Chuyện tình cô gái Sài Gòn và người lính Ðại Hàn

Google News

Đại Nhật là con lai của một người lính Ðại Hàn với người vợ không cưới của anh tại Việt Nam...

Từ một cái tên

Tôi và Trần Ðại Nhật là chỗ quen biết chủ yếu qua sở thích văn chương. Ðại Nhật là con lai của một người lính Ðại Hàn với người vợ không cưới của anh tại Việt Nam. Cho đến nay Ðại Nhật vẫn chưa tìm được người cha của mình, nhưng nhà văn trẻ này đã giúp nhiều gia đình con lai đoàn tụ bằng công việc tìm kiếm âm thầm của mình.
Chuyen tinh co gai Sai Gon va nguoi linh Ðai Han
 Chia xa từ ngày 29/4/1975, đến ngày 3/4/2017, ông Lee đã tìm thấy vợ mình.
Trong bài viết “Khắc khoải con lai Ðại Hàn” đăng trên báo Tiền Phong vào tháng Ba năm 2015, tôi có đăng tấm ảnh chụp nhà văn Trần Ðại Nhật đang cầm chiếc điện thoại có bức ảnh anh chụp vội một người cha Ðại Hàn vừa đến Việt Nam tìm con. Thời điểm ấy, chúng tôi cũng chỉ biết tên ông ấy là ông Lee và ông muốn tìm một người vợ Việt Nam của mình trước năm 1975 tên là Châu Thị Ðông mà ông ta hoàn toàn không nhớ địa chỉ nữa.

Suốt hai năm trời, Trần Ðại Nhật mang tấm hình người cựu chiến binh Ðại Hàn ấy đến gặp những cựu chiến binh xem họ có biết gì về ông Lee và người vợ của ông hay không? Nhật cũng tới gặp nhiều người vợ của lính Ðại Hàn trước năm 1975, để họ họ xem có biết ai tên là Châu Thị Ðông lấy lính Ðại Hàn hay không? Cuối cùng, nhờ nỗ lực và sự may mắn, nhà văn trẻ này đã được một người vợ lính Ðại Hàn sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết “trước 1975 chị có quen một người con gái tên Ðông ở Sài Gòn, cũng lấy lính Ðại Hàn”.

Nhật đã hỗ trợ kinh phí cho “nguồn tin” quý giá của mình từ Bà Rịa - Vũng Tàu, 4 lần lên TPHCM, để cùng mình đi tìm bà Châu Thị Ðông. Họ tới những nơi trước kia hai người vợ trẻ đã gặp nhau trò chuyện, ở quận 4, vùng ven kênh. Cuối cùng, họ cũng tìm thấy địa chỉ của bà Ðông, nhưng bà đã bán nhà đi ở nơi khác từ lâu. Nhật lại tiếp tục mang tấm hình người lính Ðại Hàn năm xưa đi khắp mọi ngõ ngách tìm bà Ðông cho tới khi thấy bà ở chợ đầu mối Bình Ðiền, trong một căn phòng trọ khoảng 4m2.

Ôm ảnh thờ mà ngủ

Trần Ðại Nhật kể: “Lúc tôi tìm tới đúng khu vực bà Ðông ở, người ta lại bảo ở đây không ai có tên như vậy, chắc vì họ nghĩ tôi tới làm phiền bà. Lúc gặp được bà Ðông, bà còn không hài lòng vì bà không tin rằng tôi đã tìm được chồng cho bà ấy. Tấm ảnh tôi chụp ông Lee, đưa cho bà xem, bà bảo không biết người này là ai và càng không thể nhận một người không quen là chồng được”. Rõ ràng bức ảnh ông Lee sau 42 năm khác rất nhiều so với tấm hình chàng trai trẻ đang được thờ trên bàn thờ cũng có tên Lee!

Thật may mắn, bà Ðông còn giữ được rất nhiều giấy tờ liên quan tới ông Lee, như thẻ ngân hàng mà ông mở cho bà, giấy chứng nhận sống chung giữa bà với một người lính Ðại Hàn tên Lee… những giấy tờ mà sau khi chuyển cho ông Lee thì ông dễ dàng xác nhận bà là vợ của ông.

