|
Bị cáo Nguyễn Thị Lan tại tòa. |
Hàng chục người mắc bẫy
Ngày 11/1, TAND TP Hà Nội xét xử Nguyễn Thị Lan (SN 1974, ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo truy tố, Lan không có nghề nghiệp ổn định nhưng lại nói với nhiều người việc mình có quan hệ với ông Bùi Hồng Minh – Tổng GĐ và hiện là Chủ tịch Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).
Lan khẳng định mình có thể mua máy móc sản xuất xi măng, thạch cao… theo cách “ngoại giao” và bán lại với giá cao hơn. Sau đó, bị cáo nói với mọi người mình thiếu vốn để làm việc này, dụ họ đưa tiền và hứa khi mua bán thành công sẽ trả tiền gốc kèm số lãi theo tỷ lệ góp vốn mua.
Phía truy tố xác định, Lan còn lập tài khoản Zalo mang tên “Buiminh” và giới thiệu đây là nick của ông Bùi Hồng Minh. Bị cáo dùng tài khoản này, giả mạo ông Minh nhắn tin cho các bị hại; lập hợp đồng mua bán hàng hóa khống… nhằm tạo sự tin tưởng.
Bằng thủ đoạn này, Nguyễn Thị Lan đã lừa đảo, chiếm đoạt của 31 bị hại hơn 291 tỷ đồng. Trong đó, người ít nhất bị lừa vài chục triệu đồng, người nhiều nhất lên tới hơn 100 tỷ đồng. Thậm chí, bị cáo còn lừa từng nhóm bị hại là người quen của nhau; lừa cả chị nuôi của mình...
Trong vụ, ông Nguyễn Sỹ An (SN 1965, ở Nghệ An) bị xác định đã làm các hợp đồng mua bán hàng hóa khống để bị cáo Lan sử dụng, lừa đảo tiền từ các bị hại và sau đó, Lan đưa lại cho ông An gần 43 tỷ đồng.
Ông An phủ nhận việc cầm tiền từ Lan và khai, bản thân có quan hệ "bồ bịch" với Lan, có cho bị cáo vay tiền. Lan sau đó nhờ ông làm hợp đồng khống nhằm cho mọi người xem, để họ cho rút vốn mua bán gỗ. Cơ quan truy tố cho rằng ông An không đồng phạm với Lan trong việc lừa đảo.
Về số tiền chiếm đoạt bất chính, Nguyễn Thị Lan khai đưa cho ông Bùi Hồng Minh hơn 129 tỷ đồng để kinh doanh, việc này có 2 phụ nữ khác biết. Tuy nhiên, ông Minh và người liên quan nói không có việc này nên không bị xử lý.
Quá trình xảy ra vụ án, một số bị hại cho biết có nam giới tự xưng là ông Minh gọi điện cho họ, nói không được áp lực đòi tiền Lan. Điều tra làm rõ, số điện thoại này của ông Nguyễn Xuân Giỏi hàng xóm bị cáo Lan. Ông Giỏi có cho Lan mượn một số lần nên cơ quan điều tra không xử lý ông.
“Tin lên chức sẽ trả tiền”
Tại tòa, bị cáo Lan tái khẳng định có quen biết với ông Minh và đã đưa cho vị này hơn 129 tỷ đồng, cho rằng mình không có mục đích lừa đảo. Lan nói: “Bị cáo rất có niềm tin vào anh Minh. Bị cáo không nói với bị hại là huy động tiền cho anh Minh vì cương vị của anh lúc đó rất nhạy cảm”.
Lan tiếp lời: “Bị cáo tin anh Minh lên chức xong sẽ trả tiền cho mọi người. Ở góc độ nào đó trong vụ, bị cáo cũng là nạn nhân vì có niềm tin anh Minh sẽ trả tiền để mình hoàn trả cho anh em bạn bè. Bị cáo không có tài liệu chứng cứ gì chứng minh đưa tiền cho anh Minh”.
Về quan hệ của mình với ông Minh, bị cáo khẳng định hàng xóm Nguyễn Xuân Giỏi biết vì có lần 3 người trên ô tô, ông Minh mượn điện thoại ông Giỏi để gọi cho các bị hại trong vụ, yêu cầu không được đòi tiền Lan.
Bị cáo khai: “Lúc đó, các bị hại ép bị cáo nên bị cáo nhờ anh Minh đứng ra. Anh Minh nói không mang điện thoại nên mượn điện thoại của anh Giỏi. Các lần sau, bị hại vẫn đòi tiền nên anh Minh bảo anh Giỏi 'thôi chú diễn tiếp hộ anh' - tức anh Giỏi vờ là anh Minh để nói chuyện. Anh Giỏi không được nhận tiền từ bị cáo nhưng được anh Minh hứa cho một số gói thầu xây dựng”. Tuy nhiên chủ tọa đã công bố lời khai của ông Giỏi, thể hiện ông nói không quen biết ông Bùi Hồng Minh.
Trong vụ, một số bị hại còn tố cáo ông Bùi Công Trình (SN 1976) và theo họ, ông Trình là Phó giám thị một trại giam nhưng vờ làm giám đốc tài chính của VICEM để cùng bị cáo Lan lừa đảo.
Ngày mai (12/1), tòa tiếp tục làm việc.
Theo Xuân Ân/ Tiền Phong