Trước đó, ngày 16/5, mạng xã hội lan truyền đoạn video ngắn với nội dung 2 người được cho là 2 cô gái trẻ "tắm" ở Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bên trên bờ là thanh niên áo đen, cạnh đó có người đàn ông lớn tuổi ngồi nghỉ ngơi ở ghế đá. Hình ảnh phản cảm trên khiến dư luận phẫn nộ và đề nghị cơ quan chức năng có hình thức xử lý.
|
Hình ảnh cắt từ clip lan truyền trên mạng xã hội. |
Một lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, hình ảnh được đăng tải trên có thể là sản phẩm cắt ghép. “Khu vực được cho có sự việc nằm gần nhà hàng Thủy Tạ (đường Lê Thái Tổ), mực nước sâu khoảng 2m nhưng clip mực nước chỉ dâng ngang người 2 thiếu nữ là vô lý. Trong khi đó, nhân viên nhà vệ sinh và bảo vệ khu vực bờ hồ cũng không nhận được thông tin có người tắm tại đây”, người này thông tin với báo chí và cho biết, quận đang đề nghị Công an TP Hà Nội vào cuộc xác minh đối tượng đăng tải clip trên.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hình ảnh sự việc trên là phản cảm khiến dư luận bức xúc. Do đó, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu hình ảnh trong clip là cách ghép, đưa tin sai sự thật để câu like trên mạng xã hội, người đưa thông tin sai sự thật có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức xử phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp sự việc hai cô gái “tắm tiên” là có thật thì hành vi của hai người này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5, điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức phạt có thể tới 8.000.000 đồng nếu hành vi được xác định là có hành vi "khiêu dâm, kích dục nơi công cộng".
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hiện trường Hồ Gươm để xác định xem có người tắm hay không? Nếu có thì đó là ai, động cơ mục đích của việc tắm hồ là gì?.
“Hiện nay đang là mùa hè, nước hồ không trong, thậm chí có mùi khó chịu. Rất hiếm khả năng lại có người nhảy xuống Hồ Gươm tắm vào mùa này, trừ trường hợp những người không bình thường. Hơn nữa, với độ sâu của hồ như vậy mà trong hình ảnh thấy 2 người chỉ đứng đến ngực. Do đó có dấu hiệu là ảnh ghép”, luật sư Cường nêu ý kiến.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. |
Cơ quan chức năng cũng có thể truy tìm nguồn gốc bức ảnh đó từ các tài khoản facebook để xác minh làm rõ nguồn gốc bức ảnh, mục đích của người đăng ảnh và tính trung thực của bức ảnh này. Trường hợp là bức ảnh cách ghép giả mạo để câu like thì sẽ đánh giá tính chất, sự tác động của hành vi này đối với xã hội để xem xét có xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ nhắc nhở.
“Nếu hình ảnh được xác định chưa đến mức phản cảm, không có mục đích khiêu dâm, kích dục, thể hiện hành vi có tính chất dâm ô hoặc có những mục đích phi nhân đạo khác, có thể nhắc nhở là được, yêu cầu người đã đăng ảnh gỡ ảnh và cam kết không vi phạm. Còn trường hợp việc cắt ghép là sai sự thật nhằm vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác hoặc hình ảnh có tính chất dâm ô, đồi trụy, trái thuần phong mỹ tục thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”, luật sư Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video “Tắm tiên” trong ngôi mộ xông hơi kỳ quái nhất hành tinh
Hải Ninh