Nhiều người quan tâm đến phái nữ vì muốn thêm ..."vợ bé, bồ nhí"
Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 9/11 về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu bình đẳng giới, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cho rằng, còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy Đảng ở các địa phương có những biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ, vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí.
“Chúng tôi xin có một số ý kiến, tức là Báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, một số địa phương bộ, ngành, nhất là người đứng đầu còn chưa thực chất và tư tưởng trọng nam hơn nữ còn hẹp hòi ở trong một bộ phận lãnh đạo.
|
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: quochoi.vn
|
Vấn đề này đã có một số các đại biểu đã nói điều này, tạo ra những rào cản không nhỏ cho phụ nữ nhưng trên thực tế chúng ta đã thấy thời gian vừa qua dư luận, báo chí và cử tri rất băn khoăn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy Đảng ở các địa phương có những biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ, vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có, nên chỉ đạo cấp dưới đưa vào quy hoạch bổ nhiệm "hot girl, siêu tốc" vào vị trí quản lý lãnh đạo ở các địa phương mà như báo chí đã nêu đưa tin”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho biết.
“Không cần nói ra thì chắc là tất cả chúng ta đều biết điều này, nếu Chính phủ, Quốc hội không quan tâm thấu đáo, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp không xử lý nghiêm minh thì sẽ trở thành một tiền lệ rất nguy hiểm, dẫn đến vi phạm pháp luật, coi thường phụ nữ, coi phụ nữ chỉ để đáp ứng những dục vọng tầm thường của mình.
Vô hình chung tạo ra một lối sống thiếu lành mạnh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chị em phụ nữ trẻ nói riêng, dẫn đến sự bất an, lo sợ cho chính chị em, gây bất bình dư luận xã hội.
Ví dụ như trường hợp ở Thanh Hóa đến bây giờ chúng tôi cũng không biết là cô gái trẻ ấy đã đi đâu, đây không biết là quan tâm, tạo thuận lợi hay là hại chị em phụ nữ, cho nên đề nghị Chính phủ phải quan tâm, đánh giá”, ĐB Khánh nêu ý kiến.
Cũng theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, báo cáo của Chính phủ còn chưa phản ánh được hết những kết quả tốt đẹp mà Chính phủ, các bộ, ngành anh em nam giới đã và đang chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trên các lĩnh vực.
“Tôi nghĩ có được tỷ lệ cán bộ nữ ở các cấp dù còn ít ỏi hôm nay cũng có vai trò sự ủng hộ của các anh em nam giới”, ĐB Khánh cho hay.
Vẫn còn tình trạng bất bình đẳng và phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) thì cho rằng, một thực tế là tình trạng bất bình đẳng vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực, tồn tại dưới một số hình thức khác nhau, thể hiện trên một số lĩnh vực xã hội quan trọng, phụ nữ vẫn chịu nhiều gánh nặng trong thu nhập, phân biệt đối xử.
“Một trong những vấn đề bất bình đẳng giới là sự tham gia của phụ nữ trong cơ cấu tổ chức quản lý xã hội còn hạn chế, theo đó tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý lãnh đạo còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Mặc dù tỷ lệ này tăng nhẹ qua các năm, song chưa ổn định, vẫn còn ở mức thấp.
Trong kinh tế, ở một số nơi vấn đề chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn diễn ra, cơ hội để phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao vẫn thấp so với nam giới, lao động nữ chưa được đánh giá cao, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Đặc biệt, tình trạng bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra ở một số nơi...”, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu ý kiến.
ĐB Thạch Phước Bình cũng cho rằng, có nhiều khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới như tỷ lệ sinh chênh lệch giữa nam và nữ đã khiến mất chênh lệch giới trong độ tuổi lao động tăng, còn một bộ phận nữ giới chưa nhận thức được đầy đủ về quyền được bình đẳng của mình, chấp nhận chịu bạo hành, chịu phân biệt đối xử một cách hiển nhiên...
Có những nơi còn phát thẻ cho công nhân đi vệ sinh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội - Đào Ngọc Dung đánh giá, với một lực lượng trên 50% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam đã có mặt ở khắp mọi lĩnh vực, địa bàn và chủ động tham gia hoạt động đời sống xã hội, thực hiện tốt các chương trình, chính sách pháp luật của nhà nước, đồng thời còn làm tốt vai trò của người mẹ, người vợ.
“Định kiến về giới còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức cuộc sống do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo và tập tục phong kiến lạc hậu từ lâu đời, nhưng chúng ta khẳng định rằng, công tác bình đẳng giới thời gian vừa qua cũng đã thu được những kết quả cần phải khẳng định và rất đáng khích lệ”, Bộ trưởng Dung cho biết.
|
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh VGP |
Về công tác quản lý nhà nước, hướng tới tạo hành lang pháp lý và cơ hội để các đối tượng phụ nữ Việt Nam được trải nghiệm và phát huy thực chất hơn, có hiệu quả hơn trong chương trình quốc gia, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho rằng:
“Chúng tôi xin nhấn mạnh 3 đối tượng cơ bản, trước hết đối với phụ nữ nói chung, Chính phủ hướng tới tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chị em nhất là khu vực nông thôn tham gia vào 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các lĩnh vực lao động phi chính thức có hiệu quả giúp nhau giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nói không với bạo lực, không xâm hại và không để phụ nữ lùi lại phía sau”.
Về các ý kiến sa thải lao động trong doanh nghiệp FDI nhất là phụ nữ sau 35 tuổi, Bộ trưởng Dung cho biết: “Đây là vấn đề lớn cần phải hết sức cẩn trọng trong đánh giá. Trong phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng 9, Chính phủ đã báo cáo với Thường vụ vấn đề này và Chính phủ đã cùng với Ủy ban vấn đề xã hội lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát. Thủ tướng Chính phủ ngay từ khi nhận nhiệm vụ Thủ tướng cũng đã dành thời gian để đối thoại với công nhân, trực tiếp thăm công nhân, thăm khu nhà ở công nhân và cách đây một tháng Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra những nơi công nhân ở, ăn, thăm các nơi các cháu học hành, thị sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng vấn đề này”.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, còn một số nơi vừa qua có những việc chưa tốt, thậm chí có những nơi còn phát thẻ cho công nhân đi vệ sinh, 100 người trong buổi sáng chỉ có 3 thẻ, tranh nhau đi vệ sinh.
“Những vấn đề này, Chính phủ đã cho tiến hành kiểm tra, thậm chí là xử phạt những doanh nghiệp này. Có những nơi nếu tiếp tục diễn ra cần thiết phải có những giải pháp can thiệp về mặt chính quyền”.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Dung, con số như đại biểu và báo chí gần đây nêu, 80% người lao động và một số doanh nghiệp FDI bị sa thải, con số này không đúng thực chất.
“Con số thất nghiệp chúng ta giải quyết bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng đầu năm 2017 là 523.888 người, trong đó nữ là 293.681 người. Riêng khu vực FDI nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có 12% số lao động nằm ở trong FDI. Như vậy, nếu đánh giá 80% doanh nghiệp FBI khu vực này sa thải hay vì nhiều lý do để công nhân không có việc làm và không ổn định, tôi cho rằng cũng cần cẩn trọng để đánh giá cho đầy đủ, nếu không cũng rất ảnh hưởng lớn đến khu vực này”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết.
Hải Ninh