Bà Châu Thị Ðông kể lại với tôi về cuộc tình của bà như sau: “Tôi quen anh Lee, vì anh rất hiền lành. Gia đình tôi không đồng ý. Vì thương anh ấy, tôi đã quyết lập gia đình và chúng tôi có làm đám cưới, có giấy kết hôn đầy đủ. Sinh được 2 cháu thì chiến tranh kết thúc, anh ấy rời Việt Nam, còn tôi ở lại, không có tin tức gì về nhau”. Tháng Tư năm 1975, người chồng trẻ đã lấy vé máy bay cho vợ con rời Việt Nam, cả nhà đã lên sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng bà Ðông không thể rời bỏ quê hương mình. Bà khóc bế con quay trở về ngôi nhà nhỏ ven kênh. Ông Lee hủy vé, ở lại Việt Nam hai tuần nữa, tiếp tục thuyết phục vợ mình mà không thành công. Sáng 29/4/1975 ông đã một mình rời Việt Nam để lại vợ trẻ và hai đứa con thơ.

Bà Ðông kể: “Tôi nhiều lần lên Hội chữ thập đỏ, nhờ họ tìm kiếm chồng tôi, nhưng không có kết quả gì. Ðến khi con tôi lớn, nó lại lên các hội để tìm cha, mà cũng không tin tức gì. Tôi nghĩ ông ấy đã chết”.

Gia đình đã tìm trong mớ ảnh cũ một tấm hình đẹp nhất của ông Lee, nhờ vẽ truyền thần phóng to làm ảnh thờ. Bà Ðông ở vậy nuôi con, nuôi cháu đến tận bây giờ mà không đi bước nữa. Bà nói rằng: “Tôi thờ ông ấy, mà vẫn muốn tin rằng ông ấy còn sống. Thỉnh thoảng tôi lại quát bảo các con: sao không đi tìm cha, còn đứng đó làm gì. Thế là chúng lại chạy đi hỏi han”.

Nhiều đêm nhớ chồng, bà đã mở tờ giấy hôn thú ra đọc. Ðôi khi, bà lấy tấm ảnh thờ chồng trên bàn thờ xuống, ôm ngủ, tới sáng mai lại đặt lên ban thờ.
Chuyen tinh co gai Sai Gon va nguoi linh Ðai Han-Hinh-2
Người con gái khi nhìn thấy mặt cha. 
Ði gặp mặt cha

Sáng sớm, nhà văn Trần Ðại Nhật thuê một chiếc xe cũ đi xuống chợ đầu mối để đón mẹ con bà Ðông đi gặp ông Lee. Trên xe, ngoài Nhật có tôi và một người bạn văn nghệ làm nghề quay phim nữa. Xe tới chợ đầu mối, thấy gia đình bà Ðông đã ăn mặc chỉnh tề chờ đợi. Lúc này, người băn khoăn nhất vẫn là bà Ðông bởi bà cho biết vẫn chưa nhận ra người đàn ông trong tấm ảnh điện thoại mà chúng tôi mang tới là chồng của bà! Tuy vậy, mọi người vẫn lên đường đến trụ sở Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc tại TPHCM.

Con gái lớn của bà là chị Thùy ngồi trên xe hồi hộp bảo tôi: “Chúng tôi vẫn tin cha tôi còn sống. Tôi và em tôi đã đi tìm không được. Khi có con, lại bảo các con hãy cố gắng học hành mà đi tìm ông”. Xe dừng ở trụ sở Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc, mọi người đi lên phòng khách. Một người đàn ông ngoài 70 tuổi, khuôn mặt điềm đạm và mong chờ đang đợi ở đó và nom ông có mập lên so với lần về Việt Nam tìm kiếm không thành 2 năm trước. Người đàn ông đi đến và ôm bà Ðông. Người chồng lặng im không nói câu gì và người vợ 42 năm trong vòng tay chồng thì đứng im như hóa đá. Ðám con cháu vui vẻ, cười nói, tìm chỗ ngồi và họ không tin vào những gì đang nhìn thấy. Trước mắt họ là người cha, người ông mà họ đã kiếm tìm trong vô vọng.

