Chuyến bay giải cứu: Nhận hối lộ 165 tỷ, 18 người bị truy tố đến khung tử hình

Google News

Ngày 11/7, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”. Đại án tham nhũng gây choáng váng dư luận bởi con số đưa nhận hối lộ hàng trăm tỷ.

25 cá nhân lợi dụng chức vụ, nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.
Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố - nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 Bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Chuyen bay giai cuu: Nhan hoi lo 165 ty, 18 nguoi bi truy to den khung tu hinh
Nhiều bị cáo đã lợi dụng chuyến bay combo để trục lợi. 
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.
Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng; 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiến 24 tỷ đồng.
Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Theo Viện KSND tối cao, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc Covid-19 căng thẳng; các bị can đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút; hành vi này đã tạo điều kiện cho "thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong nhân dân".
Hơn 500 lần nhận hối lộ, 18 người bị truy tố đến khung tử hình
Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại điều 354 - Bộ luật Hình sự; truy tố 23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 - Bộ luật Hình sự; truy tố 4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 - Bộ luật Hình sự; truy tố 4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365 - Bộ luật Hình sự; truy tố 1 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự; truy tố 1 bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ".
Chuyen bay giai cuu: Nhan hoi lo 165 ty, 18 nguoi bi truy to den khung tu hinh-Hinh-2
Tô Anh Dũng và Nguyễn Thị Hương Lan. 
Trong số đó, có 21 người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng, điển hình như bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu lãnh đạo Bộ Y tế , nhận hối lộ 253 lần, tổng cộng 42,6 tỷ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận 49 lần 27,3 tỷ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao 32 lần nhận 25 tỷ đồng; cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận 37 lần tổng 21,5 tỷ đồng...
Về tội nhận hối lộ, có đến 21 bị cáo bị Viện Kiểm sát truy tố theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình như cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân...
Đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã có hơn 400 lần đưa hối lộ với tổng số tiền hơn 226 tỷ đồng cho các quan chức, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng.
Để có số tiền khổng lồ hối lộ cho quan chức mà vẫn đảm bảo lợi nhuận thu được từ các chuyến bay đưa công dân về nước, các doanh nghiệp sẽ nâng giá vé máy bay và các khoản chi phí phát sinh, dẫn tới số tiền mà công dân phải bỏ ra để có thể về nước bị đội lên rất lớn.
Trong số 23 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 - Bộ luật Hình sự, có 19 bị cáo bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự. Trong đó có, Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1972, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky); Lê Hồng Sơn (sinh năm 1975, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky); Hoàng Diệu Mơ (sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Du lịch Dịch vụ Hàng không An Bình); Nguyễn Tiến Mạnh (sinh năm 1970, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Du lịch Lữ Hành Việt); Vũ Thùy Dương (sinh năm 1987, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lữ Hành Việt); Hoàng Anh Kiếm (sinh năm 1978, trú tại tổ 6 phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội)….
Hai bị cáo Trần Tiến (sinh năm 1981, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Phi Trường), Phạm Bá Sơn (sinh năm 1983, nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 3, điểm a - Bộ luật Hình sự.
Hai bị cáo: Tào Đức Hiệp (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch và Dịch vụ Công đoàn Đường sắt), Đào Thị Chung Thúy (sinh năm 1982, trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 2, điểm e - Bộ luật Hình sự.
Bốn bị cáo: Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1962, cán bộ Công an nghỉ hưu), Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1973, Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam), Bùi Huy Hoàng (sinh năm 1988, cựu Chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), Phạm Thị Kim Ngân (sinh năm 1973, cán bộ Phòng Trị sự Tạp chí Thanh tra Chính phủ) bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365, khoản 4 - Bộ luật Hình sự.
