Cô đồng bổ cau bị tố nhận số tiền lớn làm lễ…kết cục thế nào?

Google News

Nếu cô đồng Trương Thị Hương đưa ra thông tin là có thể chữa được bệnh bằng cách cúng bái, đây là hành vi gian dối bởi người này không có chức năng khám chữa bệnh.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về việc Công an thị xã Kinh Môn đang xác minh đơn trình báo cô đồng bổ cau Trương Thị Hương bị tố nhận số tiền lớn của một số người để làm lễ, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo nội dung trình báo của một số người, nếu cô đồng Trương Thị Hương đưa ra thông tin là có thể chữa được bệnh bằng cách cúng bái, đây là hành vi gian dối bởi người này không có chức năng khám chữa bệnh theo quy định pháp luật.
Nếu gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, hành vi có dấu hiệu tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự. Bởi vậy, khi nạn nhân có đơn trình báo tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Co dong bo cau bi to nhan so tien lon lam le…ket cuc the nao?
Trương Thị Hương từng bị Công an thị xã Kinh Môn xử phạt cách đây không lâu.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh làm rõ nội dung tin báo. Thời hạn xác minh tin báo là 20 ngày, nếu vụ việc phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá hai tháng.
Nếu có căn cứ cho thấy cô đồng đã đưa thông tin sai sự thật về khả năng chữa bệnh bằng cúng bái để chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người phụ nữ này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự.
Hành vi bói toán, đồng cốt, tử vi, tướng số là hành vi mê tín dị đoan. Nếu hành vi bói toán, tướng số khiến cho người khác sợ hãi, lo lắng mà phải chi phí tiền, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan khiến cho người khác sợ hãi để phải trao tài sản cho thầy bói, thầy cúng, đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản, người thực hiện các hoạt động để đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự theo điều 170 Bộ luật Hình sự. Trường hợp có căn cứ cho thấy cô đồng này đã đưa thông tin sai sự thật khiến cho nạn nhân tin tưởng rồi đưa tiền để cúng lễ nhằm mục đích giải hạn, chữa bệnh thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hành vi có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì sẽ xử lý hình sự theo điều 174 Bộ luật Hình sự.
Theo giáo lý của đạo Phật, không có nội dung nào ghi nhận về cúng giải hạn. Vận hạn của con người theo quan điểm của đạo Phật là do trong quá khứ tích đức hành Thiện hay làm điều ác mà ra. Để bớt đi vận hạn, giải pháp không phải là cúng lễ mà là làm việc tốt, việc thiện... biết nhận ra sai lầm của mình để sửa sai, đó là tu, là sửa bản thân mình, cố gắng hoàn thiện bản thân mình để có những điều tốt đẹp.
Do đó, các hoạt động cúng giải hạn là hoạt động mê tín dị đoan, có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. 
Thông thường những người hành nghề mê tín dị đoan thường nói dựa, nắm bắt tâm lý của nạn nhân để đưa ra những tin bịa đặt, xuyên tạc khiến cho nạn nhân sợ hãi, sau đó lại tìm cách động viên, yêu cầu nộp tiền làm lễ
Nếu các cô đồng, thầy bói cho rằng việc cúng lễ, đặt tiền có thể chữa được bệnh, đây rõ ràng là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Khám chữa bệnh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ có những người được đào tạo, có chứng chỉ hành nghề mới được phép thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh. Hoạt động khám chữa bệnh bằng cách cúng lễ là hoạt động mê tín dị đoan và có thể là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nếu hành vi lợi dụng cúng lễ để chiếm đoạt tài sản). bởi vậy cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ để xử lý đối với những người đã lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi như vậy.
Trong xã hội ngày nay nhiều người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, mê muội nên đã cả tin, tin theo lời bịa đặt rồi nộp tiền cho những cô đồng, thầy bói. Sau khi nhận tiền, những người hành nghề mê tín dị đoan này tiếp tục nắm bắt tâm lý để làm cho nạn nhân tin tưởng là đã bình an do vừa cúng lễ, rồi từng bước không chế tinh thần, tiếp tục những lần khác.
Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tâm lý, gây thiệt hại đến tài sản của công dân. Và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn.
Trước đó, đại diện Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết, đã vào cuộc xác minh sau khi tiếp nhận đơn trình báo của một số người về việc "đưa tiền" cho “cô đồng” Trương Thị Hương (SN 1986, trú phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) để làm lễ.
“Hiện đơn vị đã nhanh chóng vào cuộc xác minh tin báo. Quá trình xử lý, nếu đủ tài liệu chứng cứ theo quy định pháp luật, Công an thị xã Kinh Môn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can và các biện pháp tiếp theo”, đại diện Công an thị xã Kinh Môn thông tin.
Trước đó, Công an thị xã Kinh Môn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trương Thị Hương về hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đồng thời yêu cầu người này gỡ bỏ toàn bộ những video đã đăng tải trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, sau khi cô đồng Trương Thị Hương bị xử phạt, Công an Thị xã Kinh Môn đã nhận được đơn trình báo của một số người về việc đưa tiền cho cô đồng này làm lễ như trường hợp bà Nguyễn Thị Lăng (68 tuổi, phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) – người từng đưa 65 triệu đồng cho cô đồng để làm đàn lễ cho con trai bị ung thư hạch giai đoạn cuối. Cô đồng này hứa sẽ kéo dài tuổi thọ cho con bà thêm được 3 năm nhưng khi làm lễ được 3 ngày, con bà đã qua đời, không hề đúng như "cô đồng" Hương đã hứa. Không chỉ bà Lăng, một số người khác cũng cho biết họ là nạn nhân của cô đồng và đã có đơn trình báo đến cơ quan công an.

Bà Trương Thị Hương nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều clip xem bói bổ cau. Những clip của người này cho thấy có nhiều người đến xem bói, thậm chí có những người phải chờ 4-5 ngày mới tới lượt. Clip liên quan cô đồng Trương Thị Hương thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội. Những câu nói của người phụ nữ này khá chung chung. Sau mỗi câu hỏi, người này thường nói kèm "đúng nhận, sai cãi". Nhiều người xem cho rằng đây là biểu hiện của mê tín dị đoan và lo ngại việc lan truyền mê tín dị đoan trên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

>>> Mời độc giả xem thêm video Mê tín dị đoan, tiền mất tật mang và câu chuyện Vợ hạ sát Chồng tại Đồng Tháp

Nguồn: STV

Hải Ninh