Một cựu chiến binh làm việc tại Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc tại TPHCM nói rằng: “Ông Lee trước kia là chồng của bà và nay vẫn là chồng của bà”, rồi mời hai người ngồi vào vị trí bàn tiếp khách. Khoảng cách giữa họ là cái bàn và 2 lá cờ của Việt Nam và Hàn Quốc. Người đàn ông vẻ như không thể tin vào cuộc tìm kiếm của mình đã thành công như thế, vì ngoài vợ và hai đứa con, giờ đây ông còn thêm cả các cháu nội ngoại. Ông vươn người cầm lấy tay bà. Giờ đây, bà Ðông đã nhận ra chồng mình, bà cố giấu những giọt nước mắt.

Ông Lee trước đây biết tiếng Việt nhưng 42 năm không dùng nên giờ chỉ biết nói vài câu. Ðứa cháu ngoại đang là sinh viên làm phiên dịch, nó vừa dịch vừa khóc. Người ở Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc không biết nó là cháu vừa tìm được ông, nên nhắc nhở: “Phiên dịch cứ phiên dịch, đừng khóc”. Lúc bấy giờ các con, các cháu, người em vợ cũng đã nức nở. Người đi tìm kiếm giúp họ đoàn tụ là nhà văn Trần Ðại Nhật cũng rưng rưng.

Thì ra, bấy giờ, để chứng minh họ là con cháu của ông Lee, gia đình đã đem ra những kỷ vật 42 năm trước, gồm giấy tờ nhận lương của ông tại Việt Nam, giấy kết hôn. Ngoài ra còn cả chiếc cà vạt ông thường đeo, và chiếc túi xách ông đã mua tặng bà Ðông. Ðứa cháu ngoại nói: “Ông ơi, đây có phải là những thứ của ông không?”. Ông Lee gật đầu, bảo: “Hãy cất hết cả đi, đây là kỷ niệm rất quý, rất cần thiết, tất cả là của chúng ta”. Cúi đầu như nhận lỗi trước vợ con và các cháu, ông nói: “Mọi thứ rất đơn giản, đó là ông đã đi tìm nhiều lần, nhưng không tìm được mẹ của các con, không tìm được bà của các cháu. Bây giờ thì đã tìm thấy rồi”.
Chuyen tinh co gai Sai Gon va nguoi linh Ðai Han-Hinh-3
Bà Ðông giới thiệu những giấy tờ còn giữ được, nhờ tìm ông Lee. 
Ngày mới

Chị Thùy là con gái lớn, vài ngày sau đó gặp lại tôi và nhà văn Ðại Nhật, khi gia đình mời chúng tôi bữa cơm để ông Lee chia tay về nước. Chị Thùy bảo: “Tôi cứ nghĩ cả đời tôi không bao giờ có cha giống như những đứa trẻ khác và đó là thiệt thòi vô cùng lớn, còn con của tôi không có ông ngoại. Sự mất mát 42 năm ấy không thể nào mô tả được. Mẹ tôi thì ngần ấy năm cặm cụi nuôi con, bà làm công nhân may đến lúc về hưu nên tài chính eo hẹp, nhà cửa phải bán đi nuôi con cái. Bây giờ, chúng tôi đã có một gia đình giống như mọi người”.

Chị Thùy tiết lộ là mấy hôm nay, cứ trưa là chị lên gặp bố và cầm tay bố mà nằm ngủ ngon lành như một đứa trẻ. Công việc của chị giờ là bán dầu dừa ở chợ đầu mối. “Ðời sống trong chợ đêm phức tạp lắm, đa số thất bại trắng tay. Tôi lỳ lợm mà sống, nên vẫn còn trụ lại được”. Buôn bán chợ đêm, thức trắng đêm, là chuyện thường. Có khi cầm điện thoại ngủ lúc nào không biết khi điện thoại rơi vào mặt mới tỉnh ra.

