Chuyện hãi hùng ở vùng đất “thiên lôi trút giận” nhiều như cơm bữa

Google News

Vùng kênh Gió Giáp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) liên tục bị sét đánh cướp đi hơn 50 mạng người.

Trận sét đánh kinh hoàng
Đã 10 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại vụ sét đánh trên cánh đồng kênh Gió Giáp, người dân ở xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười) ai nấy đều bủn rủn, bàng hoàng. Có lẽ chẳng những bây giờ mà nhiều năm sau nữa, họ khó có thể quên được ký ức kinh hoàng năm ấy khi 10 người dân nghèo cùng ngã gục xuống đồng sau khi bị sét đánh.
Chuyen hai hung o vung dat “thien loi trut gian” nhieu nhu com bua
Một cột thiên lôi được người dân gắn trên nóc nhà, hạn chế trời sấm sét ảnh hưởng đến tính mạng. 
Chúng tôi tình cờ biết đến câu chuyện trên trong một dịp theo chân các đồng chí công an huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) công tác tại vùng đất xa xôi này. Tình cờ hơn khi chuyến đò về xã Hưng Thạnh hôm ấy cũng đúng lúc trời chuẩn bị đổ mưa kèm vài cơn sấm sét.
Trên đò khách rục rịch tìm chỗ ngồi để khỏi bị mưa hắt nước, ông chủ đò Tư Khoa (55 tuổi) ngó nghiêng nhìn trời nhìn đất rồi vội sai cậu con trai đang thu tiền đò đến đốt nhang. Lúc đứa con trai loay hoay bên trang thờ, ông Tư Khoa lẩm bẩm trong miệng: “Lạy trời, trận này chắc lớn lắm đây. Thôi thì đò qua bên kia rồi tạm nghĩ chờ qua trận này mới đi tiếp”.
Càng nói, ông Tư Khoa càng thay đổi nét mặt, mây đen chưa phủ kín trời mà mặt mũi chủ đò như đã tối sầm lại. Chúng tôi thấy lạ nên tò mò, một cán bộ đi chung đoàn mới mở lời: “Chắc các anh đến đây lần đầu nên chưa biết. Ở đây được gọi là vùng đất “thiên lôi trút giận”, năm nào cũng sét đánh nên bà con thấy sấm sét là sợ lắm”.
Nói xong anh cán bộ công an chỉ tay về hướng cánh đồng lúa cách đó khoảng vài trăm mét, bảo nơi đó là cánh đồng thuộc rạch Đìa Lưu trên kênh Gió Giáp, 10 năm trước ở đó xảy ra vụ sét đánh khiến chục người thương vong. Bây giờ, hễ mỗi lần trời chuyển mưa là bà con trong làng không ai bảo ai, ba chân bốn cẳng chạy hết về nhà.
Anh cán bộ vừa dứt lời, một người dân đi trên đò lại kể: “Ở đây ai muốn biết chuyện năm đó thì hỏi anh Tư Khoa, năm đó ổng cũng ở đó chở người qua sông nhưng may mắn khi “thiên lôi” không lấy mạng…”. Nghe có người nhắc đến mình, ông Tư Khoa đang cầm lái như giật mình, khựng người hồi lâu.
Ngoái đầu thấy mọi người ngồi chờ nghe chuyện, ông Tư Khoa không im lặng được nữa, thở dài cười khổ: “Giờ nhắc lại chuyện đó tôi vẫn còn sợ đến nổi da gà mấy chú ơi. Nghe thấy sét là tôi sợ nhưng mấy chú thích nghe kể thì xíu nữa đò vào bến tôi kể cho nghe. Sấm sét không tránh người thì thôi, người đâu có né được”.
Chủ đò dứt lời, trên đò lại nghe tiếng xầm xì, vẫn chuyện đau lòng xảy ra năm 2006 ngay trên cánh đồng phía trước mặt. Ở đó, 6 người vĩnh viễn nằm xuống, 5 người khác may mắn sống sót nhưng mang trong mình nỗi ám ảnh tột cùng.
