Mọi câu chuyện cảm động đều gắn số tài khoản ngân hàng
Sau khi đọc được câu chuyện đầy bi kịch đó, tối 7/8, chị H.G. - Chủ tịch một quỹ có tên B.V, đã liên lạc qua facebook “bác sĩ Trần Khoa” để tặng một chiếc máy thở xâm lấn.
Trao đổi qua tin nhắn facebook, “bác sĩ Khoa” giới thiệu đang làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, trong sáng 8/8, thông tin về “bác sĩ Khoa” tràn ngập mạng xã hội với nhiều điều còn chưa thực sự rõ ràng, chị G. đã xác minh tại Bệnh viện Chợ Rẫy và kết quả thật bất ngờ: không có “bác sĩ Khoa” nào rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ sắp sinh như mạng xã hội lan truyền.
Vào tháng 5/2021, một facebook có tên Thanh Hung Le - cùng nhóm với “bác sĩ Khoa” cũng bắt đầu với một câu chuyện đầy nước mắt. Chuyện kể về người mẹ già ở Hà Tĩnh mất người con trai 19 tuổi khi đi biển và phải một mình chăm chồng đang bị ung thư trong bệnh viện. Một buổi chiều, sau khi đi bán vé số, bà vào bệnh viện chăm chồng nhưng người chồng đã ra đi mãi mãi...
Một mô típ được soạn sẵn, ở cuối của câu chuyện bi thương ấy vẫn không quên để lại thông tin về người phụ nữ có tên Nguyễn Thị Minh Thy kèm số tài khoản ngân hàng HDbank với dòng: “quỹ 82 đang cần thêm một ít chi phí, kính mong mọi người chung tay với 82 lo cho mảnh đời bất hạnh”. Sau khi đọc được câu chuyện trên, một người có tên B.Đ. đã chuyển khoản cho Thy 5 triệu đồng để mong chia sẻ cùng người đàn bà bán vé số tội nghiệp.
Trước đó, là câu chuyện đầy nước mắt của Phong Lam - cũng là người trong nhóm “bác sĩ Khoa”. Lam kể câu chuyện chính bản thân mình bị ung thư máu từ nhỏ, về người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra, ước mơ làm bác sĩ và được chính bố hiến tủy để cứu sống mình. Sau đó, Lam sang Singapore theo đuổi giấc mơ bác sĩ như thế nào…
Từ câu chuyện vượt lên số phận của mình, Lam bắt đầu tiếp cận, làm quen với chị K.L, một dược sĩ ở TPHCM, rồi xin tiền ủng hộ “quỹ 82” giúp đỡ cho những bệnh nhi bị ung thư máu. Tất cả những lần chuyển tiền để làm từ thiện từ nhóm “bác sĩ Khoa” mà Phong Lam đứng ra đều thông qua tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Thị Minh Thy.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chị L. cho biết, khi tổ chức chương trình vì trẻ em ung thư, Phong Lam đã yêu cầu Thy liên lạc với mình. Sau đó, thông qua Thy chị L. chuyển tiền nhiều lần ủng hộ giúp đỡ các em. “Tôi tin tưởng nên ủng hộ vì nghĩ mình làm từ thiện giúp các em bệnh hiểm nghèo, còn tiền làm từ thiện có đến được tay các em hay không thì tôi không biết”- chị L. kể lại.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật
Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, khi cơ quan công an tiến hành điều tra nhóm đối tượng trên, nếu xác định, họ cố tình tạo ra các hoàn cảnh không có thật để từ đó tạo ra sự thương cảm của người khác để rồi nhận tiền ủng hộ từ người dân thông qua tài khoản ngân hàng mà họ cung cấp, sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Cụ thể, hành vi bịa chuyện để xin tiền từ thiện có thể bị khởi tố “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Tùy thuộc vào giá trị đã chiếm đoạt, mà hành vi trên có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân.
Luật sư Phát cảnh báo, lợi dụng những lúc dịch bệnh, thiên tai nhiều đối tượng xấu đã sử dụng các trang mạng xã hội để dựng nên các câu chuyện không có thật. Từ đó nhiều người vì cả tin mà đồng cảm với các hoàn cảnh mà các đối tượng xấu đã đưa ra, rồi vô tư trong việc ủng hộ tiền mà không có bất kỳ sự kiểm chứng nào. Vô tình, bị rơi vào cái bẫy của các đối tượng này dựng lên.
“Tôi nghĩ đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước như Sở Thông tin Truyền thông, cơ quan phụ trách an ninh mạng cần phải tăng cường công tác quản lý để hạn chế thấp nhất các thông tin sai sự thật được đưa lên mạng nhằm kêu gọi ủng hộ, quyên góp…”, ông Phát nói.
Theo Lâm Trần- Duy Quang/Tiền phong