Đến ngã ba Cầu Ván (xưa kia là cây cầu bằng ván gỗ bắc qua con lạch nhỏ bên bờ sông Rạch Sỏi, nay đã được xây dựng kiên cố bằng bê tông - PV) từng một thời nhộn nhịp thuyền bè qua lại giao thương, nay nhà cửa hai bên đã mọc lên san sát, khang trang.
|
Ngoài biệt danh “Khải thợ lặn”, ông Khải còn có cái tên “Khải mò xác”. |
Dưới mé sông một số con thuyền nhỏ neo bến nằm im lìm, chốc chốc lại chao sóng dập dềnh mỗi khi có thuyền bè lớn chở hàng hóa lướt qua.
Hỏi đến ông Khải thợ lặn, ai cũng biết. Một người phụ nữ đã luống tuổi hồ hởi giới thiệu: “Lỡ rơi mất cái gì xuống sông rồi phải không? Ở đây ông Khải là “trùm” của cánh thợ lặn đấy. Ai mất gì cũng tìm đến cầu cứu ổng vớt cho và đa số khách đều rất hài lòng...”.
Căn nhà của người đàn ông được người dân nơi đây ví von là “kình ngư” nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo. Nói là nhà cho sang nhưng chẳng khác nào một căn lều cũ kĩ đã rách nát, chắp vá đủ đường. Bà Phan Thị Ánh Tuyết (47 tuổi, vợ ông Khải) một tay ẵm đứa cháu gái, một tay ghi chép những con số chi tiêu trong gia đình.
Đôi mắt người vợ ánh lên vẻ buồn rầu kể, mấy tháng nay vợ chồng người con gái của ông bà đường ai nấy đi, đứa cháu mới 3 tuổi được gửi về nhờ ông bà ngoại trông giúp.
Từ đó bà Tuyết phải nghỉ việc thu mua phế liệu, kinh tế trong gia đình đã chật vật giờ thêm khó khăn, thắt lưng buộc bụng vẫn bữa hôm chưa no đã lo bữa mai. Lúc chúng tôi đến, ông Khải đang cùng người con trai út “tăng ca” đi mò mãi ở tận sông Xẻo Rô cách nhà hơn 20km, hơn hai ngày vẫn chưa thấy trở về.
Người vợ kể, ông bà kết duyên đã hơn 30 năm. Ông Khải là con thứ 5 trong số 7 anh chị em (2 người đã qua đời trong chiến tranh). Thời trước, cha của ông làm nghề đi biển, làm thuê làm mướn.
Khi nghề thợ lặn mới manh nha phát triển ông cũng theo nghề được một thời gian cho đến ngày lâm trọng bệnh qua đời. Khi cha “mất”, ông Khải khoảng 15 tuổi, theo những người trong làng xuôi theo dòng sông đi làm rẫy thuê tận tỉnh Tây Ninh.
Sau ngày lập gia đình, vợ chồng ông trở về quê nội dựng tạm mái nhà lá sát vách căn nhà cha mẹ đẻ để lại. Nghề mò phế liệu càng thịnh, để “nối” nghiệp thợ lăn của cha, ông Khải hăm hở vay mượn sắm được con thuyền nhỏ theo những trai tráng trong làng khua mái chèo ra sông, thậm chí là biển.
Còn bà Tuyết hàng ngày với đôi quang gánh đi khắp nơi thu mua phế liệu. Về đến nhà, bà lại chạy qua chạy về săn sóc cho người mẹ chồng đã tuổi cao sức yếu.
Đến nay ông Khải cũng đã ngót nghét gần 30 năm trong nghề. Vợ chồng bà có ba người con (2 gái, 1 trai), ai cũng “đứt” đường học từ nhỏ. Người con trai út Nguyễn Trọng Hiếu (24 tuổi) phải nghỉ học từ khi chưa hết lớp 2 vì nghèo túng. Hơn ba năm trở lại đây, Hiếu vì mê những dòng sông nên cũng theo cha học nghề thợ lặn mưu sinh.
Cuối buổi chiều, ông Khải dáng vẻ gầy nhom, làn da ngăm đen vì rám nắng điều khiển chiếc thuyền nhỏ tấp vào bờ sau hai ngày cơm đùm gạo bới ở trên sông: “Hai ngày nay cha con tui rong ruổi khắp, lặn mệt mà chẳng kiếm được bao nhiêu. May mà ngày nay tân tiến đã có động cơ nổ chứ chèo thuyền như hồi trước thì về đến nhà chết vì đứt hơi”.
Đùa với tử thần
Nói về nghề thợ lặn, chủ yếu phù hợp với nam giới và để hành nghề ai cũng phải thuần thục những kỹ năng bơi lội, lặn, giữ được hơi thở đều đặn khi ở dưới nước. Ngoài những kỹ năng thiết yếu đó, cần thêm một số dụng cụ hỗ trợ như kính quan sát dưới nước và bình ôxi.
Điều không kém quan trọng là phải nắm rõ những con nước lên nước xuống, những chỗ nông hay chỗ sâu, cộng với một chút… may mắn.
Khoảng hơn 10 năm trước tàu bè còn qua lại đông đúc nên nghề lặn mò phế liệu rất được chuộng. Những tàu lớn lỡ gặp trục trặc rơi động cơ, chân vịt đều thuê thợ lặn tìm kiếm. Ai mò được thì được trả công, có khi lên đến hàng chục triệu đồng.
Nhiều khi mò lên đãi được cả vàng, có khi bông tai, nhẫn hoặc sợi dây chuyền người ta đánh rơi... Nếu không có ai thuê thì mò phế liệu bán sắt vụn một ngày cũng hơn 200 nghìn đồng... Thời đó phế liệu nhiều nên không sợ đói.
