Chuyện khó ngờ của người lái xe cứu hỏa trên đường đi chữa cháy

Google News

Lúc lái xe cứu hỏa ra tín hiệu xin được ưu tiên đường, người phụ nữ kiên quyết không chấp hành. Không ngờ, ngôi nhà bị cháy mà xe cứu hỏa đang trên đường đến ứng cứu lại là của người phụ nữ này.

Đại úy Bùi Anh Luận, lái xe Đội chữa cháy chuyên nghiệp, Phòng cảnh sát PCCC số 2, Hà Nội có gần 10 năm gắn bó với nghề.
Với anh, mỗi lần có kẻng báo cháy cũng là lúc cuộc đua tốc độ với giặc lửa bắt đầu.
 
Trong cuộc đua ấy, chiến sĩ lái xe cứu hỏa phải bình tĩnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, chiến sĩ của mình và cho những người tham gia giao thông.
Tuy nhiên không phải lúc nào người dân cũng thực hiện việc chấp hành nhường đường cho xe chữa cháy.
Anh Luận chia sẻ: “Năm 2012, chúng tôi từng được điều động đến một vụ cháy tại khu vực Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội. Xe chữa cháy do tôi điều khiển đi đến ngã tư thì gặp các phương tiện đang dừng đèn đỏ.
Mặc dù tôi đã phát hết tín hiệu ưu tiên và kêu gọi loa yêu cầu các phương tiện phía trước nhường đường nhưng một người phụ nữ dứt khoát không chấp nhận.
Người này cho rằng nếu vượt đèn đỏ thì sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt. Không còn cách nào khác chúng tôi buộc phải chờ đèn đỏ rồi mới đi tiếp.
Sau đó, tại hiện trường vụ cháy, trong lúc anh em đang tổ chức chữa cháy người phụ nữ lúc nãy xuất hiện. Chị khóc mếu cho biết ngôi nhà đang cháy là của mình”.
Anh kể tiếp: "Tôi nói với người phụ nữ ấy: “Giá như chị nhường đường cho lực lượng cứu hỏa, nhà chị đã không bị thiệt hại nặng nề như vậy”.
Cũng theo anh Luận, người lính lái xe chữa cháy không chỉ biết lái xe mà còn phải nắm vững các phương tiện có trên xe và thao tác thanh thục, nhanh nhẹn để kịp thời cứu người và tài sản.
 
Thượng úy Nguyễn Ngọc Hùng, lái xe Đội chữa cháy chuyên nghiệp, Phòng cảnh sát PCCC số 2, Hà Nội cũng cho biết: “Công việc lái xe chữa cháy của chúng tôi đòi hỏi kỹ thuật cao, phải hiểu về đặc tính của xe, thao tác sử dụng của thiết bị có trên xe.
Tôi đã có 21 năm trong ngành, 18 năm ngồi sau tay lái là cũng từng ấy thời gian tôi gắn bó với chiếc xe thang.
Đặc thù của người lái xe thang, ngoài việc lái xe còn phải phối hợp để điều khiển chiếc thang vươn lên các tầng cao cứu người bị nạn. Nếu chỉ một phút lơ là sẽ gây nguy hiểm cho chính đồng đội và người dân đang chờ được cứu”.
Không dày dạn kinh nghiệm như bậc đàn anh đi trước, thiếu úy Phùng Xuân Trường, lái xe Đội chữa cháy chuyên nghiệp, Phòng cảnh sát PCCC số 2, Hà Nội là chiến sĩ mới vào nghề.
Anh nhớ rất rõ chuyến xe đầu tiên đi làm nhiệm vụ, xe của anh phải đi qua đường Đê La Thành (Hà Nội) với tốc độ cao kèm với đường hẹp, dòng phương tiện di chuyển như mắc cửi, anh cảm thấy rất sợ hãi.
Nhưng khi nghĩ đến ngôi nhà đang bị lửa thiêu rụi, anh tự động viên mình giữ bình tĩnh để điều khiển xe nhanh nhất đến hiện trường.
Theo anh Hải, công việc của người lính cứu hỏa có những bất trắc không thể lường trước nhưng khi đã theo nghề các anh sẵn sàng chấp nhận thương tích, thậm chí là hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Đình Hiếu/Vietnamnet