Có xử hình sự tài xế ngủ gật lái ôtô lao vào đám tang?

Google News

Vụ tài xế ngủ gật mất lái tông sập rạp đám tang tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An khiến nhiều người bị thương đang gây xôn xao dư luận. Tài xế bị xử lý thế nào?

Ngày 13/10, Công an huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đã hoàn tất công tác lấy lời khai của tài xế Nguyễn Hữu Lâm, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ lao xe vào đám tang ở tổ 6, KP4, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An khiến 5 người bị thương.
Co xu hinh su tai xe ngu gat lai oto lao vao dam tang?
Hiện trường vụ tai nạn. 
Trước đó, khoảng 20h30 tối 11/10, ô tô 4 chỗ màu trắng BKS 51A-64858 do tài xế Nguyễn Hữu Lâm (SN 1977, ngụ Bình Thạnh, TP HCM) điều khiển lưu thông trên tuyến lộ liên huyện Đức Huệ - Đức Hòa từ hướng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ đi huyện Đức Hòa, Long An. Khi đến đoạn ấp xã 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An, xe ô tô lao vào rạp đám tang của một nhà dân nằm ven đường. Vụ việc khiến 5 người bị thương.
Tài xế Lâm được test nhanh và không phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Lâm khai nhận khi chạy xe trên đường tỉnh 838 từ hướng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Đức Huệ) đi huyện Đức Hòa, đến đoạn trên thì ngủ gật, không kiểm soát được tay lái để xe chạy sang phần đường ngược chiều tông vào rạp đám tang.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, để tránh tình trạng ngủ gật của các tài xế lái xe, Khoản 1 Điều 65 Luật giao thông đường bộ quy định: “Không được lái xe quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng lái xe gây tai nạn do ngủ gật vẫn diễn ra liên tục. Ngủ gật ở đây không được coi là căn cứ loại trừ trách nhiệm hay cho rằng đó là yếu tố khách quan.
Co xu hinh su tai xe ngu gat lai oto lao vao dam tang?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Cần xác định hành vi ngủ gật được coi là sự bất cẩn, không có ý thức tuân thủ giao thông, tự đẩy mình vào tình huống gây ra nguy hiểm cho người điều khiển giao thông. Người ngủ gật phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình dẫn đến việc không điều khiển được phương tiện giao thông, làm chủ tốc độ gây ra tai nạn giao thông. Tùy vào mức độ, hành vi, hậu quả sẽ có mức xử lý phù hợp.
Nếu hậu quả đủ căn cứ khởi tố hình sự thì với hành vi ngủ gật khi đang lái xe dẫn đến người bị thương thì người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổ, bổ sung năm 2017.
Luật sư Hùng cho hay, như vậy, tùy vào tỷ lệ tổn thương, tài xế gây tai nạn sẽ chịu các mức hình phạt tương ứng theo quy định tại Điều luật này. Tuy nhiên, việc ấn định mức phạt cũng sẽ được giảm nhẹ khi có các tình tiết giảm nhẹ như: Thành khẩn khai báo, khẩn trương cấp cứu nạn nhân, có yêu cầu gia đình nạn nhân giảm nhẹ hình phạt,… Ngoài trách nhiệm hình sự nếu vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người gây tai nạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại do mình gây ra. 
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
 >>> Xem thêm video: Đồng Tháp: Va chạm với ô tô khách, người lái xe mô tô tử vong

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt