Chuyện làng múa rối

Google News

(Kiến Thức) - Khi đặt câu hỏi: Ông tổ của nghề múa rối là ai? Chắc chẳn không chỉ có một đáp án thôi đâu.

Khi đặt câu hỏi: Ông tổ của nghề múa rối là ai? Chắc chẳn không chỉ có một đáp án thôi đâu. Nhưng ngó đến “cái nôi” của rối nước là làng Đào Thục xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) mà hiển hiện kia là văn bia Hán tự mới ngỡ tường tổ nghề là vị quan lớn trong triều.
Quan Nội giám
Về làng Đào Thục, không thể không tới ngôi đình cổ độc đáo những đại tự, câu đối lẫn một kiến trúc cầu kỳ. Ngôi đình này có một phần riêng biệt mà số nhiều đình đền không có, ấy là Thủy Đình. Người lạ ngó vào, đoán già đoán non chắc không biết để làm gì. Nhưng, khách nào am tường sẽ biết ngay Thủy Đình là chốn ăn chơi. Tất nhiên không phải để rượu chè búa xua mà có văn hóa hẳn hoi. Văn hóa của rối nước.
“Rối nước của chúng tôi mà nói theo lệ ngày xưa thì khắt khe lắm. Nếu nhà không có con trai thì buộc phải có từ hai con rể trở lên mới được vào xem diễn. Phường rối cũng giấu nghề ghê lắm, bởi có những kỹ nghệ không để lọt ra ngoài”.
Cụ Nguyễn Văn Mạnh
(cựu trùm phường rối Đào Thục)

 

Làng Đào Thục xưa có tên là Đào Xá. Nghe đâu thời Đồng Khánh được đổi là Đào Thục. Chữ “Thục” ở đây chính là thục nữ, đoan thục... bắt nguồn từ vùng đất của những người con gái nết na, xinh đẹp. Thế mới có thơ rằng: Đào Xá có đất trồng bông/Con gái ra đồng trông tựa tiên sa. Ngôi đình của Đào Thục được xây năm 1735 do một tướng công họ Đào bổ tiền xây dựng. Ông tên thật là Nguyễn Đăng Vinh, tự Phúc Thiêm đỗ Tiến sĩ năm Tân Mùi 1691 và làm quan Nội giám trong triều nhà Hậu Lê.
Đương khi làm quan trong triều, ông đã học hỏi được rất nhiều kỹ nghệ của các phường nghề. Bởi thế, sau này ông Phúc Thiêm đã tổ chức các phường hội như: Phường Thầy, phường Thợ, phường Thó (tức đóng Cối), phường Võ và phường Rối. Khi xa chốn quan trường, vị quan Nội giám về làng Đào Thục lập phường rối tại đây và biên soạn ra bản hương ước của làng. Đồng thời, ông xây dựng trang thôn theo thế bàn cờ. Từ đó mới có câu ca: Đào Xá mở hội vui thay/Bên Bắc có chợ, bên Tây có chùa/Bên Đông có miếu thờ vua/Bên Nam nước chảy đò đưa dập dìu.
Người Đào Thục vẫn giữ được những kỹ thuật làm rối cổ truyền. 
Cứ đến ngày 24/2 âm lịch hằng năm, làng Đào Thục lại làm lễ thờ ông tổ nghề rối. Bởi vậy, trong văn bia của dân làng đã gọi tên ông tổ họ Nguyễn là họ Đào với ý tứ coi ông như thành hoàng làng. Hiện, mộ của ông tổ nghề múa rối vẫn còn và được bảo vệ rất cẩn thận. Trước mộ có hai con nghê bằng đá khá nguyên vẹn. Bên cạnh đình, còn văn bia ghi rõ năm sinh, tháng mất cùng những công trạng của vị quan Nội giám cách đây gần 300 năm.
Thăng trầm làng rối
Cụ Nguyễn Văn Mạnh, 87 tuổi từng là trùm phường rối của Đào Thục cho biết: Trải qua bao thăng trầm lịch sử, có những lúc tưởng chừng múa rối sẽ bị mất đi. Năm 1955 hòa bình lập lại ở miền Bắc, Ty Văn hóa Vĩnh Phú mới phục dựng lại phường rối để phục vụ cho các ngày lễ lớn.
 