Lừa đảo chạy án hơn 60 tỷ đồng
Ngoài hành vi đưa nhận hối lộ để thực hiện chuyến bay giải cứu, Viện Kiểm sát xác định còn có nhóm bị cáo đã “móc ngoặc” để chạy án cho doanh nghiệp. Cụ thể, cáo trạng quy kết cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) để chạy án cho hai bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh. Quá trình điều tra, ông Tuấn khai trừ đi 400.000 USD giữ lại, đã đưa hết 2,25 triệu USD cho bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng điều tra Cục An ninh điều tra Bộ Công an) theo từng lần Hằng chuyển tiền đến.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (sinh năm 1980, cựu cán bộ Công an) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự. Bị cáo Trần Minh Tuấn (sinh năm 1978, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự và tội “Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 3, điểm a - Bộ luật Hình sự.
105 luật sư tham gia bào chữa
Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do Thẩm phán Vũ Quang Huy làm Chủ tọa phiên tòa. 5 kiểm sát viên của VKSND tối cao và VKSND TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 1 tháng.
Đáng chú ý, có 105 luật sư tham gia bào chữa cho 54 bị cáo. Trong số này, 2 bị cáo có 6 luật sư bào chữa là Vũ Hồng Quang, cựu cán bộ Cục Hàng không Việt Nam và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu trời xanh.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng có 3 luật sư bào chữa; Nguyễn Quang Linh – cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ có 2 luật sư bào chữa, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên có 3 luật sư bào chữa. Cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Thanh Hải có 2 luật sư bào chữa; cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan có 3 luật sư bào chữa; cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự Việt Nam (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hoàng Tùng có 3 luật sư bào chữa và cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng có 3 luật sư bào chữa…
Triệu tập nhiều người liên quan, người làm chứng
HĐXX triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Lữ Hành Việt; Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Bầu Trời Xanh; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ phòng vé hàng không Minh Ngọc; Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh.
Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư ATA Việt Nam; Công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch MasterLife Việt Nam; Công ty Cổ phần Vijasun; Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thuận An; Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Sang Trọng; Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Phi Trường; Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Công đoàn Đường sắt.
Công ty Cổ phần Quốc tế Sao Hà Nội; Công ty TNHH Việt Nam G19; Công ty TNHH Biển Sao Phương Đông; Công ty Cổ phần Xây Dựng Thái Hòa.
HĐXX cũng triệu tập những cá nhân có liên quan gồm các ông/bà: Vũ Bình, Phạm Quốc Việt, Nguyễn Trung Dũng, Đinh Quốc Hùng, Đặng Đình Tuyến, Trần Thị Thương Huyền, Dương Quỳnh Hoa, Hoàng Thị Hương Thảo, Nguyễn Anh Tuấn, Mai Anh Vũ, Đào Trọng Thành, Nguyễn Huy Tỵ, Nguyễn Mạnh Trường, Bùi Công Cường, Nguyễn Trung Dũng, Đỗ Thu Trang, Phạm Thị Lan Anh, Đàm Thúy Hà, Trần Mỹ Hằng, Dương Thúy Bình, Trần Phi Nga, Vũ Thị Bích Hà, Nguyễn Hoàng Ly, Dương Thị Lan Hương, Lê Thị Thu Anh;
Đinh Thị Tuyết, Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thúy Huyền, Đoàn Thị Kim Cương, Chu Nguyệt Minh, Đào Thị Thanh, Phan Mai Phương, Trần Thị Hồng Hà, Mai Thùy Dương, Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Thanh Tình, Đỗ Như Quỳnh, Đặng Minh Châu, Lê Nhật Minh, Bùi Công Cường, Dương Minh Tuấn, Vũ Thanh Bình, Nguyễn Lê Hoa, Nguyễn Đặng Phương Thảo.
Tòa triệu tập những người làm chứng là các ông/bà: Vũ Ngọc Quyền, Mai Xuân Thái, Nguyễn Hồng Quang, Lê Dũng, Phan Vũ Thu Trang, Mai Thị Ngọc Quỳnh, Trần Trung Kiên, Hoàng Thị Cẩm Nhung, Đặng Duy Trung, Nguyễn Thị Nhàn, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Đàm Thúy Hà, Dương Hương Ly, Hoàng Trung Nghĩa;
Nguyễn Mạnh Hải, Phạm Thị Tám, Hà Thị Chinh, AS Na Huy, Trình Văn Huy, Phạm Thanh Bình, Ngô Thị Lan Phương, Nguyễn Thị Huế, Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Thị Lan Hương, Bùi Thị Tuyến, Nguyễn Thị Huế, Lê Thị Phượng, Hoàng Lê Phương Linh, Nguyễn Viết Trung, Phạm Mạnh Hưng, Nguyễn Mạnh Trường, Nguyễn Thu Quỳnh, Bùi Thúy Lan.
Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 30 ngày từ ngày 11/7/2023. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
  
Tâm Đức