Chuột lúc nhúc chui từ bồn cầu lên phá nhà, cắn người

Google News

Khi màn đêm buông xuống cũng chính là lúc lũ chuột “ra quân”, túa vào nhà dân sống dọc ven kênh thối giữa Sài Gòn. Chúng cắn đồ đạc, cắn người, có đêm chúng cắn chết cả trăm con chim chưa kịp “phóng sinh”...


Người dân ở đây mệt mỏi, khiếp đến mức gọi chuột là “bác tý” và hằng ngày “tế” thức ăn cho chúng để mua lấy sự bình yên.
Người dân “tế” thức ăn cho chuột.
Người dân “tế” thức ăn cho chuột.
 
Chuột chui lên từ bồn cầu
Bà Nguyễn Thị Tía - quê Quảng Ngãi - vào Sài Gòn sinh sống đã lâu, mua được căn hộ ở đường Nguyễn Phúc Chu từ năm 2001. Nhà bà nằm cách kênh Hy Vọng chỉ vài bước chân. Khoảng 6 - 7 năm nay, cuộc sống của gia đình bà Tía không có ngày nào yên bởi sự phá phách của lũ chuột.
 
Ngồi tiếp chúng tôi ở phòng khách, nhưng mắt bà lúc nào cũng hướng về phía cửa trước. Không phải bà canh kẻ trộm lẻn vào nhà, cũng chẳng phải ngó chừng mấy đứa nhỏ trong xóm lượn qua cuỗm giày của khách, mà là cảnh giác... lũ chuột ngoài kênh đột nhập.
 
Đang trò chuyện, bỗng có tiếng động lùng sục đồ đạc ở sau bếp, bà Tía đứng bật dậy: “Chết rồi, quên bịt bồn cầu!”. Chúng tôi ngơ ngác theo ra phía sau, vào nhà vệ sinh, thấy bà Tía tay cầm viên đá xanh nặng trịch, bít kín lỗ bồn cầu và dùng gạch ống cỡ lớn chặn trên nắp cống xả nước thải. Sau đó, vừa rửa tay bà Tía vừa giải thích: “Các cháu thấy khổ chưa? Chỉ cần quên bịt mấy cái lỗ này là chuột chui lên cả bầy!”.
 
Trước đây, dù đã đóng cửa nhà kín mít, chèn các khe hở trên thanh đà khung cửa, bà Tía vẫn không hiểu bằng cách nào cứ đêm đến là chuột lại chạy rần rần trong nhà, cắn phá đồ đạc rau ráu. Sau nhiều đêm thức trắng canh, cuối cùng vợ chồng bà phát hiện chuột lẻn vào nhà bằng cách đội nắp cống ngoi lên, hoặc chui ra từ lỗ bồn cầu.
 
Từ đó, cứ mỗi lần sử dụng xong nhà vệ sinh, mọi người trong gia đình phải nhớ chặn bít lại. Cuộc “phòng thủ” từ miệng cống, lỗ bồn cầu xảy ra không riêng nhà bà Tía mà ở hầu hết các hộ hẻm 233 Nguyễn Phúc Chu.
 
Kỳ công là vậy, nhưng người dân ven kênh vẫn không ngăn được lũ chuột, bịt đường này, chúng tìm ngay đường khác, thông qua các khe hở trên mái nhà, trèo qua cửa sổ, thậm chí đục hang ngầm dưới nền. Cứ thế, ngày và đêm, chúng nhởn nhơ trong nhà, lùng sục thức ăn, cắn phá đồ đạc và cắn luôn cả người.
 
Bà Tía bức xúc kể: “Mấy đứa nhỏ ngủ trên gác ít bị chuột cắn, chứ vợ chồng tôi ngủ dưới sàn nhà bị nó cắn hoài à. Tôi bị cắn ít nhất hai lần, ông nhà tôi bị cắn nhiều hơn. Cứ nửa đêm đang ngon giấc, nghe ổng la hoảng ngồi bật dậy là biết vừa bị chuột cắn. Mỗi lần bị chuột cắn như thế, dù có thoa thuốc, chích ngừa nhưng vẫn lo lắm, vì sợ không khéo mắc bệnh dịch hạch hay bệnh truyền nhiễm thì chết...”.
 
Ông Xuân - một nạn nhân khác của chuột - than thở: “Cách đây mấy đêm, tui nằm ngủ dưới sàn nhà, gần sáng bỗng đau điếng ở chân. Vùng dậy, tui thấy chuột chạy tán loạn, còn ngón chân tui thì sứt một miếng, máu chảy đầm đìa...”.
Bà Nguyễn Thị Tía lấy viên đá chặn bồn cầu ngăn chuột chui lên.
Bà Nguyễn Thị Tía lấy viên đá chặn bồn cầu ngăn chuột chui lên.

Tàn sát cả trăm con chim một đêm
 
Ông Năm Ú ngoài 60 tuổi, sống dọc kênh Cống Lở, chuyên làm nghề bẫy chim bán cho nhà hàng làm món nhậu, cho người dân phóng sinh... Vừa gặp ông, chúng tôi nhắc chuyện mới đây ông bị chuột xơi cả trăm con chim mà chúng tôi nghe người dân trong xóm kể trước đó. Ông cười: “Đúng vậy và còn kinh khủng hơn nữa”.
 
Thấy có người đến hỏi chuyện về chuột, vợ ông Năm Ú từ trong nhà bước ra lên tiếng nhắc khéo cách xưng hô: “Ở đây tụi tui không dám gọi tên đâu, mà gọi bằng “bác tý”. Mấy “bác” ở đây nhiều vô kể! Bây giờ, nếu Nhà nước thu gom, mua mỗi “bác” 2.000 đồng thôi, chắc xóm tui có nhiều người giàu phất”.
 
