Ngày 25/12, trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Xuân Trung, Phó giám đốc Bảo tàng TP Hải Phòng, cho biết 27 chiếc cọc gỗ có khả năng liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) đang được bảo quản tại chỗ.
“Những chiếc cọc này được che phủ, lấp đất đầu cọc. Hàng ngày, cơ quan chức năng có bao bạt, phân người trực để tưới nước tăng độ ẩm, tránh hư hỏng”, ông Trung nói và cho hay các cơ quan chuyên môn sẽ mở rộng phạm vi khai quật nhưng chưa có kế hoạch cụ thể.
|
Những chiếc cọc được lấp đất, bao bạt, tưới nước hàng ngày để bảo quản. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Hải Phòng, cho biết những chiếc cọc gỗ này tồn tại được gần cả nghìn năm vì đây chủ yếu là các loại gỗ tứ thiết lim, sến, táu (tốt và rắn nhất) và được bảo quản trong môi trường đất hoặc nước. Vì thế, nếu mang cọc lên bờ sẽ mục rất nhanh.
"Trước mắt, phải bảo quản tại chỗ bằng cách lấp đất cát và tưới nước hàng ngày. Bãi cọc ở Yên Giang (Quảng Yên, Quảng Ninh) còn cho bơm ngập nước. Nếu mang lên trưng bày cũng phải để trong bể có nước", ông Sơn nói.
Những ngày qua, hàng nghìn lượt người dân tìm về khu vực bãi cọc Cao Quỳ tham quan sau khi nghe thông tin về kết quả nghiên cứu. Chính quyền địa phương phân người túc trực, bảo vệ nơi phát hiện bãi cọc và hướng dẫn cho người dân.
Khu vực 3 hố khai quật cũng được dựng hàng rào bao quanh và cắm biển để tránh người dân bước xuống chạm và chụp ảnh với hiện vật.
Trước đó, từ ngày 27/11 đến ngày 19/12, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2 và phát hiện 27 chiếc cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.
Những chiếc cọc này bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Cọc phân bố không thẳng hàng. Căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy có thể cọc được làm vào thế kỷ XIII.
Các nhà khoa học bước đầu kết luận đây là khu vực bãi cọc có quy mô với các cọc gỗ lớn, nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp.
Cọc đều nằm ở lòng sông với tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập ven sông.
Di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.
Theo Nguyễn Dương/Zing