Hình ảnh quảng cáo là các xấp tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng… Các trang rao bán tiền giả đều khẳng định tiền làm bằng chất liệu Polyme, không hôi mùi mực, không nhàu nát, kích thước chuẩn, giao dịch trực tiếp toàn quốc, nhận hàng giao tiền uy tín 100%...
Khi chúng tôi liên lạc với tài khoản Facebook có tên “Tiền giả không cọc uy tín toàn quốc" thì được tư vấn khá nhiệt tình, thậm chí còn "tư vấn" cho chúng tôi nên mua tiền có mệnh giá 200.000 đồng vì dễ tiêu thụ, trong đó, tỉ lệ 1 ăn 10.
Cụ thể, 2 triệu tiền thật sẽ đổi được 20 triệu tiền giả; 5 triệu tiền thật đổi được 50 triệu tiền giả.
|
Một trang mạng công khai rao bán tiền giả. |
Theo người của trang này, người mua chỉ cần chuyển khoản qua tài khoản cá nhân kèm theo địa chỉ nhận hàng, sau đó sẽ có nhân viên giao hàng tận tay. Tại trang Facebook trên có ghi rõ liên hệ Zalo: 033 849...
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Minh - một người dùng Facebook cho rằng, cứ mở Facebook ra là xuất hiện các trang mua bán tiền giả là điều khó chấp nhận. Điều này sẽ gây hoang mang cho nhiều người vì không biết tiền giả sẽ trà trộn vào cuộc sống như thế nào.
"Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát ngăn chặn những trang mạng kiểu này", chị Minh nói.
Một cán bộ Cục An ninh mạng (A05) cho biết, trước vấn nạn giao bán tiền giả công khai trên mạng, Cục đã bắt giữ khá nhiều vụ. Tình trạng này trước đây thường xuất hiện dịp cuối năm nhưng nay lại xuất hiện tràn lan trên mạng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
"Về thủ đoạn lừa đảo, các đối tượng rao bán tiền giả sau khi nhận tiền thật được người mua chuyển khoản hoặc qua mã thẻ cào điện thoại, sẽ nhanh chóng hủy số điện thoại được sử dụng để giao dịch với nạn nhân, cắt đứt liên lạc qua Zalo, Facebook để chiếm đoạt tiền" - vị cán bộ này cảnh báo.
Đại diện Cục A05 khẳng định, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đều có thể giám sát, xác minh làm rõ cá nhân phát tán thông tin mua bán tiền giả trên mạng.
Luật sư Nguyễn Trung - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả nêu rõ: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng bị phạt tù từ 5 - 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 10 - 20 năm, hoặc tù chung thân.
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng nêu rõ người chuẩn bị phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm.
Một cán bộ ngân hàng thông tin, việc mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Do đó, rất cần lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng này.
Theo Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam: Nghiêm cấm làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, mua bán và lưu hành tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo QUANG HIỆU/Lao Động