“Anh đi nhé, em đừng buồn. Thân xác anh đi rồi, nhưng linh hồn vẫn ở mãi bên em” - vợ liệt sỹ Huỳnh nghe thấy chồng nói trong giấc mơ. Người vợ rụng rời chân tay, đoán rằng có chuyện chẳng lành xảy ra với người chồng đang chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị. Quả nhiên, thời gian sau đó, bà nhận được báo tử của chồng. Điều khác thường là liệt sỹ Huỳnh đã tiên đoán chính cái chết của mình, và viết một bức thư chỉ rõ ràng nơi chôn thi thể của ông.
Lời kể lạ lùng của “người vợ 7 ngày”
Bà Đặng Thị Xơ (68 tuổi, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, Thái Bình) sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa nhỏ bé nhưng gọn gàng. Tài sản lớn nhất của người phụ nữ tóc bạc trắng này là có lẽ là bức di ảnh của người chồng quá cố Lê Văn Huỳnh, cộng với bản phục dựng được đóng lồng kính cẩn thận của lá thư mà liệt sỹ Huỳnh gửi cho bà, đề ngày 11/9/1972, trước lúc liệt sỹ hy sinh 3 tháng 20 ngày (ngày hy sinh 2/1/1973).
Được hỏi về chuyện tình yêu với liệt sỹ Huỳnh, bà Xơ bỗng dưng trở nên ngượng ngùng như phản ứng của thiếu nữ khi đề cập đến người yêu đầu tiên. Theo lời kể của bà Xơ, bà và ông Huỳnh vốn là hàng xóm, lớn lên cùng nhau từ tấm bé.
|
Bà Đặng Thị Xơ. |
Ông Huỳnh thông minh, học giỏi, thi đỗ đại học Xây Dựng. Bà Xơ tâm sự: “Ngày ấy, đỗ đại học là oai lắm, vẻ vang cả làng, cả huyện. Tôi cũng ngưỡng mộ ông ấy lắm, nên khi ông ấy tỏ tình là đồng ý luôn. Gia đình hai bên bao nhiêu lần giục cưới nhưng tôi đều lần lữa vì sợ ảnh hưởng đến việc học hành của ông ấy”.
Tết Dương lịch năm 1972, ông Huỳnh từ Hà Nội trở về thăm nhà và thông báo với bà Xơ: “Anh sắp lên đường nhập ngũ”. Đối với bà Xơ, đó là tin sét đánh ngang tai, song, bà biết rằng không thể thay đổi quyết định của ông. Vậy là họ quyết định cưới nhau trong vài ngày nghỉ ngắn ngủi đó. Một đám cưới nho nhỏ nhưng ấm cúng diễn ra vào ngày 2/1/1972. Sau đám cưới, ông Huỳnh được ở nhà 3 ngày rồi tiếp tục lên trường. Tết Nguyên đán năm đó, ông được nghỉ và về nhà thêm 3 ngày nữa là 6. Trước ngày lên đường nhập ngũ, ông tranh thủ thăm nhà được 1 ngày rồi vĩnh viễn không bao giờ trở về. Tính từ ngày cưới cho đến lúc ông Huynh hy sinh, vợ chồng bà Xơ ở bên nhau trọn vẹn được 7 ngày, 7 đêm.
|
Di ảnh liệt sỹ Lê Văn Huỳnh. |
|
Bản phục chế của “lá thư từ lòng đất” được thờ trang trọng tại nhà bà Xơ. |
Tiếng của bà Xơ vang vọng như tiếng của ký ức: “Lần cuối cùng gặp nhau, ông ấy đã nắm tay tôi mà dặn dò: “Mình là vợ chồng. Anh đi chiến đấu, sau này ngộ nhỡ anh trở về không lành lặn, xin em đừng hắt hủi anh, em nhé”. Tôi nghe mà ứa nước mắt: “Dù anh có thế nào đi chăng nữa, em vẫn là vợ của anh trọn đời”. Nhưng tôi không bao giờ ngờ rằng, ngay cả việc được đón ông ấy trở về, dù không lành lặn, cũng trở thành một ước mơ quá đỗi xa vời. Sau ngày nhập ngũ, ông ấy theo đơn vị vào chiến trường Quảng Trị, chiến trường khốc liệt nhất những năm 1972-1973. Và ông ấy đã mãi mãi nằm lại nơi đó”.
