Liên quan đến Quyết định 1631 của UBND tỉnh Đồng Tháp quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập toàn tỉnh được áp dụng từ ngày 28/10, trong đó có nội dung yêu cầu công chức, viên chức không được mặc quần jeans, áo thun không có ve cổ... gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
|
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ. |
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, việc quy định chung và áp đặt trang phục cho toàn bộ cán bộ công chức, viên chức tại một địa phương là cứng nhắc, không phù hợp. Dù biết, việc công chức, viên chức cần phải mặc lịch sự, chỉnh chu nhưng phải phù hợp với từng đơn vị, ngành nghề, môi trường làm việc của từng công chức, viên chức.
"Tỉnh đưa ra quy tắc ứng xử chung nhưng cũng cần phải để cho đơn vị, đoàn thể tự bàn bạc, thống nhất trang phục phù hợp với ngành nghề của họ. Ví dụ, công chức, viên chức ngành xây dựng thì không thể bắt họ suốt ngày mặc quần âu, áo sơ mi vì công việc còn ở ngoài công trường, dự án, cần có bộ trang phục thoải mái, dễ chịu, năng động hơn" - Nhà văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nói và cho rằng địa phương cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa về quần jeans vì quần này có rất nhiều loại, kiểu mẫu khác nhau như: jeans trơn, rộng, bó, toe tua, cắt dán... Tất cả đều là trang phục, là thời trang, là văn hóa nên việc cấm mặc là không hợp lý. Do đó, nên có quy định rõ loại quần jeans nào được mặc phù hợp với công sở, đúng tính chất và môi trường công việc, đó mới là trang phục đẹp.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự "bức xúc" với quy định công chức, viên chức không được mặc quần jeans. Chị Ngô Mai Anh, công chức của TP. Hà Nội cho rằng, mặc quần jeans, áo thun có cổ, bỏ áo trong quần vẫn lịch sự, năng động. Tại sao ban hành lệnh cấm trong khi cán bộ, công viên chức là người làm việc và phục vụ cho nhân dân, điều quan trọng là thái độ ân cần, nhã nhặn và vui vẻ? Bộ quần áo đẹp có làm cho công chức tốt hơn khi ứng xử với dân thật tệ hay đó là cách người ta thể hiện sự nghiêm minh giả tạo?
"Trang phục thể hiện cá tính của người mặc, vẻ ngoài quan trọng là đẹp, lịch sự, tác phong nghiêm chỉnh. Váy cực ngắn, áo khoét quá sâu, quần jean rách, áo thun sát nách thì trông phản cảm nên cấm. Còn ăn mặc lịch sự, sạch sẽ, sẽ năng động hơn trong công việc" - chị Mai Anh bày tỏ quan điểm.
Khi được hỏi về lệnh cấm mặc quần jeans, áo thun đến công sở của tỉnh Đồng Tháp, một số nhân viên văn phòng đều có cùng chia sẻ, tư duy về việc công sở nên thoáng một chút. Chỉ cần kín đáo không hở, không phản cảm là được. Căn bản nhất vẫn là thái độ phục vụ chứ không phải quần jeans, áo thun.
Bên cạnh những ý kiến phản đối về quy định cấm mặc quần jeans, áo thun đến công sở, nhiều người lại cho rằng, đây là quyết định đúng đắn, giúp môi trường công sở thêm sang trọng, đẹp và chuyên nghiệp hơn.
Anh Vũ Viết Đức, công chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, anh rất đồng tình với ý kiến của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Cán bộ, viên chức làm việc trong cơ quan hay văn phòng công sở phải mặc áo sơ mi, quần tây hoặc kaki là thể hiện tác phong nghiêm túc, đứng đắn khi làm việc. Vẻ bề ngoài hình thành tác phong công việc.
Quy định về trang phục công sở nên được ủng hộ và giám sát chặt chẽ. Bởi bản chất con người nói dễ quản lý thì rất dễ, nhưng không hề dễ dàng. Họ vẫn vi phạm quy định nên mới cần có quyết định mới và ban hành lệnh cấm.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp vận dụng Quy tắc của Bộ Nội vụ và đã lấy ý kiến các ban ngành đúng theo quy trình.
“Tuy nhiên, nếu sau quá trình triển khai thực hiện, phát sinh vướng mắc, Đồng Tháp sẵn sàng điều chỉnh. Bởi mục tiêu lớn nhất của Quy tắc là để xây dựng hình ảnh công chức, viên chức “đẹp” trong mắt người dân. Đó là người cán bộ nghiêm túc, chuẩn mực trong tác phong, ứng xử và ăn mặc. Nhưng khi phát sinh vấn đề, xét thấy cần thiết Đồng Tháp sẵn sàng điều chỉnh” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Được biết, cuối năm 2017, UBND TP. Cần Thơ cũng đã từng ban hành nhưng sau đó đã hủy quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mặc quần jeans, áo thun khi đi làm sau khi có ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).
Hiểu Lam