|
Công an Hà Nội triệt phá đường dây chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
|
Lập công ty để chuyển tiền
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa gửi Thư khen Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá thành công vụ vận chuyển trái phép số tiền đặc biệt lớn, gần 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
Theo bức thư, cơ quan điều tra đã nhanh nhạy, tích cực chủ động trong công tác nắm tình hình, lập chuyên án đấu tranh và đã khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, khởi tố 10 bị can. Hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn ra nước ngoài trái phép nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, đây là chiến công xuất sắc của Cơ quan Cảnh sát điều tra trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Chiến công này đặc biệt quan trọng trong thời điểm Thủ đô và cả nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 và trong đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
“Thay mặt Lãnh đạo Thành phố, tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố và tin tưởng trong thời gian tới, các đồng chí sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều chiến công hơn nữa, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân Thủ đô”, thư khen của Bí thư Vương Đình Huệ nêu.
Trước đó, ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 6 bị can gồm Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” theo Điều 189 Bộ luật hình sự.
Bước đầu, phía điều tra xác định Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty làm thủ tục hồ sơ tạmy nhập tái xuất và lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới.
Điều 189 Bộ luật hình sự quy định người vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ, kim loại quý, cổ vật… qua biên giới; từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội này có thể bị phạt tới 5 tỷ đồng và đình chỉ vĩnh viễn hoạt động.
Hình phạt cao nhất 10 năm tù
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đây là một vụ án vận chuyển tiền tệ qua biên giới với số lượng đặc biệt lớn, có lẽ là số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà cơ quan cảnh sát điều tra triệt phá thành công.
Vụ việc bắt người phạm tội quả tang nên việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội vận chuyển tiền tệ qua biên giới là có căn cứ.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng làm rõ nguồn gốc số tiền này, động cơ mục đích của các đối tượng và làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, việc vận chuyển hàng hóa tiền tệ qua biên giới phải khai báo hải quan, trừ trường hợp số tiền nhỏ sử dụng trong tiêu dùng.
Tại Việt Nam, người nào mang số tiền Việt từ 15 triệu đồng trở lên ra nước ngoài phải khai báo hải quan.
Cụ thể, Thông tư 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cá nhân khi xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam mang theo tiền mặt là ngoại tệ, đồng Việt Nam trên mức dưới đây thì phải khai báo hải quan cửa khẩu: 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; 15 triệu đồng.
"Trong trường hợp dù mang dưới 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối cũng phải khai báo hải quan", luật sư Cường phân tích.
Cũng theo vị luật sư, hành vi vận chuyển tiền tệ qua biên giới vi phạm quy định về quản lý tiền tệ, tùy vào tính chất mức độ vi phạm, tùy thuộc vào số tiền vận chuyển trái phép mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp vận chuyển số tiền qua biên giới từ 100 triệu đồng trở lên mà không khai báo sẽ bị xử lý hình sự.
"Như vậy, với số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới đặc biệt lớn như vậy, các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù và số tiền trên sẽ bị tịch thu sung công qũy nhà nước.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền này. Nếu là số tiền hợp pháp thì thu nhập từ số tiền này phải nộp thuế và việc vận chuyển qua biên giới họ sẽ phải khai báo.
Còn trường hợp số tiền trên là do phạm tội mà có hoặc trốn thuế, các đối tượng mới phải lén lút vận chuyển qua biên giới như vậy.
Bởi vậy vụ án sẽ không dừng lại ở đây. Có lẽ cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm các tội danh khác, có thể là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; buôn lậu; buôn bán ma túy hoặc các tội phạm về tham nhũng..." vị luật sư nói.
Theo luật sư Cường, vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc sai phạm đến đâu, xử lý đến đấy, hành vi nào cấu thành tội phạm sẽ xử lý theo tội đó.
Người nào vi phạm pháp luật, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có lẽ trong vụ án này sẽ khởi tố về nhiều tội danh và khởi tố thêm nhiều đối tượng khác.
Nguồn gốc số tiền từ đâu ra là vấn đề rất quan trọng để làm rõ bản chất vụ án, phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm và để giải quyết triệt để vấn đề của vụ án này.
Hiểu Lam