Vụ việc 39 người tử vong trong container tại hạt Essex, ngoại ô London, Anh, nghi có nạn nhân là người Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Thời điểm này, dù chưa xác minh được nạn nhân có phải là người Việt Nam hay không nhưng qua các trường hợp báo tin mất tích có thể khẳng định, nhiều người đã đi sang Anh bằng con đường bất hợp pháp với số tiền chi phí lên đến gần 1 tỷ đồng.
Cụ thể mới đây, ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, mới đây, một người môi giới đi xuất khẩu đã trả lại số tiền hơn 1 tỷ đồng cho gia đình em T.T.N. (SN 2000) sau khi biết em N. mất tích trùng thời điểm xảy ra vụ phát hiện 39 thi thể trong thùng container ở Anh. Tuy nhiên, hiện người này tắt điện thoại, không thể liên lạc được.
|
Cảnh sát Essex cho di dời chiếc xe container khỏi hiện trường ở khu công nghiệp Waterglade tới cảng Tilbury gần đó để đưa các thi thể ra khỏi thùng xe phục vụ khám nghiệm tử thi. Ảnh: EPA |
Liên quan vụ việc trên, dư luận đặt câu hỏi, với trường hợp như của em N., đối tượng môi giới đến nhà trả lại 47.000 USD..., dù đối tượng này đã tắt điện thoại nhưng có thể là mắt xích để truy ra bọn đưa người đi di cư trái phép hay không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Bộ Công an đã vào cuộc để làm cho rõ các đối tượng môi giới, đưa người đi di cư trái phép. Đại biểu Hòa tin rằng, Bộ Công an sẽ làm cho ra lẽ các đối tượng, đường dây đưa người đi di cư trái phép trên.
“Nếu các đối tượng là người Việt Nam phải truy tận cùng để bắt các đối tượng này, xử lý nghiêm theo quy định. Thậm chí, Việt Nam cần liên hệ các tổ chức trên thế giới để phá cho bằng được đường dây đưa người đi di cư trái phép xuyên quốc gia để truy bắt, xử lý các đối tượng trên”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, những người tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc công dân Việt Nam trốn đi nước ngoài trái phép thông thường sẽ có sự tiếp tay, môi giới của các đối tượng là người Việt Nam. Bởi vậy gia đình các nạn nhân cũng cần trình báo sự việc cho cơ quan công an để xác minh làm rõ nhóm đối tượng nào đã thực hiện hành vi môi giới, tổ chức cho những công dân Việt Nam vượt biên sang nước ngoài trái phép. Việc đối tượng môi giới mang trả lại tiền cho gia đình em N. cũng là một manh mối để điều tra.
Trong trường hợp có đủ căn cứ xác định đối tượng đã tổ chức, môi giới cho người khác đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì cơ quan an ninh điều tra công an Việt Nam có thể phối hợp với cảnh sát của nước Anh để xem xét xử lý những người vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước sở tại.
Nếu bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam tại điều 349 Bộ luật hình sự thì các đối tượng môi giới, tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép có phải bị phạt đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 349 bộ luật hình sự (nếu hậu quả là làm chết người, thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc đối với 11 người trở lên).
Ngoài ra đối tượng thực hiện hành vi phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại, Bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy những nạn nhân trong vụ việc này là nạn nhân của hoạt động mua bán người thì những đối tượng mua bán người sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những đối tượng thực hiện hành vi mua bán người sẽ bị xử lý hình sự theo điều 150, Bộ Luật hình sự 2015 về tội mua bán người với mức án từ 5 đến 20 năm tù.
“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong trong số đối tượng tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép, môi giới người khác đi nước ngoài trái phép có đối tượng nào có hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội mua bán người hay không. Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội mua bán người thì sẽ xử lý về tội danh này với mức hình phạt có thể lên đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 150 Bộ luật hình sự” - luật sư Cường cho hay.
Khởi tố vụ án tổ chức, môi giới người trốn đi nước ngoài
Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Trao đổi với báo chí, đại tá Nguyễn Tiến Nam, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án hình sự Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh. “Hiện mới chỉ khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can. Chúng tôi đang điều tra làm rõ thêm”, đại tá Nam nói.
Việc khởi tố vụ án trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra trong bối cảnh ngày 23/10, cảnh sát Anh phát hiện 39 người tử vong trong container nhập cảnh vào nước này ở hạt Essex, gần thủ đô London. Sau khi xuất hiện thông tin có thể có người Việt Nam trong số 39 nạn nhân, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán tại Anh làm việc với cảnh sát để xác minh quốc tịch các nạn nhân. Nhiều ngày liên tiếp sau đó, cơ quan chức năng ghi nhận 18 gia đình ở Nghệ An và 10 trường hợp khác tại Hà Tĩnh trình báo mất liên lạc với người thân khi họ qua Anh.
Hải Ninh