Đò cập bến, ông Tư Khoa vào nhà tìm ông Lê Văn Hiền (SN 1968, ngụ ấp 2, xã Hưng Thạnh), nhân chứng hiếm hoi. Vừa hỏi chuyện, ông Hiền vào đề ngay, ký ức đó với ông như rõ mùng một chẳng cần phải lục tìm. “Với tôi đó là chuyện kinh hãi nhất đổi cuộc đời”.
Ông Hiền kể, hôm ấy là ngày 31/3/2006, vừa sau tết nguyên đán, vào mùa cắt lúa, bà con nông dân trở lại ruộng đồng. Ngoài người địa phương, dân lao động ở khắp các tỉnh miền Tây đổ về đây làm thuê kiếm cơm, trong đó “đội quân” cắt lúa của nhóm ông là hùng hậu nhất.
Rạng sáng hôm đó, nhóm ông Hiền gồm 20 người là người thân trong gia đình và một số người cắt lúa mướn ở Bến Tre, Sóc Trăng đảm nhiệm cắt lúa cho ông Lê Văn Quân (ngụ cùng ngụ ấp 3, xã Hưng Thạnh). Do người đông, ông Hiền chia ra hai nhóm nhỏ do ông và người em vợ là anh Âu Văn Bình phụ trách, làm việc cách nhau khoảng 1 km.
Buổi sáng công việc suôn sẻ nhưng đến giữa buổi chiều, khi mọi người đang hối hả làm việc thì bất ngờ trời đổ mưa lớn. Lúc này anh Bình cùng anh Quân (chủ ruộng) ra hiệu cho mọi người vào bên trong lều tranh gần đó trú mưa. Tất cả 10 người đang cùng che chung một tấm bạt thì bất ngờ trời nổi sấm sét, liên tục giáng xuống ruộng lúa.
Trong những tia sét xé toạc bầu trời, nhiều luồng sét dội xuống ngay chỗ nhóm 10 người đang trú mưa khiến cả 10 người bất tỉnh tại chỗ. “Lúc đó cả 10 người đều nằm gục dưới đất, may mắn có một người chèo ghe đi bắt cá phát hiện. Khi tôi chạy đến nơi thì cảnh tượng tang hoang, người nào người nấy bị sét đánh cháy đen. Có người quần áo còn văng cả trên cây”, ông Hiền nhớ lại.
Vụ sét đánh khiến anh Nguyễn Tấn Cường (27 tuổi, ngụ ấp 1, xã Hưng Thạnh, Tháp Mười), anh Nguyễn Văn Tiến (29 tuổi), Nguyễn Phong Anh (29 tuổi), Phạm Văn Giới (39 tuổi), Phạm Văn Hoàng (39 tuổi), cùng ngụ xã An Thới Đông (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) chết tại chỗ. Anh Bình, anh Quân cùng 3 người khác may mắn sống sót nhưng bị thương nặng.
“Bình thường vào mùa gặt là cánh đồng hối hả và tấp nập lắm. Nhưng năm đó cảnh tang tóc bao trùm khắp cánh đồng. Người làm thuê khắp nơi sợ sét đánh bỏ về hết cả. Người địa phương thì chỉ dám cắt lúa buổi sáng còn buổi chiều họ lại bỏ về vì sợ sét đánh chết. Giờ nhớ lại nhiều người vẫn còn rùng mình”, ông Hiền kể.
Chuyen hai hung o vung dat “thien loi trut gian” nhieu nhu com bua-Hinh-2
Ông Lê Văn Hiền nhớ lại chuyện nhóm cắt lúa mướn của mình bị sét đánh chết. 