Chị Thùy bảo với bố mình: “Nhiều người cứ nghĩ con cái đi tìm cha Hàn Quốc là để nhờ vả, xin tiền. Chúng con không nghĩ vậy. Chúng con vất vả mấy chục năm nay đã quen rồi. Chúng con đọc báo, biết nhiều cựu chiến binh Hàn Quốc sau chiến tranh Việt Nam thì  đời sống cũng vất vả lắm. Chúng con nghĩ rằng nếu bố quay sang Việt Nam, dù cuộc sống khó khăn, nhưng chúng con sẵn sàng nuôi bố, phụng sự bố cho tròn đạo hiếu”. Bà Ðông bảo chúng tôi: “Bây giờ tôi đã nhận ra ông ấy. Nhiều năm đã qua, tuy hình dạng bên ngoài đã nhiều thay đổi, nhưng tính ông ấy vẫn như thế, vẫn rất quan tâm đến mọi người”.

Anh Nam, con trai ông Lee, hiện làm nghề lắp mái che trong chợ, dáng vẻ khắc khổ, bảo: “Nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ có ngày lại gặp bố mình. Khi bố tôi về nước, chị em chúng tôi chỉ mới hai, ba tuổi. Tôi chỉ nghe kể lại là trước khi ông về nước, ông ấy bế chị em chúng tôi trên tay, cứ đi lại bần thần trong sân nhà, rồi quay chúng tôi mấy vòng, nựng chúng tôi, cho đến khi bố tôi lên sân bay mới thôi”. Anh Nam tự tin: “Tôi cũng thường nói với các con là ông nội không bao giờ quên chúng ta”.
Chuyen tinh co gai Sai Gon va nguoi linh Ðai Han-Hinh-4
Gia đình đoàn tụ. 
Lại chia tay

Mọi người đưa ông Lee về thăm nhà ngoại ở bên dòng kênh. Trong ngõ nhỏ, những ngôi nhà cũng nhỏ bé ở quây quần bên nhau trong xóm nghèo, cũng chẳng khác là bao so với hơn 40 năm trước. Chính dưới mái nhà mẹ vợ ấy, hai đứa con ông đã được sinh ra. Sau những ngày phục vụ trong chiến tranh với vai trò thợ máy, cuối tuần ông Lee lại về xóm nhỏ này thăm vợ con.

Bố mẹ vợ ông Lee đã mất và ông chỉ có thể thắp cho họ một nén nhang và trầm ngâm trước những tấm hình với nhận xét: “Tôi nhận ra bố mẹ tôi, vì bố mẹ tôi không thay đổi là bao”. Bà Ðông dẫn người chồng mình đi trong cái ngõ nhỏ, thăm từng nhà từng nhà, như thể tái hiện hình ảnh 42 năm về trước, khi họ còn là một cặp vợ chồng rất trẻ.

“Em đã về đấy à?” - những người bà con của bà Ðông chào ông em rể trở về sau 42 năm biệt tích, như không tin vào mắt mình. Ông Lee nói: “Sau năm 1975, Việt Nam bị cấm vận nên việc đi du lịch tới Việt Nam là rất khó. Những năm gần đây, điều kiện đi lại dễ hơn, đã mấy lần về tìm, nhưng không sao tìm được, vì em chỉ nhớ được một cái tên vợ thôi”.

Nhà văn Trần Ðại Nhật bảo tôi: “Gặp được vợ, con, ông Lee rất mừng nên đã lên tận nhà tôi để cám ơn và tặng tôi tiền, nhưng tôi từ chối. Tôi cũng là con lai Ðại Hàn, đến giờ chưa tìm thấy cha, chưa biết mặt cha mình, nên tôi hiểu tấm lòng mong mỏi được gặp của Thùy, của Nam. Tôi giúp họ tìm cha, để có ngày được làm con như hôm nay thôi”.

Theo nhà văn Trần Ðại Nhật thì chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc có thể hợp tác với nhau để tìm kiếm con lai, bởi những người bố và người mẹ cũng đều đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, chẳng còn mấy sức để đi tìm. “Rất nhiều bà mẹ nhờ tôi tìm bố Ðại Hàn cho những đứa con mà giờ đây chưa tìm thấy, các bà đã chết cả rồi” – Nhật bùi ngùi.

