Hoạt động xúc tiến đầu tư không chỉ là thu hút, mời gọi các doanh nghiệp mà qua đó còn kết nối hợp tác giữa các tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Thể hiện quyết tâm này, nhiều chuyến thăm, làm việc của đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh diễn ra trong thời gian qua tại một số cường quốc có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực, như: Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Các đoàn công tác tổ chức thành công 2 hội thảo xúc tiến đầu tư với sự tham gia của gần 350 nhà đầu tư; thăm và làm việc trực tiếp với 17 tổ chức, doanh nghiệp. Riêng trong năm 2018, lãnh đạo tỉnh tiếp đón 46 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư đến thăm, làm việc và tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh.
Bằng các hình thức tuyên truyền, giới thiệu đa dạng, như: Trao đổi trực tiếp, thông qua văn bản, đàm phán trực tuyến, trong đó trang thông tin điện tử của Trung tâm Hành chính công tỉnh (www.ipavinhphuc.vn) được thể hiện bằng 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung), công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi của tỉnh được cung cấp kịp thời, đầy đủ cho nhà đầu tư.
|
Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment, CCN Đồng Thịnh (Sông Lô) tạo việc cho 300 lao động với thu nhập trung bình 7- 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh Nguyễn Lượng |
Các đoàn công tác của tỉnh tích cực tham dự các hội nghị, diễn đàn, lễ ký kết, các buổi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài do các bộ, ngành, trung ương tổ chức. Trong đó, nổi bật là việc tổ chức lễ ký biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh và Ngân hàng Mizoho (Nhật Bản) về hợp tác thúc đẩy thu hút đầu tư Nhật Bản vào Vĩnh Phúc; ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc về đẩy mạnh thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư kể từ tháng 3/2018; thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhật Bản tại Vĩnh Phúc – Japan Desk Vĩnh Phúc...
Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó, nhằm tăng cường giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh như: Tổ chức Hội chợ Hoa xuân 2018, với trên 160 gian hàng và ô hoa các loại của hơn 100 doanh nghiệp; Hội chợ thương mại vào dịp lễ hội tại Khu danh thắng Tây Thiên, với quy mô khoảng 170 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Năm 2018, toàn tỉnh thu hút hơn 90 dự án đầu tư mới, nâng tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.000 dự án. Đặc biệt phải nói đến là dự án mở rộng, nâng công suất sản xuất xe ô tô của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam với tổng vốn đầu tư tăng hơn 75 triệu USD; 2 dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân của Công ty TNHH In điện tử Minh Đức và Công ty TNHH Fuchuan với tổng vốn đầu tư đăng ký 51 triệu USD, góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016, Công ty TNHH và Dịch vụ FNC, phường Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên) là một trong số ít các doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% của Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn công nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lee Jun Hyub, Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ FNC cho biết: "Với kinh nghiệm gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm, suất ăn công nghiệp trong KCN trên địa bàn một số tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Bình Dương... năm 2016, sau một thời gian tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá về tiềm năng của Vĩnh Phúc, tôi quyết định lựa chọn đầu tư và mở rộng thị trường".
Đến nay, số lượng khách hàng của công ty ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng tốt. Nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm và bữa ăn ca cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, công ty tập trung xây dựng nhà xưởng hơn 1.000m2 với đầy đủ trang thiết bị, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Ước tính, tổng doanh thu của đơn vị năm 2018 đạt trên 30 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư của tỉnh vẫn còn những hạn chế do chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp từ các nước có thế mạnh về vốn, công nghệ như: Mỹ, một số quốc gia thuộc khu vực EU, Bắc Phi và Trung Đông...
Công tác bồi thường GPMB hiện nay gặp nhiều khó khăn, thủ tục về đầu tư hạ tầng KCN còn kéo dài, do vậy,việc đầu tư hạ tầng một số KCN còn chậm nên chưa có nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư trong việc tìm địa điểm. Giá đất, thuê hạ tầng tại một số KCN của tỉnh còn cao so với nhiều địa phương khác có các điều kiện tương đồng đã làm giảm sức hấp dẫn môi trường đầu tư của tỉnh; dịch vụ logistics chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà đầu tư…
Đặc biệt, tình trạng thiếu nguồn nhân lực phổ thông (lao động nữ) và nguồn nhân lực chất lượng cao (kỹ sư, quản lý, phiên dịch) cũng đang là vấn đề khiến các nhà đầu tư băn khoăn khi lựa chọn Vĩnh Phúc làm điểm thực hiện dự án.
Với quan điểm xúc tiến và thu hút đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; tăng tỷ lệ lấp đầy KCN... tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thông qua nhiều kênh.
Chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư mục tiêu, thị trường đầu tư tiềm năng; tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư song song với làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án khu đô thị, du lịch sinh thái và các dự án trọng điểm của tỉnh để sớm đưa vào hoạt động. Xây dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Kịp thời hỗ trợ và giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp thông qua hệ thống tiếp nhận giải quyết phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong công tác bồi thường GPMB và các vấn đề phát sinh liên quan…
Bảo Anh