Bởi hồi đó “lộc trời” vô kể nên ở vùng ông bà có đến hàng chục thợ lặn tủa đi khắp các nhánh sông. Những vùng khác cũng vô số thợ lặn đã “đánh dấu” địa bàn. Tuy nhiên đến bây giờ số người sống được với nghề đã không còn nhiều, ngoài ông Khải và một vài người khác . Một phần vì phế liệu đã cạn nguồn thu ít đi, phần vì nhiều người gặp tai nạn. Dần cũng chán nản hoặc sợ hãi phải bỏ nghề.
Trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Tấn Phi (47 tuổi, em trai út của ông Khải) là một dẫn chứng. Anh Phi cũng là một thợ lặn khá chuyên nghiệp, nổi tiếng ở vùng sông nước Xẻo Rô. Khoảng 18 năm trước, anh cùng vợ chèo thuyền đi mò động cơ thuê cho một chủ tàu.
Trời đã chập choạng tối vẫn chưa thấy chồng nổi lên, người vợ đang mang thai 4 tháng vốn chỉ làm nhiệm vụ canh thuyền và ra hiệu khi có thuyền khác chạy sang đã mạo hiểm ôm bình khí lặn xuống đáy sông tìm chồng.
Đến khi vợ chồng cùng nổi lên, người vợ vướng vào chân vịt bị cắt đứt lìa, cụt cả hai chân. “May mà cái thai được cứu. Nhưng 18 năm nay em dâu tui chỉ ngồi một chỗ. Từ đó Phi cũng bỏ nghề chuyển sang làm thợ hồ...”.
Không chỉ vợ chồng anh Phi mà nhiều thợ lặn khác dù chuyên nghiệp nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể gặp phải tai nạn bất ngờ. “Tháng trước tôi một mình đi lặn. Khi vừa trồi lên mặt nước thì một chiếc thuyền chạy tốc độ cao phóng tới. Tôi bị chân vịt cán ngang đầu, bị chấn thương phải đi bệnh viện cấp cứu.
Nằm ở bệnh viện một tháng mới tỉnh. Mọi người ai cũng hú hồn nói may mắn nếu không đã “đi” rồi... Có lẽ lần nào tôi mò được tượng Phật cũng cung kính đưa về nhà thờ phụng nên được “thần linh” phù hộ độ trì”, người đàn ông nói.
Mò phế liệu kiêm vớt xác trôi sông
Ngoài những lần được chủ thuyền hoặc người dân thuê mò trả công, ông Khải còn nổi tiếng cả vùng bởi “ngón” nghề mò xác chết trôi sông. Người đàn ông được ví là “kình ngư” sông Rạch Sỏi cười hào sảng, kể:
“Lần đầu tiên có người tìm đến nhờ mò xác, tui cũng có phần ái ngại, nhưng không nhận lời thì tội người ta. Tội người chết thì ít mà tội người thân còn sống thì nhiều, tui gật đầu. Khi mò được xác, họ trả cho tui 2 triệu tiền công. Tui không nỡ nhận hết mà cũng trả lễ lại một triệu cúng cho vong linh người chết”. Theo ông Khải, đó phong tục để linh hồn người chết nước không “ám” vào thợ lặn.
Ổng Khải tự nhận mình là người “có tay” mò rất giỏi, gần 30 năm trong nghề mò thuê chưa một lần khiến người nhờ phải thất vọng ra về. Đã hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mò xác khó khăn, ông chưa một lần khiến người thân của nạn nhân phải kéo dài thêm nỗi đau buồn.
“Hai năm trước, có cô gái khoảng 20 tuổi gieo mình xuống sông tự tử. Cha mẹ cô gái đó đã thuê hết thợ lặn xa gần đến mò xác suốt hai ngày nhưng không được. Đến ngày thứ 3 họ tìm đến tui. Đáy sông rất sâu, khi tui lặn xuống thì thấy thi thể cô gái kẹt ở giữa hai nhánh của một thân cây lớn bị đất đá đè xuống.
Tui gọi thêm hai người xuống hỗ trợ, nhưng cả hai người đều không thể gỡ được thi thể ra khỏi thân cây, cứ như cô gái bị chết cứ “bám” chặt vào đó. Đến lượt tui vừa chạm vào thi thể đột nhiên như nhẹ hều, chỉ việc nhấc ra và kéo lên... Bởi vậy, giờ ở đây ai cũng gọi tui là “Khải thợ lặn” và “Khải mò xác””, ông nhớ lại.
|
Cả đời cơ cực, căn nhà vẫn rách nát như túp lều. |
Hỏi về những nguy hiểm chực chờ cái nghề bạc bẽo lặn lội suốt một đời vẫn cơ cực, ông nói: “Nghề này vừa nguy hiểm như “giỡn mặt” với Hà bá, sống nay chết mai, lại không đủ ăn, nhưng nếu không làm nó tui biết làm nghề gì.
Giờ tuổi đã cao, chỉ mong ở nhà được an nhàn nhưng nhìn vợ đói, con cháu nheo nhóc, nhà cửa dột nát tui cũng xót, lại phải cởi áo lao đầu xuống sông. Một ngày kiếm được bao nhiêu đó thôi cũng mừng rồi.
Với lại nghề của ông cha truyền lại, gần 30 năm nay cứ như đã là “nợ đời”, mình cũng gắng giữ gìn và truyền cho con cháu, vừa giúp được người ta lỡ khi cần, vừa giúp mình mưu sinh”.