Là người dân tộc Gia Rai, nữ thiếu tá Ksor Phước Hà cho hay, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên thường không ăn Tết cổ truyền như người Kinh mà chỉ ăn tết theo mùa lúa, mùa rẫy. Sau khi văn hoá người Kinh hoà nhập thì đồng bào có theo và cùng chia sẻ văn hoá với nhau.
Muốn nghỉ phép ăn Tết phải đăng ký trước nửa năm
Phó trưởng Công an thị xã Ayun Pa cho biết, không riêng ngày lễ tết mà tất cả các ngày, lực lượng vũ trang đều không được nghỉ, luôn phải ứng trực gần như 100%. Cán bộ cơ sở, công an địa phương, lực lượng an ninh điều tra thường phải đi địa bàn nắm bắt tình hình.
Theo bà, lực lượng công an đa số là người địa phương, theo chế độ mẫu hệ nên ở nhà vợ gần như quanh năm suốt tháng. Những ngày Tết cũng rất khó để về với gia đình, nếu có thì lãnh đạo chỉ huy sẽ sắp xếp cho anh em được nghỉ bù sau Tết.
Bà Ksor Phước Hà kể, vào đêm Giao thừa, tất cả mọi người tập trung tại đơn vị, lãnh đạo lên chúc Tết, sau đó phát động ra quân luôn, từ lãnh đạo chỉ huy đến chiến sĩ lại đi tuần tra. Ai nghỉ phép cũng phải đăng ký trước đó cả nửa năm, những trường hợp có gia đình ở xa như ngoài Bắc sẽ được tạo điều kiện, nhưng một đội cũng chỉ có 1-2 người.
|
Thiếu tá Ksor Phước Hà - Phó trưởng Công an thị xã Ayun Pa (Gia Lai)
|
Giữ cương vị Phó trưởng Công an thị xã, bà Ksor Phước Hà bày tỏ mình cũng như các chiến sĩ khác, lãnh đạo chỉ huy sẽ chia ra trực mỗi người 1 ngày Tết, thời gian không trực vẫn phải có trách nhiệm đeo bám tình hình mảng phụ trách.
Bản thân phụ trách công tác an ninh, bà phải quán xuyến việc anh em xuống địa bàn, rồi xuống cùng ăn, ở với dân, tiếp xúc với số đối tượng nằm trong diện đặc biệt để hỏi thăm gia đình họ ăn Tết như thế nào.
“Những ngày như vậy là cơ hội cho lực lượng công an gần với dân hơn. Lãnh đạo chỉ huy không khác gì lính, cũng đi địa bàn, cũng sáng hôm chiều tối”, nữ thiếu tá chia sẻ.
Chưa kịp cầm chén rượu Tết lại phải chạy đi
Sinh ra trong gia đình đều làm trinh sát, chồng cũng là trinh sát hình sự, bà Ksor Phước Hà nhớ lại những dịp “ăn không ngon, ngủ không yên” trong những ngày Tết vì thực hiện nhiệm vụ.
Nói là Tết nhưng dường như căn nhà nhỏ của bà luôn đóng cửa vì cả 2 vợ chồng ngoài trực thì đều phải đi quanh địa phương nắm tình hình.
“Lúc ông bà, cha mẹ, bạn bè đến nhà thăm chúc Tết, vợ chồng tôi tranh thủ chạy về. Có lúc đi nửa đường hoặc chưa kịp cầm chén rượu lên lại nghe có tai nạn giao thông hay vụ việc nghiêm trọng là lại phải chạy đi. Có hôm nửa đêm, chưa kịp ngủ đã lại phải dựng nhau dậy để ra hiện trường”, Thiếu tá Ksor Phước Hà nhớ lại.
Thiếu tá Phước Hà bày tỏ, có hôm 2 vợ chồng đều phải trực, con sốt cao phải gửi ông bà hoặc gửi vào làng và cũng chỉ có thể thỉnh thoảng ghé qua xem tình hình chứ ít khi ở lại chăm sóc được.
Chia sẻ về phong tục mẫu hệ của đồng bào dân tộc Gia Rai, bà Phước Hà cho biết, vai trò người phụ nữ gần như quyết định tất cả mọi việc trong gia đình.
“Bây giờ mình sống cuộc sống hiện đại nhưng vẫn ảnh hưởng văn hoá của người Tây Nguyên. Ví dụ nhà có con chó muốn bán, ra giá 50.000 đồng nhưng vẫn phải đợi vợ về mới quyết chứ chồng không bán ngay”, nữ thiếu tá kể.
Cũng vì vậy mà ĐB Phước Hà nhiều khi nghĩ “tại sao cha mẹ không sinh mình ra phận đàn ông cho khoẻ. Đàn ông Tây Nguyên tương đối thảnh thơi vì mọi việc đều vợ lo hết”.
Bà tâm sự: “Chồng tôi là người Kinh, mình ở vị trí trưởng, cũng ảnh hưởng việc sinh ra lớn lên trong gia đình lực lượng vũ trang, vừa có vai trò là trưởng họ nữa nên cũng hơi quyết đoán.
Mình cũng tự gây áp lực cho mình và làm cho người bạn đời có chút áp lực kèm theo, nhưng quan trọng là hiểu và chia sẻ được với nhau".
Theo Thu Hằng - Hương Quỳnh / Vietnamnet