Hình ảnh toàn thể cán bộ nam nữ công chức, viên chức, người lao động tại Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đến công sở trong bộ áo dài truyền thống thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Theo quy định của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, bắt đầu từ ngày 7/9, toàn thể cán bộ của sở này sẽ mặc áo dài truyền thống khi đi làm việc, áp dụng từ ngày thứ 2 đầu mỗi tháng, cũng là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung. Hoạt động này nhằm nâng cao vị thế, lan tỏa nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống, góp phần khẳng định “Huế - Kinh đô áo dài” của Việt Nam.
Với người dân xứ Huế, hình ảnh nữ mặc áo dài màu tím đặc trưng có họa tiết hoa sen; nam mặc áo dài ngũ thân mà xanh, quần trắng là hình ảnh rất đỗi quen thuộc. Tuy nhiên, việc nam giới mặc áo dài đến công sở làm việc là hình ảnh còn khá mớ lạ bởi đây là lần đầu tiên Huế triển khai và cả nước chưa từng có tiền lệ.
|
Việc cán bộ mặc áo dài truyền thống đến công sở làm việc là một hoạt động nhiều ý nghĩa như bảo tốn nét văn hóa đặc trưng của cố đô Huế, tôn vinh văn hóa di sản và tạo điểm nhấn phát triển du lịch. |
Do vậy, ngay khi hình ảnh các nam công chức ở sở VHTT Thừa Thiên Huế mặc áo dài ngũ thân đã có không ít ý kiến cho rằng, áo dài nam bất tiện, không phù hợp với làm việc nơi công sở và công sở không phải nơi trình diễn thời trang nên trang phục phải ưu tiên sự tiện lợi thoải mái…Cũng không khó để lý giải những phản ứng trên, bởi lâu nay người ta luôn mặc định, thậm chí thành quy định trang phục công sở: Nam mặc áo sơ mi, quần âu hoặc vest.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực hơn dựa trên nền văn hóa đặc trưng của Huế nơi được coi là “Kinh đô áo dài” của Việt Nam, có thể thấy việc cán bộ mặc áo dài truyền thống đến công sở làm việc là một hoạt động nhiều ý nghĩa như bảo tốn nét văn hóa đặc trưng của cố đô Huế, tôn vinh văn hóa di sản và tạo điểm nhấn phát triển du lịch, thậm chí bảo tồn và phát triển nghề may áo dài truyền thống phục vụ khách du lịch. Đồng thời cũng là cách để các cán bộ công chức điều chỉnh hành vi, cách ứng xử trong công việc. Khi mặc trên người trang phục văn hóa truyền thống, các nói năng, giao tiếp, ứng xử với người dân cũng luôn có văn hóa, thói hách dịch, thờ ơ trong công việc nếu có cũng tiêu tan trong suy nghĩ của mỗi người khi đang vận trên người nét văn hóa truyền thống…
Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, việc cán bộ công chức Huế mặc áo dài truyền thống đi làm, nếu làm được điều này thì rất tốt ở góc độ du lịch. Bởi sẽ tạo ra một nét riêng không phải bây giờ mới có của Huế nhưng sẽ tôn vinh văn hóa một cách mạnh mẽ, tạo điểm nhấn để thu hút, phát triển du lịch.
“Nếu cán bộ công chức Huế mặc áo dài truyền thống được lan tỏa rộng rãi, Huế sẽ là địa phương duy nhất trong cả nước làm được điều đó sẽ tạo nét riêng. Trong du lịch, cái gì độc đáo, riêng biệt gắn với văn hóa đặc trưng truyền thống thì luôn hấp dẫn. Du khách khi đến Huế thấy cán bộ công chức mặc áo dài sẽ rất ấn tượng bởi vừa là truyền thống văn hóa dân tộc nhưng lại là nét riêng của Huế. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều này” - PGS, TS Phạm Trung Lương nêu ý kiến.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho rằng, việc khởi động lại mặc áo dài ngũ thân đối với nam giới ở nơi công sở không phải là hành động ngẫu nhiêm mà là một hoạt động nằm trong đề án "Huế- Kinh đô áo dài" nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ "quốc phục" từ bao đời nay. Đồng thời cho biết, chỉ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng nhưng không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc.
“Đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhìn về Huế rất hấp dẫn và đó là mục tiêu sâu xa để phát triển du lịch, kinh tế xã hội của tỉnh nhà" - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế kỳ vọng.
Tại hội thảo “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” đầu tháng 7/2020, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nói rằng, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai các giải pháp để khích lệ, cổ vũ người dân mặc áo dài truyền thống không chỉ trong các dịp lễ nghi mà có thể mở rộng trong các sinh hoạt cộng đồng, để tôn thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, phong cảnh và con người Huế; làm cho Huế đẹp hơn, nên thơ hơn, khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, bản thân ông đã có thư ngỏ vận động cán bộ công sở, giáo viên, học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh cùng mặc áo dài ít nhất 2 ngày/tuần. Đồng thời nói rằng, bản thân ông cũng sẽ mặc áo dài trong các cuộc tiếp đại sứ nước ngoài đến thăm và làm việc tại Huế nhằm quảng bá giá trị văn hóa áo dài truyền thống Huế cũng như làm gương để cán bộ, công viên chức noi theo.
Mỗi một chủ trương, chính sách hành động đưa ra lúc đầu luôn có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, với con người xứ Huế, áo dài không phải trang phục xa lạ mà nơi đây là mảnh đất sản sinh và lưu giữ áo dài truyền thống. Áo dài là một biểu tượng đẹp và đậm chất văn hóa đặc trưng của Huế. Bởi áo dài ngũ thân được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và được xem là tiền thân áo dài ngày nay. Áo dài ngũ thân tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người.
Hiện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu công chức mặc áo dài đi làm cũng chỉ là bước thể nghiệm khi chỉ áp dụng cho ngày thứ 2 đầu tiên của tháng, trong lễ chào cờ và thực tế ngày 7/9, mọi cán bộ đều thấy thoải mái khi mặc áo dài truyền thống. Đây là bước đệm để các cơ quan chức năng Huế nghiên cứu ưu nhược điểm của trang phục áo dài để áp dụng vào nơi công sở. Đồng thời, cùng với sở Văn hóa, một số đơn vị, ngành triển khai phục hồi phong trào mặc áo dài truyền thống đối với toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Đó là những tín hiệu đáng mừng bởi nếu được áp dụng đại trà sẽ vừa tôn vinh văn hóa truyền thống, vừa tạo điểm nhấn đặc biệt để thu hút khách du lịch.
>>> Mời độc giả xem thêm video Áo dài nét đẹp truyền thống người Việt:
Tâm Đức