Công nhân xin nghỉ việc bị Giám đốc bêu xấu: Có phạm luật?

Google News

Vụ Giám đốc ký thông báo và dán lên bảng tin công ty với nội dung sa thải 2 công nhân, kèm theo hình ảnh cây kéo cắt ngang cổ đang khiến dư luận phẫn nộ.

Mới đây, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Iiyama Seiki Việt Nam (thuộc KCN VSIP trên địa bàn huyện Thủy Nguyên), Công đoàn công ty và một số công nhân đại diện người lao động để xác minh và làm rõ các thông tin đang gây bức xúc dư luận về việc công ty làm sai luật, đe dọa công nhân.
Cũng trong buổi làm việc này, đại diện công ty xác nhận 2 công nhân Trịnh Quang Vinh và anh Nguyễn Văn Thuấn có đơn xin nghỉ việc từ ngày 23/9, thỏa thuận đồng ý đến ngày 24/9 công ty cho công nhân nghỉ việc. Tại buổi làm việc, đại diện công ty cũng thông tin rằng: thông báo đăng trên bảng tin là do Giám đốc tự làm, tự đăng, nội dung dịch văn bản chưa chính thức qua các phòng ban của công ty và Giám đốc tự tay tháo gỡ ngay sau đó.
Cong nhan xin nghi viec bi Giam doc beu xau: Co pham luat?
Thông báo sa thải công nhân kèm theo hình ảnh minh họa cây kéo cắt cổ người gây phẫn nộ trong dư luận. 
Ngoài sự việc trên, tập thể công nhân Công ty Iiyama Seiki cũng đã có đơn gửi Tổng giám đốc và Chủ tịch Công đoàn công ty vì cho rằng bị Giám đốc chèn ép, đối xử không đúng với luật pháp Việt Nam khi thường xuyên vào nhà vệ sinh chụp ảnh công nhân đưa lên các nhóm nội bộ công ty; tự ý ra vào phòng nghỉ của công nhân trong giờ nghỉ để kiểm tra, gây mất giấc ngủ và quyền riêng tư của công nhân.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thông báo về việc sa thải nhân viên của công ty này không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bởi vậy nếu những nhân viên này yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét xử lý thì người quản lý doanh nghiệp này có thể sẽ bị xử phạt hành chính, phải đền bù thiệt hại cho các nhân viên này theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của pháp luật thì trong quan hệ lao động có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động có đơn xin nghỉ việc mà được công ty đồng ý thì đây là trường hợp thỏa thuận thống nhất về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn và quyền lợi của người lao động phải được đảm bảo. Về mặt văn hóa và đạo đức, doanh nghiệp phải biết ơn người lao động bởi những cống hiến đóng góp của họ trong thời gian trước đó, phải đảm bảo quyền lợi về các chế độ tiền lương, bảo hiểm, chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.
Cong nhan xin nghi viec bi Giam doc beu xau: Co pham luat?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
"Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì sau khi có đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động và được công ty chấp nhận, công ty này lại không thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật Lao động mà lại tự ý ra quyết định sa thải như trường hợp kỷ luật lao động. Hành vi này không chỉ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người lao động mà còn có dấu hiệu xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người lao động, thể hiện coi thường người lao động nên cơ quan chức năng cần xem xét làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Giám đốc công ty này lại ký thông báo và dán lên bảng tin công ty với nội dung sa thải 2 công nhân trên, kèm theo hình ảnh một người đàn ông bị cây kéo cắt ngang cổ. Vụ việc này gây làn sóng bức xúc trong người lao động. Tập thể người lao động Công ty Iiyama Seiki cũng có đơn phản ánh bị Giám đốc này chèn ép, đối xử không đúng...
Theo luật sư Cường, những thông tin này cho thấy rõ rằng môi trường lao động này không lành mạnh, không đảm bảo an toàn và có dấu hiệu xâm phạm đời sống riêng tư của người lao động nên cần phải xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Trước tiên, với quyết định sa thải thì đây là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu việc sa thải này không có căn cứ, không đúng trình tự thủ tục luật định thì người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp này phải thu hồi quyết định sa thải để thực hiện thủ tục thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật.
Các cơ quan chức năng cần xem xét dấu hiệu sai phạm này, nếu có căn cứ thì cần phải áp dụng những biện pháp cần thiết để xử lý, chấn chỉnh để đảm bảo môi trường lao động an toàn, tránh, tránh những hệ lụy, tiêu cực có thể xảy ra.
Ngoài ra, hành vi sử dụng hình ảnh cây kéo cắt cổ là hành vi có tính chất xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người lao động, người lao động có quyền yêu cầu người đã đăng thông tin đó phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm bị xâm phạm. Trong trường hợp không thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường thì có thể trình báo sự việc với cơ quan Công an để được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
"Những hành vi xâm phạm quyền riêng tư, sử dụng trái phép thông tin hình ảnh của người khác có thể bị phạt hành chính đến 60.000.000 đồng, phải xin lỗi, cải chính công khai theo quy định của pháp luật. Bởi vậy những người công nhân bị thu thập trái phép thông tin hình ảnh cá nhân hoặc bị sử dụng trái phép thông tin hình ảnh cá nhân có quyền gửi đơn trình báo với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp, kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi của người quản lý doanh nghiệp này là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm uy tín của người lao động thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý với người vi phạm về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 bộ luật hình sự. Ngoài ra, tại Mục 3 Phần 2 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có quy định về xác định thiệt hại", luật sư Cường phân tích.
>>> Xem thêm video: Người đàn ông bị phạt 5 triệu vì lên mạng xúc phạm lực lượng chống dịch

Nguồn: ANTV.

Gia Đạt