Khẩn trương thực hiện kết luận thanh tra cảng Quy Nhơn
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2019, trả lời câu hỏi của báo chí về việc đã đến hạn cuối Bộ Giao thông vận tải báo cáo việc Cổ phần hoá cảng Quy Nhơn, đến thời điểm này Bộ đã báo cáo chưa?, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, về Cảng Quy Nhơn, với chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TTCP thực hiện nhiệm vụ chức năng thường xuyên đôn đốc, chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan.
Thanh tra Chính phủ đã nghe báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra và những khó khăn vướng mắc. Sau khi kết luận được ban hành, Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch triển khai kết luận thanh tra trên hai phương diện và đến nay Bộ GTVT đã ban hành thông báo thu hồi hai văn bản trước đây (16937 ngày 27/12/2014 và 6327 ngày 20/5/2015) có nội dung không đúng với quy định của pháp luật.
|
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. |
Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines trực tiếp làm việc với đại diện cổ đông của Vinalines.
“Theo báo cáo mới nhất và kết quả chúng tôi nắm được thì đến nay các bên đã thống nhất với nhau thực hiện các thủ tục về cơ bản là 75,01% cổ phần trước đây Vinalines đã thoái và thu hồi về cho Nhà nước. Thứ hai, Vinalines đã chuẩn bị các điều kiện về tài chính, sẵn sàng thanh toán khoản tiền trước đây các cổ đông đã thanh toán cho Vinalines. Thứ ba tiến hành các thủ tục pháp lý để đăng ký các cổ phần chuyển cho các cổ đông không phải là Nhà nước sang cho đại diện Nhà nước là Vinalines”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam khẩn trương tiếp nhận quản lý đối với 75,01% vốn cổ phần. Các bộ, ngành tập trung xem xét, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, thực hiện kết luận thanh tra theo quyết định của Thủ tướng, đảm bảo khẩn trương, minh bạch và đúng quy định.
Sẽ tổ chức đấu thầu cạnh tranh dự án xây dựng nhà ga T3
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, báo chí đã đề cập vấn đề, gần đây Bộ GTVT đang thúc tiến độ triển khai dự án nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó xin ý kiến Thủ tướng chỉ đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đẩy nhanh việc hoàn thiện báo cáo tiền khả thi. Vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này chưa và Chính phủ có quan điểm thế nào về việc để DN tư nhân hay DN nhà nước đầu tư vào dự án này?
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Dự án xây dựng nhà ga T3 trên cơ sở quy hoạch chi tiết của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được phê duyệt, Chính phủ đã giao Bộ GTVT.
Trước điều kiện đầu tư cấp bách do tình hình ách tắc cả trên bầu trời và dưới mặt đất của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga T3 là một trong những công trình ưu tiên kêu gọi đầu tư.
“Trên cơ sở quá trình đó chúng tôi đã công khai quy hoạch và hiện tại có ACV, đơn vị được giao quản lý khai thác cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đề nghị được đầu tư Nhà ga T3. Tuy nhiên từ 29/9/2018, ACV chuyển về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại DN và đã có việc các cơ quan xem xét chủ trương đầu tư dự án này, huy động vốn xã hội hoá, do đó liên quan đến cơ quan chủ quản quản lý DN đầu tư đó”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin, tháng 2/2019, Bộ GTVT nhận được đề nghị của FLC. Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Nội dung này chúng tôi đang tập hợp tất cả các đề xuất. ACV có nghiên cứu chi tiết tương tự đề án tiền khả thi còn FLC mới đề nghị chưa có nghiên cứu cụ thể.
“Tóm lại chúng tôi sẽ tập hợp lại và làm việc với các cơ quan của Chính phủ cũng như Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại DN để lựa chọn sớm nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam nói gì về việc chuyển hồ sơ dự án Gang thép Thái Nguyên sang công an:
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của PV về việc, trong kết luận của Thanh tra, dự án Gang thép Thái Nguyên có chuyển cho Bộ Công an và Uỷ ban Kiểm tra. Xin hỏi lãnh đạo Bộ Công an, hiện nay đã chuyển hồ sơ và tất cả các thứ sang Bộ Công an và Uỷ ban Kiểm tra chưa?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, đối với dự án cải tạo của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo 199 ngày 20/2/2019. Chúng tôi đã công khai trên Cổng Thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ. Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến kết quả thanh tra, giải pháp tháo gỡ khắc phục, cụ thể như kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phải tiếp tục thực hiện các giải pháp, biện pháp xử lý đối với dự án đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Quyết định số 1468 ngày 29/9/2017, nằm chung trong tổng thể 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương; đồng thời, giao cho các bộ, ngành liên quan chỉ đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên, VNSteel (đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tisco) rà soát lại tổng thể, những nội dung nào cần thiết phải khởi kiện. Thanh tra Chính phủ cũng đã phối hợp với Bộ Công an, chuyển hồ sơ này sang Bộ Công an xem xét, xử lý.
Đang trong quá trình xử lý cán bộ vụ xe biển xanh vào sân bay đón người nhà Bộ trưởng Công Thương:
Tại cuộc họp báo Chính Phủ, trả lời câu hỏi của PV về kết quả xử lý cán bộ vụ xe biển xanh vào sân bay đón người nhà lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Về vụ việc xe biển xanh vào sân bay đón người nhà lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã tổ chức họp, giao kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan. Hiện nay, vụ việc đang trong quá trình xử lý theo đúng các quy định. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo.
Lãnh đạo bị kỷ luật, những văn bản theo luật, hợp thức thì sẽ không trình lại
Tại buổi họp báo, PV đã hỏi Bộ Nội vụ về việc vừa qua Bộ có tờ trình về sửa Luật Công chức trong đó có nội dung về kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu. Vậy trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, Bộ có đề cập đến nội dung nếu giả sử một lãnh đạo, một thứ trưởng hoặc một bộ trưởng đã nghỉ hưu mà bị kỷ luật theo hình thức cách chức vụ trong quá khứ thì những giấy tờ, quyết định người đó ký có còn hiệu lực hay không?
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, câu hỏi này liên quan đến sửa đổi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Luật Cán bộ, công chức ra đời năm 2008 và Luật Viên chức ra đời năm 2010.
“Qua 10 năm thực hiện, tổng kết lại có một số bất cập. Vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ được giao thành lập Ban chỉ đạo soạn thảo, biên tập, các bộ ngành tham gia và đã tiến hành dự thảo nội dung luật sửa đổi này. Ở đây sửa đổi rất nhiều điều, trong đó có điều mà hôm nay nhà báo có hỏi là vấn đề xem xét kỷ luật cán bộ thời vẫn đang lãnh đạo. Trong luật này đề cập đến vấn đề là xem xét, xử lý về hành vi, đối tượng, thời hạn, thời hiệu đối với cán bộ trước đây đã từng lãnh đạo. Trong luật không đề cập đến vấn đề xem xét những văn bản mà thời kỳ khi còn sở hữu trách nhiệm. Việc xem xét, xử lý này sẽ được các văn bản pháp lý khác quy định.
Tuy nhiên, theo tôi hiểu là bất cứ khi còn công tác hoặc không công tác nhưng văn bản nào sai thì sẽ xem xét, xử lý. Còn những văn bản theo luật, hợp thức thì sẽ không trình lại”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nói rằng, hiện dự án luật này vẫn đang ở trong thời gian dự thảo. Bộ Nội vụ vừa qua đã trình Thủ tướng Chính phủ và dự kiến Chính phủ sẽ xem xét trong kỳ họp tới. Nếu Chính phủ thông qua thì sẽ trình lên Quốc hội kỳ họp tới.
Hải Ninh