hiệu trưởng, ông Thắng nhận được 100% phiếu bầu. 
UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong quá trình công tác, với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng luôn quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sâu sát mọi hoạt động của nhà trường từ xây dựng cơ chế chính sách, tập trung nguồn lực đến tìm kiếm đối tác quốc tế để liên doanh liên kết, hợp tác đào tạo.
Bản thân ông Nguyễn Văn Thắng cũng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến ngành đào tạo của Nhà trường. Việc quy định Hiệu trưởng trường Đại học có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học là tiêu chuẩn mang tính định tính, có thể vận dụng đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng trong trường hợp rất cần thiết này, mặt khác Luật Giáo dục sửa đổi cũng không quy định bắt buộc chức danh Hiệu trưởng là cán bộ cơ hữu của trường Đại học.
Do đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh, Trường Đại học Hạ Long.
Tuy nhiên, dù UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin như trên, một số chuyên gia vẫn cho rằng việc, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh được giao kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long là không phù hợp.
Trao đổi với báo chí, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh có thể lãnh đạo địa phương rất tốt nhưng chưa chắc làm được tốt việc ở trường đại học bởi các vấn đề trong môi trường đại học hoàn toàn khác so với lĩnh vực quản lý nhà nước.
“Hiệu trưởng trường đại học cần có tầm nhìn xa về khoa học, con người và tư duy giáo dục để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh dù đang làm rất tốt nhiệm vụ điều hành, quản lý nhưng không nên kiêm thêm chức danh lãnh đạo trường đại học nữa" – GS.TS Phạm Tất Dong nói và cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nhiều lĩnh vực khó có thể có mặt theo sát cuộc họp giao ban chuyên môn, chủ nhiệm các đề tài khoa học, chủ tịch hội đồng tuyển sinh…
Trao đổi với truyền thông, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường, nguyên hiệu trưởng Học viện Nông nghiệp cho rằng, Chủ tịch UBND một tỉnh vốn bận trăm công ngàn việc quản lý địa bàn thì làm sao mà có thời gian để làm đúng, đủ chức trách của một hiệu trưởng trường đại học.
Bởi hiệu trưởng của một trường đại học phải trực tiếp giải quyết trăm thứ việc của nhà trường từ tuyển sinh, giáo trình, đảm bảo chất lượng, nghiên cứu khoa học…
Đồng thời, ông Viên cho rằng, nếu làm hiệu trưởng theo hình thức thì không được bởi là hiệu trưởng một trường đại học thì việc đầu tiên phải là nhà khoa học.

Trường Đại học Hạ Long được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg, ngày 13/10/2014 của Thủ tướng. Trường là cơ sở giáo dục đại học công lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh; chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục và đào tạo. Đại học Hạ Long đang có 11 ngành đào tạo trình độ đại học thuộc 3 lĩnh vực là xã hội - nhân văn, du lịch - dịch vụ, công nghệ - kỹ thuật. Bên cạnh đó, trường còn đào tạo các ngành thuộc trình độ cao đẳng đã có truyền thống thuộc khối sư phạm, nghệ thuật, du lịch và các ngành trung cấp nghệ thuật.

>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt quả tang cán bộ Quảng Ninh nhận hối lộ:
Nguồn VTC Now. 
Tâm Đức - Xuân Diệp