Cụ Mạnh cũng cho biết thêm rằng, ngày đó con rối còn thô sơ và sân khấu chỉ được dựng bằng cột tre với tấm cót. Có khi, diễn được vài lần là tất cả bị hư hỏng, mục nát hết. Mãi đến năm 1984, Hiệp hội rối quốc tế khi tổ chức phát triển nghệ thuật rối đã tài trợ cho làng Đào Thục phục hồi lại. Hai năm sau, Nhà nước tổ chức Đại hội liên hoan văn hóa các dân tộc lần thứ nhất thì phường rối Đào Thục mới phát huy hết những tinh hoa và đạt huy chương vàng.
“Rối nước Đào Thục đã có từ rất lâu đời. Trước đây, phường rối vẫn hoạt động theo lệ cha truyền con nối. Bây giờ thì đã khác, nhiều bạn trẻ được đào tạo. Vừa là để giữ gìn nghệ thuật cha ông, cũng là để quảng bá văn hóa ra với thế giới”.
ông Nguyễn Hữu Tửu
(Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm)

 

Những năm sau đó và cho đến tận bây giờ, phường múa rối Đào Thục còn đi phục vụ biểu diễn ở rất nhiều nơi. Thậm chí, các tổ chức nước ngoài còn đến mời nghệ nhân của Đào Thục sang nước họ để truyền dạy kỹ năng múa rối. Ông Nguyễn Hữu Tửu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm cho biết: Từ năm 2007, phường múa rối bắt đầu tích cực hoạt động hiệu quả khi biết quảng bá hình ảnh ra với thế giới. Từ đó đến nay, hằng tuần, hằng tháng phường rối đều có những buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch quốc tế.
Đốt pháo bật cờ
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh cho biết, rối nước của Đào Thục khác biệt với các phường rối trên cả nước. Nếu như các phường rối mở đầu bằng hình tượng chú Tễu xuất hiện đầu tiên và khi thấy sân khấu chưa được sẵn sàng thì mới hô “trống dong cờ mở”. Còn Đào Thục mở màn luôn là tiết mục “đốt pháo bật cờ”. Điều đó chứng tỏ sân khấu phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời, trong trí nhớ của cụ Mạnh thì xuất xứ của rối nước Đào Thục là ở triều đình nên hai bên giàn cờ là hai hàng bá quan văn võ. Không những thế, khán giả đến được với buồng trò trong nhà Thuỷ Đình phải được kiểm duyệt qua quan binh.
Nếu để ý kỹ sẽ thấy tấm Y Môn ngăn cách ranh giới giữa cuộc sống đời thường với bên trong buồng trò mà theo cụ Mạnh, điều đó thể hiện sự tôn nghiêm của những linh hồn rối nước. Rối nước không đơn thuần là tượng, mà cũng như người: Có linh hồn và thể xác. Điểm khác biệt thứ hai là anh Ba Khí giáo trò, ở các phường rối khác thì chú Tễu được xem là nhân vật quan trọng nhất của nghệ thuật rối nước. Chú Tễu là hiện thân của anh nông dân hiền lành, chất phác và ngộ nghĩnh; cũng là đại diện cho anh nông dân Bắc Bộ.
Nhân vật này được xem là linh hồn của rối nước. Chú Tễu vốn là người trên Thiên đình được Thượng Đế đưa xuống trần gian để gỡ rối mọi chuyện ưu phiền. Vì thế, ngay từ khi xuất hiện, khán giả đã thấy chú Tễu băn khoăn trăn trở việc đời.
Nhưng anh Ba Khí của rối nước Đào Thục lại được chế tác với hình ảnh chân thực hơn, mà không đơn thuần là nhân vật chú Tễu bụng phệ, tay cầm quạt nữa. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghệ thuật thì sự khác biệt đó thể hiện tầm nhìn xa từ thuở khai sinh ra rối nước Đào Thục mà ông tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh đã nghĩ ra.
Trần Hòa