Thu hàng tiền tỷ nhưng lập lờ thu - chi
Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành công văn về việc xác minh, kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về hoạt động của "Câu lạc bộ Tình người".
Theo công văn, thời gian qua dư luận đã phản ánh hoạt động của "Câu lạc bộ Tình người" (Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng, có địa chỉ trụ sở tại tầng 3 - tòa nhà số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có tính chất mê tín dị đoan với nhiều thành viên tham gia.
|
Những buổi sinh hoạt với sự tham gia của hàng trăm thành viên Câu lạc bộ Tình người. Ảnh: Đại đoàn kết.
|
Liên quan đến việc này, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo Công an TP, Sở Văn hóa và Thể thao, các ngành liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung thông tin; xử lý nghiêm việc vi phạm các quy định pháp luật (nếu có), báo cáo kết quả với Thường trực Thành ủy.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cũng đã giao Ban Tôn giáo TP chủ trì, phối hợp Công an TP, UBND quận Cầu Giấy khẩn trương kiểm tra sự việc nêu trên; xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật, báo cáo UBND TP, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo TP.
Đồng thời, tham mưu, đề xuất biện pháp quản lý, báo cáo UBND TP nội dung vượt thẩm quyền.
Trước đó, nhiều hội viên từng tham gia CLB Tình người đã viết đơn tố cáo tập thể gửi tới các cơ quan báo chí, cơ quan công an… về những hành vi, cách thức lừa đảo của CLB Tình người.
Trong đơn tố cáo tập thể, các hội viên cho biết, đơn vị này có rất nhiều biểu hiện không minh bạch, trung thực trong thu chi tài chính, với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.
Cụ thể, tiền chi phí cho hoạt động văn phòng hàng tháng (như điện nước, văn phòng phẩm… được lấy từ sự đóng góp thường xuyên của 300 hội viên (số tiền 2.4 triệu đồng/người/năm); tiền chi phí thuê địa điểm hoạt động (lấy từ tiền lãi gửi ngân hàng bằng tiền gốc đóng góp của hội viên, mỗi người lên tới hàng trăm triệu đồng); tiền đóng góp cho các hoạt động từ thiện (phát tâm các hội viên đóng góp nhưng không công khai tiền đóng góp của mỗi người)…
Ngoài ra, qua việc rao giảng, truyền bá trí tuệ thông qua việc tự in ấn sách, ấn phẩm hướng dẫn tụng kinh, lậy lễ sáng tối… với nội dung mê tín dị đoan, ảnh hưởng không tốt đối với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam; lôi kéo người tham gia nộp tiền để “tạo phúc”, “giải nghiệp”…, số tiền đóng góp của các thành viên từ vài trăm triệu cho đến hàng chục tỷ đồng… không có hóa đơn chứng từ, không được công khai, đưa ra nội quy “làm phúc thì không cần ai biết”, phải tự hóa (đốt) phiếu thu tiền …
Hàng năm, CLB Tình người tổ chức chương trình “Mùa xuân Phúc Đức”; “Trả nợ tháng 7” để hội viên phát tâm “đón duyên”, không công khai, minh bạch khoản tiền hỗ trợ, đóng góp của hội viên; bán đồ thờ cúng với giá hàng trăm triệu đồng…
“Chúng tôi nhận thấy với những hoạt động của CLB tình người với mô hình như một tổ chức bán hàng đa cấp, ngang nhiên hoạt động trá hình với vỏ bọc là các hoạt động từ thiện nhằm trốn tránh pháp luật, lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản rất lớn của hàng chục ngàn thành viên trên khắp cả nước. CLB lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng quá mức để tổ chức lôi kéo rất nhiều người tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan theo mô hình đa cấp tâm linh” – đơn tố cáo viết.
Có thể truy tố hình sự
Theo luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư Hà Nội, tín ngưỡng tâm linh là vấn đề mà hầu hết người dân đều bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Trong xã hội nước ta hiện nay thì cả về mặt pháp luật lẫn thực tế thì mỗi công dân đều có quyền lựa chọn tôn giáo cho mình, lựa chọn tín ngưỡng theo phong tục tập quán của địa phương (chỉ cần không vi phạm pháp luật).
Tuy nhiên, vấn đề mê tín dị đoan lại là điều mà pháp luật cấm. Mê tín dị đoan là có niềm tin vào những thứ nhảm nhí, mơ hồ, không có thật và không phù hợp với quy luật tự nhiên, chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực tâm linh và dẫn tới những hậu quả xấu không chỉ đối với cá nhân, gia đình mà còn lan ra cả cộng đồng về thời gian, tài sản, sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm tới cả tính mạng con người.
Mê tín dị đoan thì bao gồm một số hành vi như: ông đồng, bà cốt, có niềm tin thái quá vào bói quẻ, coi tay xem tướng, tin vào ngày lành tháng dữ và kiêng kỵ đủ thứ vào những ngày này, tin vào số mạng sang hèn, tin vào cúng sao giải hạn, cúng kem, tin rằng việc cầu cúng sẽ tai qua nạn khỏi, chữa được bệnh tật, tin vào thầy bùa thầy chú…
Trường hợp xác định CLB Tình người có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì vi phạm quy định về nếp sống văn hóa được quy định như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi. Ngoài ra còn có thể phải chịu TNHS về tội Hành nghề mê tín dị đoan theo quy định tại Điều 320 BLHS.
Điều 320 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Luật sư Tùng cũng cho biết, trường hợp lợi dụng tâm lý sùng bái của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể phải chịu TNHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Thâm nhập cơ sở chữa COVID-19 lừa đảo bằng phương pháp mê tín
Hiểu Lam