Ra giá để xin tiền... ủng hộ
Trong những rừng tràm ở xã Lộc Bổn, xã Dương Hòa (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhiều người đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk đem ong ra đây đánh mật. Cuộc du mục của họ đi suốt chiều dài đất nước, họ đem ong đi làm mật và “đuổi” theo mùa nắng để thu về những giọt mật.
Họ dừng chân ở đất Huế bắt đầu từ tháng 4 và khăn gói ra đi khi mùa mưa ở đây bắt đầu. Sau đó lại Nam tiến, vào tận Kiên Giang, Sóc Trăng để dưỡng ong vài tháng cho cuộc hành trình mới. “Nghề này là vậy, đi quanh năm, ít khi ở nhà lắm. Lúc nào rảnh rỗi thì về thăm vợ con vài ngày, như nghỉ phép của bộ đội vậy” - anh T (sinh năm 1984, quê ở Lâm Đồng) bắt đầu câu chuyện về nghề khi tôi hỏi thăm. Nhưng rồi, cuộc chuyện trò chưa kịp vui thì mắt anh bỗng trầm xuống, buồn rũ rượi, những nếp nhăn trên gò trán, những nếp chân chim hai bên mắt làm anh già hơn so với tuổi. Hỏi, giá mật ong năm nay thế nào?
|
Cuộc sống hết sức khó khăn trong những tán rừng, thế nhưng những người nuôi ong còn bị chính quyền tận thu những khoản tiền hết sức vô lý. Ảnh: NĐT |
Chưa trả lời câu hỏi của tôi, anh T vội đi lấy ly, múc cho tôi một ít mật rồi bảo: “Anh thử xem mật có ngon không, mật này anh pha thêm một ít nước sôi, uống vào tốt lắm”. Tôi nhấp một ngụm, chưa cảm nhận được vị ngọt của những giọt mật, thì lại nghe tiếng thở dài đầy chua xót của anh T, rồi anh than thở: “Mật thu về cả mấy tấn, chưa bán được đồng nào hết. Đầu mùa thì giá 37.000 đồng/kg, bây giờ chỉ còn 12.000 đồng/kg nhưng rồi cũng không ai thèm mua. Ong thì phải cho ăn, mật thì phải thu hoạch nhưng lại không bán được và tiền nợ ngân hàng và tiền công cũng phải trả, oái ăm lắm”.
Nhưng, đó chưa phải là tất cả những nỗi niềm mà anh T than thở với tôi. Bởi theo anh, rồi giá mật sẽ cao. Nếu mình bảo quản tốt thì không sao. Điều làm anh T và những người nuôi ong ở đây thấy bất công là sự nhũng nhiễu của một số cá nhân trong chính quyền địa phương. Thậm chí họ còn làm tiền, ra giá cho những chủ ong ở đây. “Ban đầu họ ra giá và thu một thùng ong như vậy 10.000 đồng/thùng, nhưng tôi không chấp nhận. Tôi bảo, nếu các ông thu như vậy thì các ông lấy luôn ong đi. Sau khi chúng tôi không chấp nhận việc nộp tiền như vậy họ lại ra giá thu của tôi 2 triệu đồng, tôi lại bảo không có tiền, mật bán không được, nếu các ông thương thì giảm lại đi. Nghe vậy họ giảm cho chúng tôi 1 triệu” - anh T, kể. Nói xong, anh T lấy tờ hóa đơn ra đưa cho chúng tôi xem, rồi anh bảo: “Đi theo nghề này khắp cả nước, chưa thấy địa phương nào thu phí như ở Huế”.
Trong hóa đơn, chính quyền xã Lộc Bổn ghi lý do thu tiền là “Ủng hộ UBND xã Lộc Bổn”. Việc ghi hóa đơn mù mờ làm những người nuôi ong ở đây hết sức bất bình. “Nếu như ở xã, thôn đang làm đường, làm trường thì chúng tôi sẵn sàng ủng hộ một ít cho việc chung, nhưng bày ra lý do đó thì tôi không chấp nhận được. Thu tiền ủng hộ, nhưng ủng hộ vào việc gì” - anh T bức xúc.
Cũng chung tình trạng với anh T, anh S cũng rất bất bình với những việc làm của chính quyền xã nơi đây. Đang độ trưa, nắng hầm hập, trong căn lán được bao quanh bởi những tấm bạt, bề bộn áo quần làm cho căn lán như một nồi hấp người. Nhiệt độ của cái lán càng tăng khi tôi hỏi chuyện về việc thu phí một cách vô lý của chính quyền nơi đây.
