Pháp luật trả tự do, lương tâm vẫn không tha thứ
Một ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm nhà ông Hồ Văn Thuyết (SN 1947), trú tại xóm Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Trước đây, người đàn ông này từng bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên án 20 năm về tội Giết người, thi hành án ở Trại giam số 3. Nạn nhân không ai khác chính là người vợ đầu ấp tay gối của ông. Khi trả xong món nợ pháp luật, ông Thuyết chọn luôn mảnh đất này để lập nghiệp, tái sinh.
Sau khi ra tù, với 2 bàn tay trắng, người đàn ông này lấy vợ, sinh con, cuộc sống hết sức bình dị. Nhìn hình dáng lù khù, cụt một cánh tay phải, không ai có thể ngờ rằng người đàn ông này từng mang án tù chung thân về tội Giết người.
|
Ông Thuyết nuôi gà chuẩn bị đón Tết. |
Được biết, ông Thuyết là con đầu trong gia đình có 2 anh em ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Thuyết chỉ học đến lớp 3, rồi nghỉ. Năm 16 tuổi, ông Thuyết quyết định vào Quảng Trị làm nghề bốc vác, phụ hồ để giúp gia đình. Không lâu sau đó, ông xung phong lên đường nhập ngũ.
Xuất ngũ, người đàn ông này lại tiếp tục lang bạt mưu sinh khắp nơi, ai thuê gì làm nấy. Trong những chuỗi ngày đó, ông gặp được bà N.T.C. quê Thanh Hóa. Cùng cảnh ngộ nên hai người thường xuyên qua lại, giúp đỡ lẫn nhau, tình yêu đến lúc nào không hay. Sau một thời gian tìm hiểu, 2 người quyết định kết hôn.
Sau 1 năm, bà C. sinh hạ được một đứa con trai khiến cho gia đình 2 bên rất vui mừng. Thế nhưng, khi đứa con vừa tròn 2 tuổi thì bi kịch ập đến.
Trong một lần uống rượu say, không kiềm chế được bản thân, ông Thuyết đã đầu độc vợ khiến nạn nhân tử vong. Khi tỉnh rượu, thấy vợ chết, ông Thuyết đã tới cơ quan công an đầu thú. Thời điểm đó, trong phiên tòa sơ thẩm, Hồ Văn Thuyết bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên án chung thân về tội Giết người. May mắn tại phiên phúc thẩm, ông Thuyết được giảm xuống còn 20 năm tù.
“Từ khi xảy ra sự việc cho đến nay, chưa bao giờ tôi có được một giấc ngủ ngon. Cảm giác tội lỗi luôn thường trực khiến tôi day dứt, hầu như đêm nào cũng gặp ác mộng”, ông Thuyết nói.
Trong thời gian thụ án ở trại giam, ông Thuyết bị tai nạn, cánh tay phải bị cụt đến gần bả vai. Ông cho rằng đó là cái giá mình phải trả cho những hành động tội lỗi mình gây ra. Chán nản, nhiều lần ông từng nghĩ đến cái chết để quên đi tất cả. May mắn, các cán bộ quản giáo đã động viên, khuyên ông suy nghĩ về con trai để gắng cải tạo tốt, sớm trở về đoàn tụ.
Sau 3 lần giảm án vì cải tạo tốt, năm 1986, ông Thuyết được ra tù trước thời hạn. Trở về nhà, với 2 bàn tay trắng, ông Thuyết mất phương hướng. Người đàn ông này không dám quay trở về quê để sống vì sợ dèm pha của người đời.
Cuối cùng, ông Thuyết quyết định trở về nhà đưa người con trai lên mảnh đất sỏi đá xã Nghĩa Dũng để lập nghiệp. Sống một cuộc đời bình lặng để “trả nợ đời”, tự suy xét lại những nghiệp chướng do mình gây ra.
Làm lại cuộc đời
Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, ông được cấp một mảnh đất ở trong xã Nghĩa Dũng. Vay mượn tiền bạc, ông xây dựng một căn nhà nhỏ cho 2 bố con có chỗ chui ra, chui vào. Hàng ngày, ông Thuyết đi làm thuê để lấy tiền nuôi con. Nhiều năm trôi qua trong yên bình, người con đầu đã đến tuổi trưởng thành, đi lập nghiệp và cưới vợ. Một mình ông Thuyết sống trong ngôi nhà nhỏ.
Trong tâm trí người đàn ông này vẫn ước mong một gia đình, vui vầy, hạnh phúc. "Đứa con trai lập gia đình, tôi thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ. Tôi luôn khao khát có một mái ấm gia đình, con cái quây quần bên mâm cơm nóng. Đó chỉ là mong ước thôi, chứ ai dám lấy người từng tù tội và tật nguyền như tôi", ông Thuyết chia sẻ.
Thế nhưng trong một lần cùng đi phát rừng thuê, ông Thuyết tình cờ quen bà Vi Thị Ngân (SN 1965), quê xã Nghĩa Dũng. Cuộc đời của bà Ngân cũng vô cùng éo le. Người đàn bà này đã qua một lần đò và có 2 người con riêng. Sau nhiều lần gặp gỡ, thấu hiểu được hoàn cảnh của nhau, năm 1999, 2 người đã dọn về sống chung. “Ở cuối dốc cuộc đời, gặp được bà ấy là may mắn của tôi rồi. Không đám cưới, chúng tôi âm thầm dọn về chung sống, nương tựa nhau”, ông Thuyết cho hay.
Sau ngày cưới, vợ chồng ông gom góp mua được mảnh đất mới ở xã Nghĩa Dũng, rồi làm ăn sinh sống. Ông Thuyết xem 2 người con riêng của vợ như chính con ruột, lấy họ mình khai sinh cho các con. Hơn 1 năm sau, người con chung của vợ chồng là Hồ Văn Lưu chào đời.
“Tôi có 4 người con cả chung và riêng, nhưng tôi không hề giấu diếm các con quá khứ của mình. May rằng, đứa nào cũng hiểu và tha thứ cho tôi”, ông Thuyết tâm sự.
Không có sức khỏe như người bình thường, gia đình lại đông con nên kinh tế vô cùng khó khăn. Vì vậy dù tuổi cao ông Thuyết vẫn lặn lội đi làm thuê kiếm tiền. Thời gian rảnh rỗi, ông tranh thủ trồng cây, làm cỏ trong vườn. Thời gian trôi qua, 3 người con của vợ ông Thuyết đã lập gia đình, còn đứa út đang học THPT. Năm nay, ông mạnh dạn vay tiền mua bò, gà về nuôi cải thiện cuộc sống, cho các con có cái Tết ấm no hơn.
Khi chúng tôi tới nhà thì bà Ngân đang ra Hải Phòng để chăm sóc đứa con gái mới sinh em bé. “Chưa bao giờ tôi ngừng quên về quá khứ, cũng không giấu diếm ai về quá khứ của mình. Vì tôi mà gia đình tan nát. Con trai tôi mất mẹ, quá thiệt thòi cho nó”, ông Thuyết nói.
Ông Hoàng Đình Tâm, Trưởng Công an xã Nghĩa Dũng cho biết: "Ông Hồ Văn Thuyết từng cải tạo tại Trại giam số 3, nhưng sau khi hoàn lương đã ở lại mảnh đất này để mưu sinh. Từ khi ra tù cho đến nay, ông Thuyết sống hòa đồng cùng người dân, chưa có xích mích hay mâu thuẫn với ai. Chính quyền xã vẫn thường đến động viên ông Thuyết hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân tốt”.
Theo Anh Ngọc/Người Đưa Tin