Liên quan đến việc công trình Chữ Việt Nam song song 4.0 do tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm vừa chính thức được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG, đã nhận được không ít những ý kiến tiêu cực từ dư luận.
Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS.TS Bùi Hiền - người từng đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ cho rằng, việc sáng tạo, nghiên cứu là quyền của tất cả mọi người, không ai cấm.
“Tôi biết từ công trình nghiên cứu Chữ Việt Nam song song 4.0 cách đây lâu rồi, khi đó tác giả Trần Tử Bình có liên hệ với tôi để xin ý kiến, tôi nói rằng có ý tưởng thì cứ làm và tôi hoàn toàn ủng hộ. Còn việc sau này làm xong, đưa ra dư luận được công nhận thì tốt, còn bị phản đối thì cũng không sao, bởi công trình làm ra đâu xúc phạm đến ai.
|
Chữ Việt Nam song song 4.0 do tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm vừa chính thức được Cục Bản quyền tác giả. |
Lúc đầu, tác giả Trần Tư Bình nghĩ rằng đó là một thứ chữ tiếng Việt mới như của tôi là chữ cải tiến. Nhưng rồi sau này anh ấy thấy nó không phải, mà chỉ là bản tốc ký của tiếng Việt ghi gọn lại, phải dựa vào chữ quốc ngữ, do đó mới gọi là song song”, ông Hiền nói.
Nói về nhiều ý kiến phản hồi tiêu cực từ một bộ phận dư luận về Chữ Việt Nam song song 4.0, PGS.TS Bùi Hiền cho rằng: "Sau nghiên cứu hoàn thành và làm đăng ký bản quyền là chuyện bình thường. Vì đó là thành quả, công sức của tác giả và không xâm phạm gì đến ai cả. Khi có bản quyền thì người khác sử dụng thận trọng hơn và không thể tùy tiện đem ra bêu tếu, làm những chuyện không khoa học.
Xét về mặt khoa học, ứng dụng đó có tiện dụng hay không thì sau này nếu cần thiết sẽ có các hội thảo khoa học nhận định. Còn những phát biểu phản đối với phê phán một cách không có căn cứ khoa học trên mạng thì chúng ta không nên làm.
Để đánh giá và đưa ra nhận xét rằng bộ chữ 4.0 có thực sự khoa học và tiện dụng hay không đó là vấn đề khác. Người nghiên cứu khoa học coi đó là thành công và đăng ký bản quyền thì cứ hoan nghênh đã."
|
PGS.TS Bùi Hiền. |
Chia sẻ thêm về việc bản thân cũng trong hoàn cảnh nhận được nhiều ý kiến phản hồi tiêu cực, PGS Bùi Hiền cho biết, bản thân ông vẫn khuyên mọi người hãy dừng chuyện bình luận phê phán đi vì khi chưa tìm hiểu kỹ, chỉ thấy hơi khác chút đã phê phán sẽ làm cản những bước tiến của khoa học.
Thay vì chê bai, chúng ta nên tôn trọng việc của người ta làm. Đúng thì hoan hô, có lợi thì dùng, nếu không thấy cần thiết thì cũng không nên ném đá chửi bới, đây là văn hóa ứng xử cần có.
Nếu không có đủ dũng cảm hay đam mê thì những người nghiên cứu sẽ chùn bước trước những phản hồi tiêu cực, những bình luận gắt gao. Công nhận bản quyền là đúng, còn chuyện Chữ Việt Nam song song 4.0 có được ứng dụng hay không thì không thể do tác giả hoặc người khác quyết định.
Phải là các cơ quan chức năng thông qua dựa vào ý kiến của hội đồng khoa học nhiều cấp rồi mới đưa ra quyết định. Nếu lúc đó công bố ra cần trưng cầu dân ý hoặc tham khảo ý kiến của toàn dân thì lúc đó ta phát biểu, còn hiện tại mới chỉ đăng ký bản quyền.
"Chúng ta nên bình tĩnh, ai thích thì quan tâm, chưa phải đến lúc mang khoa học lên mạng bàn. Bởi vì trên mạng có nhiều tầng lớp, nhiều ý kiến, nhiều quan điểm. Những điều đó không phải là khoa học mà là cái chợ" - PGS.TS Bùi Hiền nói.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hiền, quy luật tâm lý của con người nói chung thường thì thói quen sẽ rất bảo thủ. Mặc dù có thể thấy những thứ mới ra tốt hơn hiện tại, nhưng không chịu thay đổi vì ngại mất thời gian học, không mất công... Do đó, bất kỳ những gì mới mà thay cho cái cũ đều phải qua một quá trình rất lâu để có thể hình thành một thói quen mới.
>>> Xem thêm video: Tác giả đề xuất cải cách “Tiếq Việt” lên tiếng
Phi Hùng