Đối với người dân huyện Tháp Mười, chưa năm nào những trận sét đánh lại xảy ra nhiều và khủng khiếp như năm 2006. Sau trận sét đánh hãi hùng, những thi thể của các nạn nhân xấu số vẫn còn đợi thuyền để đưa về Bến Tre thì trên cánh đồng địa phương bên kế bên tiếp tục có người chết vì sét đánh.
Ông Bùi Văn Nghĩa (ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười) nhớ lại: “Tôi nhớ năm đó mưa lớn nhiều ngày liền. Chiều nào trời cũng nổi sấm sét, sau vụ ở kênh Gió Giáp rồi tiếp đến vụ 2 anh em ruột ở xã Tân Thạnh bị sét đánh khiến bà con trong làng liên tưởng đến nhiều chuyện “ma mị” được đồn thổi”.
“Nhiều người mê tín dị đoan khi đó còn đồn đoán rằng là người dân ở đây làm trời nổi giận nên cho sét đánh liên tục rồi họ mướn thầy cúng khắp nơi về cúng bái… Tuy nhiên, các vụ sét đánh chết người vẫn xảy ra khiến người dân khi đó vô cùng lo lắng”.
Tại cánh đồng kênh Gió Giáp, sau gần 1 năm vụ sét đánh kinh hoàng xảy ra lại tiếp tục xảy ra một vụ sét đánh khác khiến 1 thanh niên ở xã Hưng Thạnh thiệt mạng. Từ đó, người dân ở đây kháo nhau rằng do có người ở vùng đất này đắc tội với “trời” nên mỗi năm thiên lôi sẽ “bắt tội” một người.
Sau những lời đồn đoán đó, cánh đồng lúa kênh Gió Giáp ngày trở nên hoang vu và ít có người qua lại, bà con nơi đây cũng vì sợ hãi mà bỏ đi nơi khác mưu sinh. Vùng đất lành bỗng chốc hóa thành đất dữ do những lần trút giận của thiên lôi.
Sau này, người dân ở xã Hưng Thạnh trêu vui nhau rằng, ở đất này người đá hổ như Võ Tòng thì ít, chứ người trời đánh không chết thì không ở đâu nhiều bằng. Mà đúng thật, ở xứ này người tử vong do sét đánh khá nhiều nhưng người “chết hụt” dưới búa thiên lôi cũng lắm.
Nhắc chuyện này, một lãnh đạo UBND xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười) xác nhận: “Đúng là vào năm 2006 tại cánh đồng kênh Gió Giáp có xảy ra vụ sét đánh khiến 10 người thương vong. Ở địa phương đây là nơi thường xuyên xảy ra sét đánh. Các đoàn công tác của (tỉnh Đồng Tháp) nhiều lần xuống đây đi thực tế nghiên cứu về hiện tượng sét đánh ở địa phương để có hướng khắc phục…”.
Chẳng sợ gì, chỉ sợ… sét
Tìm gặp lại nhân chứng đã từng “chết hụt” dưới búa thiên lôi ở kênh Gió Giáp, chúng tôi hỏi thăm nhà anh Âu Văn Bình thì một cụ già hỏi ngược lại, giọng dí dỏm: “Thằng Bình trời đánh không chết phải không? Giờ này chắc là nó không có nhà, chú đi xuống bến đò mà tìm nó. Công việc của nó giờ đây chuyển sang nghề làm củi rồi”.
Chuyện là sau chuyến đi gặt lúa thuê với anh rể là ông Hiền rồi trời đánh không chết năm 2006 ở kênh Gió Giáp, anh Hiền bỏ hẳn nghề cắt lúa theo gia đình đi làm nghề buôn củi ở bến đò thuộc ấp 2. Lúc nhắc chuyện bị sét đánh năm xưa, anh Bình đang tươi tắn bỗng mặt mũi thất thần.
