Và mới đây, TP Hà Nội lại quyết định trùng tu công trình này với tổng mức vốn là hơn 2,5 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai Con đường gốm sứ ven sông Hồng được trùng tu (lần đầu tiên vào năm 2015). Do đó, với nhiều người số tiền tuy không lớn, nhưng để lại những trăn trở, xót xa.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài gần 4km với diện tích khoảng 7.000m2, trong đó, mỗi mét vuông được ghép bởi 1.000 mảnh gốm sứ, hợp thành tác phẩm nghệ thuật sống động, đa sắc màu. Nó ghi lại tất cả những gì tinh hoa của Hà Nội, dòng chảy lịch sử từ thời kỳ Đông Sơn qua các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những nét văn hóa được trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm của 54 dân tộc anh em.
|
Con đường gốm sứ tiếp tục xuống cấp dù đã trải qua một số lần trùng tu, sửa chữa. |
Những biểu tượng của Hà Nội như cầu Long Biên, Tháp Rùa, Khuê Văn Các, chùa Một Cột… hay những bức tranh của nghệ sĩ trên khắp mọi miền tổ quốc và cả của những em nhỏ đang tập vẽ, tập tô đều được tái hiện trên tác phẩm kỉ lục này.
Nói cách khác, tác phẩm này không chỉ truyền tải những thông điệp văn hóa, lịch sử của đất nước qua các thời kỳ, mà còn lưu giữ những tác phẩm mỹ thuật độc đáo của các tác giả trong và ngoài nước. Thậm chí, Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng nói: “Tôi cho đây là một ý tưởng hay, là một sáng kiến. Có thể nói cao hơn nữa thậm chí là một phát kiến...”
Bởi thế, dư luận khá ngạc nhiên vì sự xuống cấp khá nhanh của nó. Dọc theo bức tranh gốm sứ rất nhiều vết nứt chạy dài hàng chục mét, những mảng lớn bong tróc khiến bức tranh loang lổ, nham nhở, có những mảng đã được sửa chữa, vá víu một cách cẩu thả.
Nguyên nhân xuống cấp của con đường được nhiều chuyên gia chỉ ra đó là: Con đường gốm sứ nằm trên trục đường giao thông với mật độ xe qua lại nhiều, độ rung lắc do chuyển động giao thông lớn. Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ giữa các mùa là nguyên nhân chủ yếu gây nên những vết nứt trên bề mặt tranh gốm.
Bên cạnh đó, để “bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới” bị xuống cấp như vậy một phần lỗi thuộc về quản trị đô thị. Tức là, chính quyền Phường, Quận - nơi có Con đường gốm sứ phải chịu phần trách nhiệm. Rồi câu chuyện văn minh đô thị, kèm ý thức người dân với công trình văn hóa công cộng chưa cao lại được nhắc đến.
Phải nói rằng, trước đây, tại mảnh đất Hà Thành này, đâu đâu người dân cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu, hình ảnh tuyên truyền về công trình... khắp nơi. Vậy mà chỉ vài năm sau đó người ta đã phải liên tục trùng tu, gây tốn kém, lãng phí tiền của, ngân sách. Chẳng lẽ, công trình này chỉ hoàn thành mục tiêu chính trị? Giờ thì nó chuẩn bị cho mục tiêu khảo cổ, bảo tàng?
Và dư luận hoài nghi đây cũng là một trong nhiều dự án lớn thuộc kiểu “đầu chuột đuôi voi”. Vì thế, chi 2,5 tỷ đồng để bảo dưỡng Con đường gốm sứ thật sự không phải câu chuyện lớn, mà quan trọng nhất vẫn là câu chuyện niềm tin của nhân dân vào các dự án lớn của chính quyền dần càng vơi dần đi nhiều.
Quả thật, con đường dài gần 4km bao quanh đê sông Hồng đã giữ lại một phần tinh hoa cho Hà Nội, để Hà Nội ngày một đẹp hơn, lắng sâu hơn. Ai cũng từng thấy vui, cũng xuýt xoa vì vẻ đẹp của con đường, cùng lòng ngưỡng mộ sự tài tình của những con người đã làm nên vẻ đẹp đó.
Ấy vậy mà, càng vui mừng, tự hào bao nhiều thì giờ đây càng ngắm nhìn, người ta càng thấy xót xa bấy nhiêu vì sự xuống cấp “chóng mặt” của nó.
Theo Sông Hàn/Enternews