Vội vàng, thiếu cơ sở pháp lý
Nhận định về Quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình, thu hẹp diện tích khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha, GS Trần Đức Thạnh, chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển nói, chưa bàn đến các giá trị và lợi ích kinh tế - xã hội, dân sinh, môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu..., việc ra Quyết định 731 là vội vàng và thiếu cơ sở pháp lý.
Theo GS Thạnh, trước hết, đó là một quy định vi phạm các công ước mà Việt Nam chính thức tham gia như Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước đa dạng sinh học, Công ước Ramsar (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước).
|
Rừng ngập mặn trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: TRƯỜNG HÙNG
|
GS Thạnh cho biết, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình) còn nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) châu thổ sông Hồng. Được UNESCO công nhận năm 2004, Khu DTSQ này thuộc 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình với tổng diện tích 105.558ha, gồm vùng lõi 14.167ha, vùng đệm 36.849ha, vùng chuyển tiếp trên 54.541ha. Hai vùng lõi của Khu DTSQ là Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) và khu Bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình).
Việc vùng lõi Tiền Hải bị thu hẹp quá lớn sẽ dẫn đến việc UNESCO hủy bỏ công nhận toàn bộ Khu DTSQ sông Hồng.
“Điều này đưa lại nhiều hệ lụy tiêu cực lớn quốc tế và trong nước, làm Việt Nam mất uy tín quốc tế và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống di sản, Khu DTSQ của Việt Nam”, GS Thạnh nói.
Ngoài ra, theo GS Thạnh, việc ra Quyết định 731 mà không nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan được Chính phủ giao quản lý rừng đặc dụng là vi phạm các quy định pháp luật về bảo tồn tự nhiên, rừng đặc dụng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
GS Thạnh nêu quan điểm, việc phát triển kinh tế và đô thị hóa là đòi hỏi cấp thiết, nhưng cần hài hòa, hợp lý, tuân thủ các công ước quốc tế đã tham gia, tuân thủ các quy định của luật pháp và lắng nghe ý kiến các bộ, ngành liên quan, tổ chức xã hội.
“Đối với phát triển đô thị, chỉ nên tiến hành ở vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển, trường hợp muốn thu hẹp vùng đệm để mở rộng vùng chuyển tiếp, cần phải có luận cứ thuyết phục để trình UNESCO công nhận điều chỉnh”, GS Thạnh nói.
Lo ngại phép vua thua lệ làng
Theo các chuyên gia, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình) có trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời có trong Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cả hai quy hoạch này đều được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định năm 2014.
Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước nêu rõ, tại khu vực đồng bằng sông Hồng thực hiện bảo tồn các hệ sinh thái rừng gắn với hệ sinh thái đất ngập nước như Vườn quốc gia Xuân Thủy tỉnh Nam Định, khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Trong đó nêu rõ, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải có diện tích 12.500ha, có chức năng bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập nước, sinh cảnh một số loài chim di cư.
Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cũng đặt mục tiêu tại vùng đồng bằng sông Hồng thực hiện bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên tại Hải Phòng, Thái Bình, các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng tại Ninh Bình, Nam Định. Trong đó, quy hoạch nhiều khu dự trữ thiên nhiên đất ngập nước tại Tiền Hải (Thái Bình), cửa sông Hồng (trên hai tỉnh Thái Bình- Nam Định), cửa sông Thái Bình (trên hai tỉnh/thành phố Hải Phòng - Thái Bình) và cửa sông Thái Thụy (Thái Bình).
Các chuyên gia nhận định, Quyết định 731 do UBND tỉnh Thái Bình ban hành, thu hẹp quy mô khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là đi ngược với quy hoạch quốc gia nêu trên. Theo GS Thạnh, điều này để lại một tiền lệ xấu theo kiểu “phép vua thua lệ làng”.
Một nghiên cứu của Đại học Sư phạm TPHCM về vai trò của rừng ngập mặn ven biển Việt Nam cho thấy, rừng ngập mặn nước ta có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở, mở rộng diện tích đất liền và điều hòa khí hậu, lưu trữ, cung cấp nguồn tài nguyên động thực vật.
Đặc biệt, rừng ngập mặn có vai trò điều hòa khí hậu trong vùng, làm khí hậu dịu mát hơn, giảm nhiệt độ tối đa và biên độ nhiệt, giúp hạn chế sự bốc hơi nước vùng đất rừng ngập mặn, giữ ổn định độ mặn lớp đất mặt, hạn chế sự xâm nhập mặn vào đất liền. Rừng ngập mặn cũng hấp thụ CO2, thải ra O2 làm không khí trong lành, giảm hiệu ứng nhà kính. Rừng ngập mặn 1 năm tuổi có thể hấp thụ 8 tấn CO2 /héc ta/năm và khả năng hấp thụ của khí CO2 tăng theo độ tuổi của cây rừng.
Theo Nguyễn Hoài/Tiền Phong