“Mỗi khi nghĩ đến nó, tôi lại nổi da gà, lạnh gáy. Năm đó tôi bị sét đánh chung với mấy người cắt lúa mướn quê Bến Tre ở trên kênh Gió Giáp. Tuy nhiên may mắn là tôi ngồi ở dưới nên thoát chết. Mặc dù vậy tôi vẫn phải nằm viện mấy tháng trời, cơ thể bị nhiều di chứng”, anh Hiền vừa nói vừa chỉ vào cái cổ bị nghiêng một bên.
Anh Hiền rầu rĩ, hồi những năm trước 2006, anh cùng anh rể của mình là hai chủ thầu cắt lúa có tiếng ở xã Hưng Thạnh, mỗi lần mùa về có khi anh nắm trong tay đội quân cắt lúa thuê đông đến trăm nhân công. Thế mà chỉ sau khoảnh khắc vài giây, luồng điện trời giáng khiến anh thành kẻ tật nguyền, mỗi lúc trở trời là đầu đau như búa bổ, mỗi lần thấy trời kéo mây đen là trốn vào nhà.
Đã khổ sở vậy, sau lần bị sét đánh “chết hụt”, anh Bình còn bị một số người độc miệng độc mồm tung tin đồn, khiến cuộc sống gặp nhiều phiền toái. “Lúc tôi từ viện trở về, một số người bảo rằng cứ sáng sớm ra đường mà gặp người bị sét đánh chết hụt là sẽ xui cả ngày. Đầu năm mà gặp thì sẽ xui cả năm nên tôi mặc cảm lắm”, anh Bình cười nhăn nhó.
Anh Bình bảo cũng may đó là chuyện của thời gian đầu sau khi chết hụt, về sau này khi báo đài đưa tin tuyên truyền sự cố “trời đánh” thì họ mới dần dần bỏ cái chuyện đồn đoán, ma mị kì thị với những người như anh. “Chứ nếu mà cứ có gì cũng đổ lên đầu tôi thì chắc có cái lỗ nào chui được tôi chui xuống đất cho rồi”, anh Bình tếu táo.
Chẳng riêng anh Bình, hầu hết người dân bị sét đánh trên đồng kênh Gió Giáp hầu như đều bỏ nghề làm ruộng, bỏ cả nghề cắt lúa mướn để chuyển sang một công việc khác, hoặc đi nơi khác mưu sinh. Thế mà không hiểu sao vẫn còn sót lại một người “gan lỳ” bám trụ ở cánh đồng chết chóc, đó là anh Nguyễn Văn Quân (37 tuổi, ngụ ấp 2, xã Hưng Thạnh).
Anh Quân bị sét đánh bị thương nặng sau một lần đi thăm ruộng ở cánh đồng kênh Gió Giáp vào năm 2009. 7 năm qua đi, bây giờ anh Quân vẫn không ngờ là mình có thể sống sót sau lần bị “trời đánh” ấy. “Hôm đó tôi đang thăm ruộng, trong người bọc một chiếc điện thoại di động. Đang đi trời đổ mưa, sét đánh ầm ầm, một luồng sáng rực chiếu xuống trước mặt, chói loà rồi không hay biết gì nữa…”, anh Quân nhớ lại.
Sau khi tỉnh dậy anh Quân thấy mình bị băng bó chân, nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh. Mãi đến sau này anh mới biết là mình may mắn được 1 số người đi làm đồng phát hiện cứu về. Nhiều tháng sau khi ra viện, anh Quân bị ám ảnh bởi lần bị sét đánh nên không dám ra đồng làm ruộng nữa.
Những tưởng giã từ đồng ruộng, ấy mà sau này thấy vợ vất vả lam lũ nuôi chồng con nên anh Quân lại ra đồng. Công việc vất vả khổ cực nhưng anh bảo mình không ngại, chỉ mong một điều đừng bao giờ bị sét đánh nữa. Vợ chồng đồng cam cộng khổ, vợ chồng anh mới xây được căn nhà lớn nhất trong ấp. Nhiều người thấy vậy lại trêu “cái số bị sét đánh không chết sẽ giàu”.
