Mới đây, TANDTP Hà Nội có quyết định sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch AIC và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan vào ngày 21/12.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 bị cáo hiện đang bỏ trốn, bị truy nã. Các bị can này sẽ được Tòa án chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và bị xét xử vắng mặt, trong một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa.
Kết luận điều tra, truy tố và xét xử đối với bị cáo đang bị truy nã là chuyện hi hữu, chưa từng xảy ra trong tố tụng hình sự Việt Nam. Việc tòa án chỉ định người bào chữa cho bị cáo bị xét xử vắng mặt cũng là chuyện hiếm gặp.
|
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang bỏ trốn. |
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015, trường hợp bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và chưa có kết quả truy nã, tòa án có thể xét xử vắng mặt đối với bị cáo. Cụ thể, tại khoản 2 điều 290 quy định: “Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử”.
Trong vụ án này, điều đặc biệt, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đồng phạm khác bị kết luận điều tra và bị truy tố vắng mặt (khi đang bị truy nã) và đến nay là sẽ xét xử vắng mặt nếu như không trình diện hoặc không bị bắt giữ trước ngày mở phiên tòa.
Theo quy định tại Điều 229 và Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố nếu bị can bỏ trốn, cơ quan điều tra, viện kiểm sát sẽ tiến hành truy nã và tạm đình chỉ giải quyết vụ án đối với bị can đó (sẽ tiếp tục giải quyết đối với các bị can khác trong vụ án có đồng phạm). Khi nào bắt được bị can sẽ tiếp tục phục hồi điều tra để tiến hành điều tra, truy tố đối với bộ bị can đó.
Luật sư Cường cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn để làm rõ các trường hợp kết luận điều tra, truy tố vắng mặt đối với bị can đang bị truy nã. Đồng thời, cần ghi nhận, đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo đang bị truy nã ttrong một số trường hợp (chỉ định người bào chữa), quy định cụ thể về quyền kháng cáo, hiệu lực của bản án đối với trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo. Quy định về các biện pháp ngăn chặn đối với tài sản, xử lý tài sản của bị cáo đang bị truy nã, quy định về hiệu lực của bản án để phục vụ cho việc dẫn độ tội phạm.
Nếu theo quy định pháp luật hiện nay bị cáo bị xét xử vắng mặt, đến khi nhận được bản án, phần bản án đó mới có hiệu lực pháp luật, nếu không tống đạt được bản án cho bị cáo, phần bản án sơ thẩm đó sẽ chưa thể có hiệu lực pháp luật và chưa thể được thực thi, phần dân sự trong vụ án hình sự đối với bị cáo đó cũng chưa thể thực hiện được. Đây là điểm vướng cũng cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để xét xử đối với các bị cáo đặc biệt là đối với các bị cáo thuộc nhóm tội tham nhũng chức vụ trong giai đoạn hiện nay.
Luật sư Cường cho rằng, đây là vụ án đặc biệt, bởi theo kết luận của Cơ quan điều tra và nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát, hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, các bị cáo phạm nhiều tội danh (vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ) với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Đáng chú ý, VKSND Tối cao truy tố bị cáo Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) về tội “nhận hối lộ” quy định tại các điểm a, b Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã thu thập được nhiều chứng cứ quan trọng để buộc tội đối với các bị cáo, kết luận điều tra thể hiện có nhiều chứng cứ rõ ràng, xác đáng để buộc tội đối với các bị cáo. Có lẽ vì thế mà cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết tâm truy tố, xét xử đối với các bị cáo đúng trong thời hạn tố tụng mà không tách rút, chờ kết quả truy nã.
Một điều đáng chú ý là quyền bào chữa đối với các bị can, bị cáo trong vụ án hình sự trong vụ án này vẫn cần phải được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Theo quy định của hiến pháp và pháp luật Việt Nam, bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Trong một số trường hợp thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo.
Pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam ghi nhận rất nhiều quyền của bị can, bị cáo, trong đó có quyền bào chữa, quyền được trình bày ý kiến, lời khai của mình đối với các chứng cứ buộc tội, quyền được khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Nếu bị can, bị cáo bỏ trốn và bị truy nã, gần như không thực hiện được các quyền mà pháp luật đã ghi nhận như quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Quyền tự bào chữa là phải thực hiện trực tiếp, phải liên hệ trực tiếp đưa ra ý kiến quan điểm, xuất trình tài liệu đồ vật với các cơ quan tiến hành tố tụng. Còn đối với quyền nhờ người khác bào chữa, bị cáo cũng phải thể hiện ý chí của mình với người bào chữa hoặc thông qua người thân để mời người bào chữa. người bào chữa có thể là luật sư hoặc người khác đủ điều kiện làm người bào chữa theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Nếu không xác định được bị cáo đang ở đâu, bản thân bị cáo và người thân bị cáo không thể thực hiện được quyền nhờ người khác bào chữa theo quy định pháp luật.
Với chính sách khoan hồng, nhân đạo, với tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp luật Việt Nam còn quy định về trường hợp "cử người bào chữa" cho bị can, bị cáo trong một số trường hợp đặc biệt.
Theo cáo trạng, nhiều bị cáo trong vụ án này bị truy tố ở khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, đều thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và phải có người bào chữa tại phiên tòa. Do đó, đối với các bị cáo đang bị truy nã thì tòa án sẽ cử người bào chữa cho tất cả các bị cáo này để đảm bảo quyền được bào chữa theo quy định tại Điều 61 và Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vũ “nhôm” tiếp tục bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ
Hải Ninh