Vừa đưa ly nước lên miệng, nghe tôi hỏi chuyện, anh S đập cái ly xuống bàn, rồi nói một hồi như chưa bao giờ được nói: “Tôi đưa ong ra đây, một quãng đường đi dài ong hao hụt cả mấy chục thùng, rồi tiền xe chở gần 20 triệu. Vậy mà ra đây, mới đặt thùng xuống được 10 ngày, chính quyền đưa quân lên thu tiền, chúng tôi hỏi tiền gì thì họ bảo tiền ủng hộ xã. Lúc đầu họ ra giá thu trại của tôi 2,5 triệu, nhưng tôi bảo với giá đó tôi không có tiền, các anh muốn thì lấy ít can mật về bán lấy tiền. Sau khi nghe tôi nói vậy, họ bảo không có thì nộp 2 triệu cũng được, thấy họ hạ giá cũng chấp nhận được, nên đành nộp cho yên chuyện...”.
|
Hóa đơn thu 3 triệu đồng tiền đặt thùng ong của chính quyền xã Dương Hòa. Ảnh: NĐT |
Đưa dân quân, công an, kế toán đi thu tiền... ủng hộ
Không riêng gì xã Lộc Bổn, ở một số xã khác, chính quyền địa phương cũng nhũng nhiễu làm tiền với những người nuôi ong. Đơn cử như ở xã Dương Hòa (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), chính quyền nơi đây còn thu tiền phí cao hơn với người nuôi ong.
Khác với lý do của xã Lộc Bổn, chính quyền xã Dương Hòa thu với số tiền lên tới 3 triệu đồng, còn những năm khác là lên tới 5 triệu đồng/một trại. Một số người năm trước đặt trại ong ở xã Dương Hòa nhưng bị thu tiền quá lớn, năm nay nghe tin xã khác thu thấp nên họ lại chuyển ong qua đặt để giảm chi phí.
Nhằm tìm hiểu vấn đề, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền xã Lộc Bổn để hỏi rõ vụ việc. Trao đổi với chúng tôi là ông Võ Đại Thắng - Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn. Tôi hỏi “Có hay không việc chính quyền đưa dân quân, công an đi thu tiền ủng hộ?”. “Các anh hiểu nhầm rồi, thế này nhé, do ở đây là nơi tiếp giáp của ba xã, tình hình an ninh trật tự bất ổn nên chúng tôi đưa công an, dân quân đi để tuyên truyền và đảm bảo an ninh và rồi xem hộ nào chưa đăng ký tạm trú tạm vắng để nhắc nhở” - ông Thắng giải thích.
“Đi tuyên truyền, đảm bảo an ninh sao lại đưa thêm cả nhân viên kế toán đi?”. “À, chuyện này là bình thường vì chúng tôi lập cả tổ công tác, đoàn liên ngành đi để ký cam kết về phòng cháy chữa cháy và thu tiền ủng hộ”. “Nếu việc đưa kế toán đi theo để thu tiền ủng hộ, thì việc thu tiền của các hộ nuôi ong đã có ý định từ trước?”. “Không, các anh hiểu nhầm rồi”. “Hiểu nhầm sao được, khi việc ủng hộ tiền là trên cơ sở tự nguyện chứ ai đời các ông lại đi ép buộc và thậm chí làm giá với họ? Và hóa đơn ghi là thu tiền ủng hộ, vậy tiền ủng hộ này là ủng hộ gì?” - tôi hỏi. “Mình phải đặt vấn đề chứ, nếu không đặt vấn đề thì làm sao họ biết. Nhỡ họ có ý định ủng hộ cho xã mà mình không nói thì họ làm sao biết được. Còn chúng tôi ra giá là họ nói quá lên đó thôi. Tiền chúng tôi thu được là để góp vào quỹ phòng cháy chữa cháy (PCCC), và đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn” - ông Thắng cho hay.
Trong danh sách xã Lộc Bổn đưa cho chúng tôi, có đến 14 hộ nuôi ong bị thu tiền, hộ cao nhất bị thu 2 triệu đồng, hộ thấp nhất là 500.000 đồng, tổng số tiền thu được là gần 18 triệu đồng. Với số tiền này, chính quyền xã lý giải khi thì để làm quỹ PCCC, đảm bảo ANTT, khi thì nói để liên hoan tổng kết việc PCCC, ANTT cuối năm, khi thì bảo là nộp ngân sách cho huyện.
Việc nuôi ong hiện tại rất khó khăn, chi phí cao nhưng mật thu hoạch được lại không có ai mua và giá thì quá thấp. Những hộ nuôi ong đã gánh quá nhiều chi phí mà chính quyền xã lại tận thu một cách không thương tiếc.
Khi chúng tôi hỏi tình hình nuôi ong ngày càng khó và mật không ai mua thì việc thu tiền thế này sang năm có nên bỏ hay không? Ông Thắng đã không ngần ngại đáp rằng: “Tùy tình hình ở địa phương, nếu họ không về thì đành chịu, lấy gì mà thu. Còn họ về thì vẫn vận động để họ ủng hộ thôi”.
Trong khi đó, chúng tôi đến UBND xã Dương Hòa để hiểu rõ vấn đề này thì chính quyền đi vắng. Khi chúng tôi xin số điện thoại để hỏi thông tin thì văn phòng xã không cho. Mặc dù chính quyền xã Lộc Bổn bảo thu tiền để làm quỹ PCCC và đảm bảo ANTT vì địa bàn phức tạp, nhưng khi tôi hỏi những người nuôi ong thì được biết sau khi thu tiền xong không thấy bóng dáng của các lực lượng đó đâu cả.
Theo Nguyễn Đắc Thành/Tiền Phong