Anh Quân chuyện trò: “Nhiều người họ đồn là cánh đồng kênh Gió Giáp có ma nên hay bị sét đánh này nọ nhưng tôi không tin vào chuyện đó. Tôi nghĩ đó chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Nếu mình chú ý và có kinh nghiệm phòng chống sét đánh thì sẽ không bị. Như thấy trời âm u, sấm chớp… thì mình đừng mang điện thoại trong người, sợ thì nằm xuống đất chứ đừng trốn vào cây cổ thụ…”
Chuyen hai hung o vung dat “thien loi trut gian” nhieu nhu com bua-Hinh-3
Người lái đò trên kênh Gió Giáp kể chuyện với chúng tôi. 
Đề án chống… thiên lôi
Trước hàng loạt những vụ sét đánh xảy ra trên vùng kênh Gió Giáp ở xã Hưng Thạnh và những lời đồn ma quái xung quanh “vùng đất trời đánh” cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã nhiều lần cử đoàn công tác xuống địa phương để nghiên cứu phường pháp phóng chống sét đánh, hạn chế thiệt hại cho người dân.
Cách đây không lâu, Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Tháp đã tiến hành lắp đặt hệ thống chống sét ngay gần khu vực cánh đồng kênh Gió Giáp để hạn chế những vụ sét đánh ở cánh đồng này. Cách làm này có hiệu quả khi vụ thương vong cho sét đánh đã giảm rất nhiều.
Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Tháp cho biết, không chỉ riêng ở vùng kênh Gió Giáp ở huyện Tháp Mười mà tại tỉnh Đồng Tháp có những điểm thường xuyên bị sét đánh khác. Tình từ năm 2004 đến nay toàn tỉnh đã có hơn 50 người bị sét đánh chết và những vụ sét đánh rơi vào cao điểm các tháng 3, 4 và 9, 10.
Hằng năm và hầu hết nạn nhân là nông dân đang đi làm đồng, thiếu kinh nghiệm, kiến thức về phòng tránh sét cho nên mới gặp nạn, từ đó gây ra một số lời đồn ma quỷ gây sét đánh. Có một số giả thiết rằng vùng đất này có từ tính cao dẫn đến thường xuyên bị sét đánh, tuy nhiên chưa có căn cứ khẳng định. Tỉnh đã nghiên cứu nhiều hướng khắc phục những thiệt hại về sét đánh cho người dân.
Ông Bình cũng khuyến cáo người dân, nếu mọi người cảm thấy lông, tóc bị dựng lên (cảm giác như khi sờ tay trước mặt tivi) thì có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào, lập tức nên cúi người xuống, chụm hai chân lại làm một và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút, có thể trở lại làm việc bình thường.
Đối với trường hợp bà con đi làm ruộng ở ngoài đồng nên gắn các thiết bị chống sét cho các căn chòi ở giữa đồng (từ trước mùa mưa bão) để có chỗ trú ẩn an toàn khi mưa giông kéo đến. Khi tránh sét, người dân cần đứng hoặc ngồi chụm 2 chân sát nhau tạo thành một điểm duy nhất tiếp xúc với mặt đất, nên ngồi ở giữa chòi hoặc tối thiểu cách tường khoảng 1 - 2m, tuyệt đối tránh tựa lưng vào tường như vậy sẽ phòng chống được sét đánh.
Để hạn chế thiệt hại do sét đánh, ngày 20/8/2013, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành đề án “Phòng chống sét đánh trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 tới năm 2020” với tổng kinh phí trên 11 tỉ đồng. Đề án chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2013-2015, thực hiện tại các vùng trọng điểm thường xảy ra sét đánh gây thiệt hại về người và tài sản (trong đó có huyện Tháp Mười). Từ năm 2016-2020 triển khai ra các vùng còn lại.
Mời quý độc giả xem video về vụ sét đánh ở Bangladesh (nguồn Youtube):
 
Theo Báo Pháp Luật