Còn ai phải chịu trách nhiệm vụ cháy chung cư Carina Plaza?

Google News

Ông Nguyễn Văn Tùng - nguyên giám đốc Công ty Hùng Than - đã bị bắt tạm giam do liên quan vụ cháy chung cư Carina Plaza 13 người thiệt mạng. Xét về trách nhiệm, phải chăng chỉ có mỗi ông Tùng?

Xe máy bị cháy rụi trong tầng hầm chung cư Carina Plaza - Ảnh: XUÂN HƯNG.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tùng - cựu giám đốc Công ty Hùng Thanh. Ông Tùng được xác định có liên quan đến vụ cháy chung cư Carina Plaza hồi cuối tháng 3.
Việc ông Tùng bị bắt không nhiều bất ngờ, bởi những vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chung cư Carina Plaza được các cơ quan chức năng "điểm mặt chỉ tên" ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý hình sự đối với một mình ông Tùng thì chưa thuyết phục. Trong vụ này có trách nhiệm của rất nhiều đơn vị liên quan.
Cụ thể trước đó, chủ đầu tư ký hợp đồng quản lý vận hành với công ty quản lý - Công ty Dịch vụ địa ốc Sài Gòn (SEJCO). Theo hợp đồng, SEJCO được giao và chịu trách nhiệm quản lý, điều khiển toàn bộ hệ thống PCCC; đồng thời kiểm tra, phát hiện hỏng hóc và báo cáo chủ đầu tư để phê duyệt sửa chữa các hạng mục có giá trị trên 5 triệu đồng. Nếu dưới 5 triệu đồng thì tự ý sửa chữa rồi báo cáo sau.
Trên thực tế, SEJCO có thông báo các hạng mục như máy bơm dầu, điện, bù áp đều bị hư hỏng cần sửa chữa. Hệ thống báo cháy như đầu báo khói thường, còi báo cháy... cũng cần phải thay. Việc sửa chữa được tiến hành, các bên ký nghiệm thu. Theo lý thuyết, sau khi sửa chữa thì hệ thống phải vận hành hoàn chỉnh.
SEJCO ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Gia Khang làm dịch vụ giữ xe và bảo vệ ở chung cư Carina.
Như vậy, cả ba đơn vị cùng có trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành tòa nhà chung cư Carina, đặc biệt là SEJCO và công ty bảo vệ.
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định hệ thống PCCC báo cháy tự động, bơm điện tự động, bơm dầu tự động bị chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay (tức khi muốn vận hành phải có người đến điều khiển bằng tay để bấm nút hoạt động); bơm bù áp bị tắt, tủ điện điều khiển hệ thống chữa cháy tự động bị tắt.
Điều này khiến khi có cháy mà không có người vận hành thì hệ thống tê liệt. Ngoài ra, các cửa thoát hiểm bị người dân mở và không tự đóng lại được. Đây là lý do làm cho khói tràn lên các tầng trên và gây ngạt - nguyên nhân gây tử vong của phần lớn nạn nhân.
Phải chăng hậu quả nêu trên có sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, vận hành?
Thực tiễn là như vậy, nhưng cơ quan cảnh sát điều tra lại chỉ khởi tố cựu giám đốc của chủ đầu tư mà chưa hề nhắc đến trách nhiệm của SEJCO và công ty bảo vệ, trong khi việc điều tra được tiến hành song song ở cả ba đơn vị.
Xin nhắc lại bảo vệ tầng hầm và người giám sát camera không phát hiện kịp thời việc phát cháy, đến 9 phút sau mới phát hiện, 13 phút sau thì điện trong hầm bị tắt nên camera không thể xem được nữa, khi đó mọi việc đã trở nên quá muộn. Quá trình điều tra có làm rõ vai trò, trách nhiệm của SEJCO và công ty bảo vệ chưa?
Trong vụ cháy chung cư Carina Plaza cũng không thể không đề cập đến trách nhiệm của đơn vị PCCC quận 8 khi lần gần nhất kiểm tra là vào tháng 12/2017. Suốt quá trình kể từ khi chung cư Carina vận hành có 22 lần kiểm tra, trong đó xử phạt hành chính 4 lần và phạt 7 lỗi. Sau lần gần nhất kiểm tra thì tại sao các máy bơm bị hỏng lại không phát hiện?
 

Theo Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG/Tuổi Trẻ