Chuyện về ông Sum “ôm” việc

Google News

“Ông Sum “ôm” việc” là cách nói dí dỏm, thân thương của hội viên, nông dân địa phương dành cho ông Võ Văn Sum - Chủ tịch Hội ND xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, Hậu Giang.

Còn ông Sum khi nghe chúng tôi hỏi về việc này chỉ hiền lành trả lời: “Tuy bận rộn với công tác hội, nhưng tôi vẫn tranh thủ để chăm sóc tốt vườn chanh. Mỗi sáng tôi thức từ 5 giờ, dành khoảng 1 giờ đồng hồ để bón phân hoặc tưới nước, buổi trưa và chiều sau khi tan làm việc công tôi cũng dành ra khoảng 1 giờ để thăm vườn”…
Sẵn sàng lặn lội cùng ND
Xuất thân từ gia đình thuần nông, ông Sum thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân. Từ khi được hội viên, nông dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội ND xã, ông Sum luôn trăn trở làm sao để xây dựng được tổ chức Hội vững mạnh, thật sự là chỗ dựa tin cậy cho hội viên, đồng thời giúp nhà nông phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Chuyen ve ong Sum “om” viec
Bên cạnh hình ảnh cán bộ hội nhiệt tình, trách nhiệm, ông Võ Văn Sum - Chủ tịch Hội ND xã Tân Phú Thạnh còn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. ảnh: Chúc Ly 
Vào năm 2013, khi được bầu làm Chủ tịch Hội ND xã, ông Sum đã bắt tay vào công tác với một tinh thần nhiệt huyết cao nhất, không quản ngại khó khăn khi sẵn sàng lặn lội cùng nông dân trên khắp ruộng, vườn. Ông Sum bày tỏ: “Muốn giúp được nông dân, trước hết mình phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và điều kiện sản xuất của họ...”.
Ông Sum chia sẻ thêm: “Tại địa phương, nhiều năm trước, nhà nông phổ biến làm ăn nhỏ lẻ nên thu nhập thấp. Từ những khó khăn đó, đòi hỏi người cán bộ hội phải tận tụy, nhiệt huyết, mà trước hết là tìm ra những mô hình làm ăn phù hợp và hướng dẫn nhiều người biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”…
Từ suy nghĩ, quan điểm nhìn nhận vấn đề như vậy, ông Sum cùng tập thể BCH Hội ND xã Tân Phú Thạnh nỗ lực vừa làm tốt việc chung, vừa tích cực xây dựng mô hình kinh tế, góp phần nâng tiêu chí thu nhập của người dân trong xã đạt trung bình 33 triệu đồng/người/năm…
Nông dân sản xuất giỏi, gương mẫu
Nhận thấy chanh không hạt cũng là loại cây trồng đang cho nguồn thu nhập ổn định so với nhiều cây trồng khác, lại phù hợp thổ nhưỡng địa phương, ông Sum đã cải tạo diện tích đất vườn của gia đình để tập trung chuyển sang trồng toàn bộ chanh không hạt.

Đến nay, Hội ND xã Tân Phú Thạnh đã có gần 1.500 hội viên, có 623 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hội ND xã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt dư nợ 7,4 tỷ đồng, đang giúp 530 hộ vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất

Ông Sum cho hay, hơn 1 năm nay, vườn chanh không hạt của gia đình luôn cho thu nhập gấp cả chục lần so với làm lúa. “Bình quân mỗi tuần, tôi kiếm khoảng 6 triệu đồng từ tiền bán chanh (24 triệu đồng/tháng). Cuộc sống vợ chồng tôi giờ đây khấm khá hơn trước rất nhiều” - ông Sum cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh không hạt, ông Sum cho biết: “Với chanh chính vụ, trồng 200 gốc, sau năm thứ 3, tôi thu hoạch khoảng 24 lần/năm. Còn muốn làm chanh nghịch vụ, trước tiên cần phải tỉa cành, bón phân phá lá rồi mới tiến hành xử lý ra hoa”.
Từ mô hình này của gia đình mình, ông Sum đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kinh nghiệm giúp nhiều hộ khác mạnh dạn đầu tư trồng chanh không hạt. Hiện cả xã Tân Phú Thạnh đã có hơn 100 hộ thực hiện mô hình trồng chanh không hạt. Khi nhà vườn gặp khó khăn, vướng mắc nào về kỹ thuật, ngoài hỏi cán bộ kỹ thuật thì ông Sum cũng là 1 trong những người “thầy” đáng tin cậy.
Theo Chúc Ly/Dân Việt