Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có thông báo chủ trương sẽ triển khai việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô trên địa bàn Hà Nội, với mục đích giảm ùn tắc cho thành phố Hà Nội bắt đầu từ ngày 2/1/2017.
Trong đó, tỉnh Sơn La sẽ phải điều chuyển tất cả các chuyến từ Sơn La về đầu bến Yên Nghĩa. Việc chuyển luồng tuyến xe khách này sẽ gây không ít khó khăn cho người dân Sơn La, khi từ bến Yên Nghĩa về trung tâm Hà Nội phải mất quá nhiều thời gian và chi phí.
Cùng với đó, việc sắp xếp lại đúng thời điểm cận kề Tết Nguyên đán sẽ dẫn đến hiện tượng quá nhiều xe xuất bến trong một giờ chạy, tranh giành khách, gây mất an toàn giao thông, khi một ngày Sơn La có đến gần 90 chuyến xe về Hà Nội.
|
Những chủ xe tại Bến xe Mỹ Đình lên tiếng về những bức xúc của doanh nghiệp khi phân tuyến (Ảnh: Bình Minh) |
Anh Nguyễn Văn Cường, người dân thành phố Sơn La có con trai học đại học ở Hà Nội cho biết: Cứ đến cuối tháng, anh lại bắt xe đêm về Hà Nội với lỉnh kỉnh đồ ăn, thức uống cho con trai để ăn trong cả tuần. Khi biết thông tin đi xe khách đêm về Hà Nội phải xuống bến Yên Nghĩa, thay vì bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm như trước, anh rất băn khoăn.
Từ bến Yên Nghĩa về đến trường học của con, nếu đi taxi anh phải trả hơn 200.000 đồng, trong khi vé xe khách Sơn La – Hà Nội chưa đến 200.000 đồng, đi xe buýt thì không thể vì rất nhiều đồ đạc, quy định của tuyến xe buýt Hà Nội là hạn chế chở đồ đạc cồng kềnh. Tức là anh sẽ phải chi phí hơn gấp đôi so với trước và khó lựa chọn phương tiện để đi tiếp vào nội đô.
Là một trong 2 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách lớn của tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần xe khách Sơn La hiện có 65 xe khách từ Sơn La về các bến của Hà Nội. Ông Nguyễn Lương Sơn, Giám đốc Công ty cho biết: Việc điều chuyển luồng tuyến xe ngay trong thời điểm hiện tại sẽ gây xáo trộn, làm ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của người dân và hoạt động của các đơn vị vận tải.
Tuyến xe đêm từ Sơn La về Hà Nội chủ yếu vào ban đêm, không đi vào các tuyến trung tâm thành phố, không gây tắc nghẽn giao thông. Hơn nữa, việc dồn hàng trăm chuyến xe về bến Yên Nghĩa một ngày sẽ xảy ra việc trùng giờ, trùng nốt, khoảng cách giãn giờ hiện là 12 phút trên 1 chuyến sẽ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Nguyễn Lương Sơn nói: “Nếu điều chuyển tiếp 37 chuyến xe ở 3 bến Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình về bến xe Yên Nghĩa thì tổng số chuyến trên ngày tại bến xe Yên Nghĩa khoảng 86 chuyến xe. Điều đầu tiên dễ nhìn thấy là mất an ninh trật tự tại bến, gây ra cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn đến tình trạng phóng nhanh dành đường, vượt ẩu để tranh giành khách, đây là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông”.
Ông Lù Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La cho biết: Chủ trương sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách của thành phố Hà Nội là một chủ trương đúng, Sở hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên với đặc thù của một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế, các chuyến xe của tỉnh Sơn La về các bến của Hà Nội thường vào các giờ thấp điểm, khoảng sau 20h và không đi vào các tuyến trung tâm thành phố nên việc điều chuyển mong muốn sẽ theo lộ trình.
Hiện tần suất hoạt động tuyến Hà Nội đi Sơn La tại 3 bến Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát chỉ có 37 chuyến/ngày, trong đó Mỹ Đình 35 chuyến. Việc sắp xếp, điều chuyển theo lộ trình sẽ giảm bớt khó khăn cho tỉnh Sơn La khi những ngày Tết đã cận kề. Việc sắp xếp lại giờ xuất bến của tất cả gần 90 đầu xe trong thời điểm hiện tại là rất khó khăn, cần có thời gian.
Ông Lù Văn Cường đề nghị thành phố Hà Nội xem xét các tuyến cân đối để có lộ trình, xem xét hợp lý hành trình đi lại để doanh nghiệp cũng như người dân Sơn La được đi về Hà Nội một cách thuận tiện.
Theo Tuyết Lan/VOV-Tây Bắc