Ông Năm Ú trở lại câu chuyện: “Cách đây chưa đầy một tháng, thấy “bác tý” quậy dữ quá, tôi đặt bẫy, đập chết vài con. Người xưa bảo giống này “linh”, y như rằng, chúng trả thù ngay. Ngày hôm sau, tôi bẫy về được hơn trăm con chim sẻ, nhốt trong lồng để dưới sàn nhà sau bếp chờ mai đem bán. Nửa đêm nghe tiếng chân “bác tý” chạy rần rật, tiếng chim bay nhảy, đập cánh phành phạch vào thành lồng, vợ chồng tui cũng tưởng chuyện bình thường như mọi hôm. Nào ngờ, đến sáng ngủ dậy thấy xung quanh lồng toàn lông chim và phân “bác tý”, còn trong lồng chim chết nằm la liệt, con bị cắn đứt chân, con bị cắn gãy cánh, chỉ chừng 20 con thoát nạn”.
 
Chuyện không dừng lại ở đó. Mấy hôm sau, khi đi làm về, ông Năm Ú đặt cái lồng xuống sàn, bên trong có gần một chục chim mồi, lấy vải trùm quanh cẩn thận, cửa lồng cũng được chằng thêm dây thun. Sáng hôm sau, như thường lệ, ông Năm đặt lồng chim mồi lên yên xe, phóng một mạch xuống Bến Lức - Long An. Đến nơi, mở tấm vải trùm lồng ra, ông hoảng hồn thấy trong lồng chẳng còn con chim mồi nào và thay vào đó là 2 con chuột cống to bằng bắp tay! Hôm đó, ông Năm đành quay về nhà trong tâm trạng vừa tức điên người, vừa sợ.
 
“Thú thật, từ bữa đó đến giờ, tôi toàn vái mấy ổng không à, chứ có dám đặt bẫy, đập hay động đến mấy ổng nữa đâu... ” - ông Năm Ú chắc lưỡi ngao ngán. Cùng xóm với ông Năm Ú, chị Võ Thị Nhung làm nghề bánh tiêu còn tiếc của khi kể chuyện mấy “bác tý” cõng hơn 30 viên bột bánh tiêu.
 
“Cách đây vài ngày, sau khi vò bột xong, vợ chồng tui đặt mấy cái nia bột ngay đầu nằm để mai chiên bán. Đến nửa đêm nghe lục đục, vợ chồng thức giấc thì phát hiện 30 viên bột bánh tiêu không cánh đã biến mất. Lần theo vết bột vương vãi mới biết tất cả đã bị mấy “bác” lôi vào góc nhà vệ sinh, cắn nát bấy. Mấy “bác tý” ở đây ăn tạp và hỗn kinh hoàng! Có hôm tôi ngồi chiên bánh trước cửa nhà, bánh vừa chiên xong, đặt trên nia còn nóng hổi, vậy mà 3 - 4 “bác” từ dưới kênh chạy lên ngời ngời, xông thẳng vào nia, cướp bánh lôi đi tỉnh bơ trước mặt tui” - chị Nhung nhớ lại mà vẫn còn rùng mình.
 
“Tế” chuột cầu an
 
Không còn cách nào khác, người dân bờ kênh đành chấp nhận cảnh chung sống với chuột. Đổi lấy sự bình yên, không ít người còn chủ động cung cấp cả thức ăn cho chúng hằng ngày. Không ai nói với ai, nhưng cứ sau mỗi bữa ăn, họ lại đem cơm nguội, thức ăn thừa rải xuống lòng kênh hoặc treo cơm, thức ăn vào các gốc cây ven kênh.
 
Chúng tôi tò mò thấy một số nhà quay lưng ra sát bờ kênh, không có cửa hậu, trừ một số lỗ nhỏ dưới chân tường, thông ra bờ kênh. Sau đó chúng tôi hiểu công dụng của những lỗ này khi thấy người trong nhà cho cơm nguội, thức ăn thừa vào một cái đĩa bằng nhôm, đẩy qua lỗ ra phía bờ kênh như dọn sẵn và chỉ chốc lát sau, lũ chuột kéo đến đánh chén.
 
Nhiều người dân nói họ chỉ mong lũ chuột dưới kênh khi được ăn no đủ như thế sẽ không lên bờ tấn công vào nhà dân nữa. Nhưng xem ra sự nhún nhường thảm hại của con người cũng chẳng động lòng lũ chuột. Chúng vẫn ngày đêm quậy phá đời sống người dân ven kênh. Và nguy cơ lây truyền dịch bệnh nguy hiểm từ chuột là rất cao, nếu chính quyền và các cơ quan chức năng không có biện pháp giải quyết môi trường ô nhiễm ở những dòng kênh giữa lòng Sài Gòn này.
 
Chúng tôi đến Trạm y tế phường 15 để tìm hiểu tình hình dịch bệnh, dịch chuột ở khu vực những dòng kênh Tân Trụ, Hy Vọng, Cống Lở. Một nhân viên y tế phường cho rằng kênh rạch ô nhiễm như vậy làm sao không nhiều chuột. Sau khi vào trao đổi với lãnh đạo trạm y tế qua điện thoại, nhân viên này bảo đã báo cáo lên Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình, rồi hướng dẫn chúng tôi lên quận tìm hiểu.
 
Đến Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình, một cán bộ phòng tổ chức lại chỉ sang khoa Kiểm soát dịch bệnh nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Tìm đến khoa Kiểm soát dịch bệnh, bác sĩ Khanh tại đây lại chỉ chúng tôi quay ngược lại Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình, vì cho rằng khoa không có chức năng... trả lời nhà báo.

(Theo Lao Động)