Trần Ðại Nhật đã bỏ hơn 20 năm đi tìm kiếm những người bố Ðại Hàn ở các chân trời góc bể, xuất phát đầu tiên là đi tìm bố cho mình. Mẹ của Ðại Nhật thời chiến tranh buôn bán ở trước một đơn vị quân Ðại Hàn, và để thuận lợi cho việc buôn bán, bà đã sinh 2 người con gái cho một vị chỉ huy. Sau đó, người chỉ huy về nước, thì một người lính của ông ấy lại tới để đặt mối quan hệ vừa tình cảm vừa công việc, và Ðại Nhật là đứa con của mối tình thứ hai. Ðại Nhật kể: “Tôi đã tìm được bố cho hai chị của tôi, nhưng còn bố của tôi đến này chưa tìm được”.

Ông Lee, sau vài ngày ở Việt Nam, đã trở lại Hàn Quốc và hứa với chị Thùy “Bố sẽ sớm quay lại Việt Nam để chăm sóc mẹ và các con ngay khi có thể”. Chị Thùy bảo: “Cuộc đời con lai thời chiến tranh đắng cay, cô độc, hơn 40 năm không một nơi nương dựa, khi khó, muốn kêu một tiếng bố mà không biết bố ở đâu. Bây giờ có bố rồi, không gì mừng hơn. Chỉ mong bố giữ gìn sức khỏe để sống lâu cùng con cháu mà thôi”.

Hôm gia đình bà Ðông đưa ông Lee lên sân bay về nước, Trần Ðại Nhật rủ tôi đi uống cà phê vì mừng cho gia đình bạn Thùy, mà cũng tự dưng buồn cho bản thân. Nhật nói: “Tôi sẽ vẫn đi tìm bố cho tôi, đến khi nào tôi gặp được bố của mình. Chỉ sợ thời gian kiếm tìm dài quá, mà bố tôi nếu còn sống chắc giờ cũng đã ngoài bảy mươi tuổi rồi. Chẳng biết ông ấy có nhớ rằng mình còn một đứa con lai đang ở Việt Nam hay không?”.

4/2017

Nhiều đêm nhớ chồng, bà đã mở tờ giấy hôn thú ra mà đọc. Đôi khi, bà lấy tấm ảnh thờ chồng trên bàn thờ xuống, ôm mà ngủ, tới sáng mai lại đặt lên trên ban thờ.

“Nhiều người cứ nghĩ con cái đi tìm cha Hàn Quốc là để nhờ vả, xin tiền. Chúng con không nghĩ vậy. Chúng con vất vả mấy chục năm nay đã quen rồi. Chúng con đọc báo, biết nhiều cựu chiến binh Hàn Quốc sau chiến tranh Việt Nam thì  đời sống cũng vất vả lắm. Chúng con nghĩ rằng nếu bố quay sang Việt Nam, dù cuộc sống khó khăn, nhưng chúng con sẵn sàng nuôi bố, phụng sự bố cho tròn đạo hiếu”.

Ông Lee cho biết ông đã đi tìm vợ con nhiều năm mà không được, bởi vậy cách đây mười mấy năm ông đã lập gia đình và hiện con ông còn nhỏ. Ông kể: “Trước khi lập gia đình, tôi đã kể hết với vợ tôi về người vợ và hai đứa con đang lưu lạc ở Việt Nam nhưng không tìm được. Vợ tôi rất xúc động và cảm thông với hoàn cảnh chiến tranh ly lạc khiến chúng tôi mỗi người một ngả”.

Chị Thùy tâm sự: “Cha vì không thể tìm được ba mẹ con nên lập gia đình mới, cha rất băn khoăn và thấy có lỗi với chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng đều hiểu tình cảm mà cha đã dành cho vợ con, bởi vậy chúng tôi mới có ngày gặp được nhau hôm nay. Tôi cũng sẵn sàng coi những đứa em cùng cha khác mẹ là những đứa em máu mủ yêu thương của mình”.
Theo Trần Nguyễn Anh/Tiền Phong