Cộng 2 điểm cho con của người hoạt động CM trước 1/1/1945, có thực tế?

Google News

Dự thảo quy định cộng 2 điểm ưu tiên cho con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 có thực tế?

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó quy định rõ về các nhóm học sinh được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10.
Khoản 2 Điều 14 Quy chế Tuyển sinh THCS và THPT ban hành kèm dự thảo Thông tư quy định điểm ưu tiên được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi. Trong đó, nhóm 1: được cộng 2.0 điểm; nhóm 2 được cộng 1,5 điểm; nhóm 3 được cộng 1.0 điểm.
Cong 2 diem cho con cua nguoi hoat dong CM truoc 1/1/1945, co thuc te?
Ảnh minh hoạ. Nguồn vneconomy.vn
Như vậy, mỗi nhóm đối tượng đã được tăng thêm 0,5 điểm so với quy định hiện hành tại khoản 2 Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT và Thông tư 18/2014/TT-BGDĐT. Cụ thể:
Nhóm 1 (cộng 2 điểm): Con liệt sĩ; Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”; Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Nhóm đối tượng 2 (cộng 1,5 điểm): Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Con thương binh mất sức lao động dưới 81%; Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%.
Nhóm đối tượng 3 (cộng 1 điểm): Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; Người dân tộc thiểu số; Học sinh đang sinh sống, học tập ở các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý trong dự thảo, Bộ GD&ĐT quy định cộng 2 điểm ưu tiên cho con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, các chính sách ưu đãi với học sinh ở vùng còn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và với con người có công với cách mạng đều là những chính sách nhân văn. Tuy nhiên, quy định cộng điểm ưu tiên cho 2 trường hợp trên "hết sức vô lý". Bởi, những người tham gia hoạt động cách mạng ở giai đoạn này đa phần không còn, hoặc nếu còn cũng đã ngoài 95 tuổi, có cháu, chắt lớn. Các cụ không thể có con 15 tuổi, tham dự kỳ thi vào lớp 10 từ năm 2025 trở đi".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Loan, Chủ tịch hội đồng trường THPT Tứ Kỳ 2 (Hải Dương) cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên cho con của những người tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 hoàn không khả thi.
"Tôi không hiểu những người làm luật đã tính toán thế nào về độ tuổi người được cộng điểm ưu tiên. Bởi con thương binh, liệt sĩ hoạt động trước năm 1945, hiện giờ chưa chắc đã còn sống nói gì đến việc thi vào lớp 10, đi học phổ thông. Nếu còn, những người ấy có lẽ phải đang học lên tiến sĩ, giáo sư nghe mới hợp lý", ông Loan nói và cho biết quy định này được đưa ra dường như chỉ để "động viên suông" các gia đình người có công với cách mạng.
Cả ông Lâm và ông Loan đều nhấn mạnh, việc ra quy định cộng điểm ưu tiên cho con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở thời điểm hiện tại hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Do đó, Bộ GD&ĐT nên xoá bỏ để đảm bảo tính thực tế.
>>> Mời quý độc giả xem video thí sinh đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024:

 

Bình Nguyên