Vụ việc chị Trần Ngọc Bích (44 tuổi), ngụ huyện Long Khánh, Đồng Nai, bị đánh phải nhập viện khi phản ứng lại giá mua đặc sản dâu quá cao so với giá đã được chào bán vào ngày 31/5 đang được Công an phường 8, TP Đà Lạt xử lý.
Đây không phải là lần đầu tiên khách đến Đà Lạt bị cò du lịch lừa mua đặc sản và bị hành hung.
Tài xế xe khách cũng “sập bẫy”!
Anh Nguyễn Phúc, chủ một nhà xe du lịch ở huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu, kể: Trước đó anh đưa 18 du khách đi tham quan TP Đà Lạt. Trên đường, anh ghé xe lại một quán bán đặc sản Đà Lạt trên đường Nguyên Tử Lực (phường 8, TP Đà Lạt) để du khách mua đặc sản. Chị chủ quán giới thiệu đặc sản Đà Lạt trong tiệm rồi xin vài phút để tư vấn và cho người đưa khách đi tham quan, mua dâu tại vườn giá chỉ 40.000 đồng/kg với điều kiện khách hàng phải mua hàng tại tiệm.
Nhiều người đã mua đặc sản của chị chủ quán. Sau khi du khách mua hàng xong, chị chủ quán cho hai chú nhóc trạc 14-15 tuổi đi xe máy đưa khách đi tham quan vườn dâu. Tuy nhiên, sau khi đi lòng vòng một hồi, hai chú nhóc ghé trước một vườn… rau xà lách với một khoảnh đất trồng dâu, sau đó cho mô tô lao đi mất, bỏ mặc đoàn khách.
“Oái oăm chưa dừng lại ở đây. Bà chủ vườn rau xà lách thấy chúng tôi bước vào vườn đã chửi đổng lên rồi xua đuổi chúng tôi. Bà cho biết mấy hôm nay đã bất đắc dĩ tiếp nhiều đoàn như thế này. Sau khi định thần, chúng tôi mới hiểu ra đây là khoảnh dâu của bà chứ không liên quan gì đến chị chủ quán đặc sản cả. Họ chỉ lừa khách để bán được hàng” - anh Phúc bức xúc.
Cũng với chiêu lừa này khiến anh Nguyễn Ngọc Điệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho tới giờ vẫn chưa nguôi cơn giận. Theo anh Điệp, trong đợt đưa vợ con lên Đà Lạt thăm bà con mới đây, đang lúc vợ chồng rảo bộ, có một thanh niên chạy xe ôm tới mời đi tham quan vườn dâu miễn phí trên đường Nguyên Tử Lực, nếu mua giá dâu tại vườn chỉ 40.000 đồng/kg. Trước sự nhiệt tình của anh ta, vợ chồng anh vui vẻ đi theo.
“Anh ta đưa vợ chồng tôi đến cửa hàng bán “đặc sản” trên đường Nguyên Tử Lực. Tại đây chúng tôi được chào mua hàng. Sau khi mua xong, chủ cửa hàng chỉ vườn dâu tây cho chúng tôi tham quan. Thực ra có vườn dâu nào của họ hay liên kết làm ăn với họ đâu. Họ cứ chỉ đại vườn dâu và chúng tôi cứ đi tìm, thậm chí phải trả tiền phí cho người dẫn đường” - anh Điệp bực dọc.
|
Trang trại của người dân nhưng được “cò du lịch” Đà Lạt tự giới thiệu là của mình. Sau khi bẫy được khách mua hàng, họ chở đến bỏ đại rồi đi, mặc cho khách bị chủ chửi. Ảnh: CAO DIÊN |
|
Khách đi xe mang biển số Lâm Đồng cũng bị “cò du lịch” tới làm phiền. Ảnh: CAO DIÊN |
Chính quyền ra tay, “cò” vẫn lộng hành
Tại Văn bản số 2490 ngày 26-4-2017 về việc “tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm nạn “cò du lịch” trên địa bàn”, UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay “cò du lịch” đã sử dụng các biện pháp bạo lực, đe dọa các lái xe du lịch, hướng dẫn viên du lịch và du khách; bắt họ phải vào mua sắm, sử dụng dịch vụ tại một số địa chỉ trên địa bàn, đặc biệt là các cửa hàng mua sắm đặc sản Đà Lạt, cơ sở mang tên “lò mứt”, “vườn dâu”… Những hành vi của “cò du lịch” đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, an toàn tính mạng của du khách; làm suy giảm hình ảnh, uy tín, thương hiệu du lịch Đà Lạt.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, Sở VH-TT&DL, Sở Công Thương và UBND các huyện, TP khẩn trương vào cuộc dẹp nạn “cò”. Thế nhưng tình trạng cò du lịch lừa du khách, làm xấu hình ảnh Đà Lạt vẫn tiếp diễn, điển hình là vụ du khách tên Bích bị đánh vào ngày 31-5 vừa qua.
Trao đổi với/Pháp Luật TP.HCM ngày 2/6, ông Hoàng Ngọc Huy, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch về chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch, đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách.
Những ngày tới Sở sẽ có kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan để làm việc quyết liệt, siết chặt việc quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm đối với nạn “cò du lịch” để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho du khách. Mục đích là kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm, tạo môi trường du lịch đáng tin cậy cho du khách.
Rất mong chính quyền sở tại có biện pháp mạnh dẹp vấn nạn trên để thương hiệu “Người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách” mà tỉnh đã dày công xây dựng không mất đi trong mắt du khách thập phương.
Sáng 2/6, ông Hồ Hải Dương, Đội trưởng Đội Hình sự Công an TP Đà Lạt, cho biết đơn vị đã hoàn tất các thủ tục để ra quyết định xử phạt hành chính đối với vợ chồng chủ và nhân viên của cơ sở mứt-vườn dâu đặc sản Đà Lạt Băng Như và một nhân viên vì đã đánh du khách.
Đến nay bà Trần Ngọc Bích (44 tuổi, ở Đồng Nai), nạn nhân bị hành hung trong vụ việc, sức khỏe đã ổn định, chỉ bị chấn thương phần mềm nhẹ. Nữ du khách này có đơn đề nghị không giám định thương tật.
Theo Cao Diễn/PLO