Mãi mấy tháng sau khi ông Huỳnh hi sinh, gia đình mới nhận được báo tử. Song, về phần mình, bà Xơ đã đoán biết về cái chết của chồng đúng ngày ông nằm xuống. Bà dò dẫm: “Chú có tin chuyện tâm linh không? Bản thân tôi nghĩ là có đấy. Đúng hôm 2/1/1973, tôi có một giấc mơ lạ lắm. Tôi mơ thấy ông Huỳnh. Ông ấy mặc quần áo bộ đội, mặt mày lấm lem, đứng cạnh một dòng sông. Tôi hỏi ông ấy: “Ở đâu đẹp thế?”. Ông ấy không nói gì, chỉ buồn rầu nhìn tôi. Ánh mắt ông ấy khác lạ lắm, như thể luyến tiếc, như là xót xa. Mãi rồi ông ấy mới mở miệng: “Chuyến này anh đi là không về nữa. Anh đi, em đừng buồn. Thân xác anh không còn, nhưng linh hồn lúc nào cũng ở bên em”. Nói xong câu đó, ông ấy biến mất. Tôi giật mình choàng tỉnh, mồ hôi vã ra từ đầu đến chân. Tôi còn nhớ rõ, đó là ngày kỷ niệm 1 năm ngày cưới của tôi với ông Huỳnh, và cũng là ngày ông ấy hi sinh theo giấy báo tử”.
|
Chỉ chung sống với chồng 7 ngày, bà Xơ trọn đạo làm vợ suốt 45 năm |
Hành trình tìm mộ nhờ “lá thư trở về từ lòng đất”
Sau Tết Nguyên đán năm 1973, giấy báo tử của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh về đến địa phương. Lo sợ bà Xơ không chịu nổi cú sốc, người chị dâu khi đó đang làm ở xã, đã xin hoãn báo tử 3 tháng. Đến tháng 5/1973, giấy báo tử mới chính thức được gửi về nhà bà Xơ, cùng toàn bộ quân tư trang của liệt sỹ Huỳnh.
“Ban đầu, tôi không biết có lá thư của ông ấy cất trong ba-lô” – bà Xơ cho biết – “Nhận được quân trang của ông ấy, tôi chỉ biết lặng lẽ cất vào trong ngăn tủ, không dám đụng vào vì quá đau đớn. Đến ngày rằm tháng 7 năm đó, mẹ chồng bảo tôi hóa các di vật để ông Huỳnh ra đi mát mẻ. Lúc đó, tôi mới phát hiện bức thư nhàu nát ở đáy ba-lô. Đến ngày hôm nay, cứ mỗi lần nghĩ tới bức thư là tôi lại khóc”.
Bức thư của liệt sỹ Huỳnh viết trước lúc hi sinh có đoạn: “... Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn. Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi...”
|
Bà Xơ kể về những chuyện kỳ lạ xung quanh “lá thư từ lòng đất”. |
Cuộc sống vốn có biết bao điều kỳ lạ, nhưng những điều kỳ lạ như trong bức thư của anh Huỳnh thì thực sự khó có thể nào giải thích được. Tất cả mọi lý giải hôm nay đều chỉ là phỏng đoán. Ngay cả việc ngôi mộ của anh được tìm thấy cũng như một cơ duyên... Trong lá thư của mình, liệt sỹ Huynh viết: “Khi hòa bình lập lại có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn”.
Nghĩ mãi về những dòng này, song, suốt mấy chục năm, bà Xơ chưa có điều kiện đi tìm hài cốt của chồng. Bà chỉ biết rưng rưng nước mắt trước tấm di ảnh của ông Huỳnh mà rằng: “Tôi chỉ có một thân một mình, đường xá không biết, làm sao tìm được ông về?”. Đáp lại bà Xơ chỉ có sự im lặng. Tuy nhiên, sự lặng im đó được thay thế bằng một giọng nói trong giấc mộng của bà Xơ vào một ngày cuối năm 2002: “Bây giờ, người ta đã đưa tôi quy tập bên cạnh 3 người đồng đội. Bà cứ đi vào Quảng Trị, tôi sẽ mách đường cho bà”.
Được mách bảo như vậy, bà Xơ cùng gia đình kiên quyết đi tìm liệt sỹ Huỳnh. Bà Xơ cung cấp: “Chuyện là, sau năm 1975, khi mặt trận đã im tiếng súng, một người phụ nữ tại Quảng trị là bà Nguyễn Thị Ngân trở về làng cũ tại thôn Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, một làng nhỏ ven bờ Bắc sông Thạch Hãn) làm ăn. Thấy trong vườn nhà có 3 ngôi mộ liệt sĩ, có mộ chí khắc bằng tôn, bà Ngân cũng như bất kỳ người dân nào ở vùng này, đã dành công chăm sóc và khói hương chu đáo.
Hoà bình lập lại, đã 2 lần địa phương đến quy tập những ngôi mộ đó về nghĩa trang của tỉnh, nhưng đều không tìm được hài cốt nên chuyện những ngôi mộ cũng dần dần bị quên lãng. Tuy vậy, như có điều gì đó mách bảo, bà Ngân vẫn gom 3 tấm mộ chí bằng tôn đó về một góc vườn để hương khói. Cuối năm 2002, khi tôi và gia đình tìm đến thôn Thượng Phước, không biết ông Trời đun đẩy thế nào, tôi lại bước vào khu vườn nhà bà Ngân. Tại đó, chúng tôi đã tìm được ông Huỳnh, ngay chính tại nền đất mà bao lâu nay ai ai cũng đã tưởng rằng vô vọng... Có người giải thích chuyện này là do những thay đổi của nền đất tại khu vườn; nhưng cũng có người bảo đấy là ông Huỳnh vì đã hẹn nên cố “chờ” tôi đến đón về”.
Minh Hải