Chủ xe cho thuê "khóc cười" vì… phạt nguội

Google News

Giấy phạt nguội đến trễ, khách thuê xe vi phạm đã dời đi, chủ xe đành “ngậm bồ hòn” đóng phạt.

Tại TP.HCM, phạt nguội đã thí điểm được ba năm, là hình thức ghi lại hình ảnh các phương tiện tham gia giao thông vi phạm luật giao thông bằng thiết bị ghi hình, sau đó gửi thông báo vi phạm đến từng chủ phương tiện để họ nộp phạt. Tuy nhiên, đến nay hình thức xử lý này đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ cho thuê ô tô.
Khách vi phạm, chủ chịu trận
Anh Trần Minh Hoàng, ngụ quận Tân Bình, giám đốc một công ty dịch vụ cho thuê ô tô, cho biết: “Mới đây, tôi bất ngờ nhận được giấy báo vi phạm lỗi quá tốc độ và được yêu cầu đến đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (52-54 Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang, quận 1) để đóng phạt. Tôi không biết tính sao vì người vi phạm là khách thuê xe và vụ việc đã xảy ra từ mấy tháng trước. Tôi gọi điện thoại cho khách thuê không được, tìm đến địa chỉ cư ngụ thì họ đã chuyển đi. Vì thế tôi đành phải “ngậm bồ hòn” đóng phạt để còn yên ổn làm ăn”.
Tương tự, anh Trần Nhân, ngụ quận 3, có vài ô tô cho thuê tự lái. Khách thuê chủ yếu để đi du lịch các khu vực lân cận TP. Nhiều khách vô tình bị phạt nguội do vi phạm các lỗi như đỗ sai quy định, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ… “Vài tháng sau khi họ trả xe, tôi mới nhận được giấy báo vi phạm từ công an phường. Có khách tôi không liên hệ được thì coi như mình chịu. Có khách liên hệ được nhưng phải làm dữ thì họ mới chịu đóng phạt. Mệt mỏi lắm!” - anh Nhân nói.
Chu xe cho thue "khoc cuoi" vi… phat nguoi
Khách hàng đang tìm thuê ô tô ở TP.HCM. Ảnh: H.GIANG 
Những tình huống dở khóc dở cười này các DN cho thuê ô tô ở các địa phương khác cũng gặp phải. Anh Nguyễn Ngọc Vĩnh, nhân viên điều hành Công ty Cho thuê xe du lịch Đà Nẵng Nhất Phong Travel, cho biết có trường hợp xe vi phạm nhưng cơ quan chức năng không gửi giấy báo phạt cho chủ xe mà chuyển đến đơn vị đăng kiểm xe. Đến khi công ty này đưa xe đi đăng kiểm mới phát hiện xe mình vi phạm. “Thực tế thì khi xe vi phạm luật giao thông, không ai báo cho chủ xe. Bởi vậy chúng tôi có biết đâu mà đi nộp phạt. Nếu không nộp phạt thì không được đăng kiểm. Mà không đăng kiểm thì xe không được phép hoạt động” - anh Vĩnh cho hay.
Theo anh Trần Nhân, sau những lần phải tự móc hầu bao đóng phạt lỗi vi phạm của khách thuê xe, anh đã rút ra được một số kinh nghiệm để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Anh Nhân chia sẻ: “Bây giờ khách đến thuê xe thì phải kèm hộ khẩu hoặc các giấy tờ có giá trị như giấy chứng quyền sử dụng đất hoặc tài sản để thế chấp. Thêm vào đó, khách phải đặt cọc một khoản tiền thì chúng tôi mới giao xe. Đặc biệt, tôi soạn rất kỹ nội dung hợp đồng, yêu cầu khách hàng cam kết nộp phạt nếu vi phạm luật giao thông trong thời gian thuê”.
Bên cạnh đó, anh Nhân đề nghị: “Tôi thiết nghĩ cơ quan quản lý cũng nên có những quy định để hỗ trợ DN. Chẳng hạn, việc gửi giấy báo vi phạm cần sớm hơn để DN có thời gian liên hệ khách hàng đóng phạt”.
Cần siết hợp đồng thuê xe
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về những khó khăn của DN, một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM cho biết trong thực tế đúng là có các trường hợp người vi phạm là khách thuê xe và khi nhận được giấy báo vi phạm thì chủ xe không tìm ra được người thuê.
Theo quy định của BLDS và Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trách nhiệm khi vi phạm luật giao thông là của người điều khiển phương tiện. Vì thế, trường hợp khách thuê xe vi phạm thì trách nhiệm đóng phạt chắc chắn là của người đó chứ không phải chủ xe. “Chủ xe có nghĩa vụ hỗ trợ tối đa cho cơ quan chức năng để tìm ra người vi phạm. Tuy nhiên, nếu không tìm ra người vi phạm thì chủ xe đành phải chịu nộp phạt vì nếu không xử thì cũng khó cho chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn gửi giấy báo vi phạm về cơ quan đăng kiểm và các đội xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn để tạo áp lực cho chủ phương tiện phối hợp thực hiện nghĩa vụ đóng phạt” - vị này nói.
Ông Hồ Tiến Sỹ, Phó Trưởng phòng CSGT TP Đà Nẵng, cho rằng để tránh tình trạng khách thuê xe chối bỏ trách nhiệm khi vi phạm luật giao thông, chủ DN nên nghiên cứu thật kỹ nội dung hợp đồng giữa người thuê và chủ xe. Nếu để xảy ra vi phạm, người thuê xe phải chịu trách nhiệm.
Phụ thuộc vào công an địa phương
Chia sẻ ý kiến về đề xuất rút ngắn thời gian thông báo vi phạm của chủ xe, đại diện PC67 cho biết về nguyên tắc thì hiện nay có hai hình thức ghi hình phạt nguội. Đó là trích xuất từ hệ thống camera cố định ở các tuyến đường trên địa bàn (bao gồm hệ thống camera do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn phụ trách) và camera do các chiến sĩ PC67 quay ở các địa điểm có nhiều vi phạm. Những hình ảnh này sẽ được chuyển cho bộ phận trích xuất hình ảnh các trường hợp vi phạm. Tiếp theo, PC67 gửi giấy báo về công an phường, xã, thị trấn thuộc 24 quận, huyện tại TP.HCM và các tỉnh, thành. Tất cả quá trình trên đều được thực hiện nhanh chóng. Vì thế, việc rút ngắn thời gian nhận giấy báo phụ thuộc vào công an địa phương gửi đến chủ xe nhanh chóng hay không.
Theo Hồng Trâm- Tâm An/Pháp Luật TPHCM