Trao đổi với Zing, ông Hoàng Mai Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp sản xuất thương mại và Điện cơ SDC (một trong số các đơn vị cung ứng cột điện cho Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế), nói rằng chính ông cũng chưa lý giải được vì sao cột điện ở một số nơi không bị cây xanh tác động lại gãy đổ. Ông Sơn ủng hộ việc thành lập đoàn kiểm tra và cho rằng đây là cách để mọi việc được minh bạch, sòng phẳng.
- Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc này. Người dân nói rằng bão số 5 không lớn mà cột điện gãy, nghiêng, đổ hàng loạt như vậy là do chất lượng các trụ không đảm bảo. Tôi cho rằng, họ nghi ngờ là đúng.
Bản thân tôi cũng thấy bất ngờ. Rất may, trụ điện gãy nhiều như vậy mà không có người bị thương. Nếu có người tử vong thì rắc rối.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận sự việc một cách khách quan dựa trên các cơ sở khoa học. Điều này cần phải có hội đồng chuyên môn phối hợp cùng cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc, phân tích, đánh giá chính xác mới có thể khẳng định.
|
Một cột điện ở Thừa Thiên - Huế bị gãy. Ảnh: Đoàn Nguyên.
|
- Trong số 272 cột bị gãy ở Thừa Thiên - Huế, có bao nhiêu trụ do công ty SDC sản xuất?
- Ngành điện lực đang thống kê số lượng cột điện bị gãy và tìm nguyên nhân. Ở Thừa Thiên - Huế, có 4 công ty trúng thầu cung ứng cột điện gồm: Phương Minh (đóng tại Thừa Thiên - Huế), Xây lắp điện Quảng Nam (Quảng Nam), Công ty 504 ở Đà Nẵng và SDC.
Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đấu thầu trúng 3 gói cung cấp cột cho Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế. Tôi chưa biết có bao nhiêu cột điện do SDC sản xuất bị hư hỏng trong bão số 5 vừa qua vì cơ quan chức năng đang kiểm tra.
- Chính ông cũng bất ngờ khi bão không lớn nhưng hàng trăm cột điện bị đổ gãy. Phải chăng có những trường hợp gãy đổ chưa thể đánh giá nguyên nhân khi nhìn bằng mắt thường?
- Cột điện được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 với khả năng chịu được sức gió giật trên cấp 12. Theo đánh giá của tôi thì cơn bão này khi đổ bộ vào Thừa Thiên - Huế gió giật dưới cấp 11, nhưng cột điện bị gãy nhiều một cách bất thường.
Thứ nhất, cột gãy là do khi bão đổ bộ có một lực xoáy rất mạnh tác động vào trụ điện. Thứ 2, bão làm nhiều cây xanh gãy, đổ đè lên hệ thống dây (gồm dây điện và các loại cáp khác) tạo lực kéo cực lớn. Lúc này, chỉ cần một cột gãy sẽ kéo theo hàng loạt trụ đổ.
Tuy nhiên, tôi cũng chưa lý giải được vì sao ở một số cánh đồng, không có cây xanh nhưng cột điện vẫn bị gãy hàng loạt.
|
Cột điện bị gãy để lộ sợi thép. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
- Quy trình sản xuất cột điện được thực hiện ra sao? Và để đảm bảo chất lượng sản phẩm, việc kiểm định do cơ quan nào thực hiện?
- Mỗi công ty có quy trình sản xuất cột điện riêng nhưng phải đảm bảo đúng theo TCVN. Các đơn vị cũng có bản vẽ thiết kế khác nhau và nó là một tài sản bí mật của doanh nghiệp.
Về nguyên liệu, cột điện gồm có sắt thép, xi măng, nước, phụ gia, bê tông... Tất cả vật liệu này phải đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng. Trước đây, chúng ta dùng sắt của Mỹ, Thái Lan và Trung Quốc... Những năm gầy đây, các đơn vị dùng sắt của các doanh nghiệp trong nước để sản xuất cột điện. Xi măng cũng vậy.
Việc kiểm định chất lượng cột điện do một đơn vị Nhà nước đóng ở Đà Nẵng cùng Tổng công ty Điện lực miền Trung và Điện lực Thừa Thiên - Huế thực hiện.
Nguyên tắc kiểm định là theo từng lô hàng. Nếu lô hàng có 50 cột trở xuống sẽ chọn một cây bất kỳ để kiểm định. Lô hàng từ 50-100 cột thì sẽ kiểm định 2 cột bất kỳ. Nếu họ phát hiện một cột điện không đạt tiêu chuẩn thì cả lô hàng đó bị coi là không bảo đảm chất lượng.
Thanh tra để minh bạch
- Ngành điện lực đã có giải thích nhưng người dân vẫn nghi ngờ cột điện chất lượng kém nên bị gãy. Ông nghĩ sao về phản hồi từ dư luận?
- Bão chưa lớn mà cột điện gãy hàng loạt thì họ nhận xét như vậy cũng đúng, nhưng đó là cảm tính. Những năm gần đây, nhiều công trình xây dựng có vấn đề chất lượng nên người dân hoài nghi.
Tuy nhiên, là doanh nghiệp thì chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn của công ty. Cột điện là sản phẩm đặc biệt với tuổi thọ hàng chục năm, nó gắn liền với thương hiệu của nhà sản xuất.
Thời buổi cạnh tranh rất khốc liệt nên đơn vị làm dối không tồn tại được. Mình làm sản phẩm có đảm bảo thì mới trúng thầu. Với lại, tôi nghĩ chẳng đơn vị nào dám ăn bớt vật liệu trong quá trình sản xuất cột điện.
|
Nhân viên điện lực khắc phục sự cố. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Chi phí trung bình để sản xuất một cột điện khoảng 10 triệu đồng. Trong đó, tiền vật liệu 6-8 triệu, còn lại là chi phí nhân công. Sau khi trừ các chi phí, công ty lãi 1,5-2 triệu đồng/cột điện.
Nếu doanh nghiệp làm dối, bớt vật liệu, khi kiểm định, cơ quan chức năng phát hiện ra vài cây không đảm bảo chất lượng thì cả lô hàng bị vứt. Chưa kể, người ta kiểm định thấy nhiều sản phẩm của công ty nào đó bị lỗi thì sẽ chấm dứt hợp đồng.
Một lý do nữa là làm cột điện mà không đảm bảo chất lượng sẽ gây hậu quả khôn lường. Giả sử, cơn bão vừa qua có ai đó bị thương hoặc tử vong thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Khi đó, anh nào làm dối có nguy cơ vướng lao lý. Từ những lý do trên, tôi nghĩ không ai dám làm ra cột điện không đảm chất lượng.
- Người dân cho rằng cần phải có một cuộc thanh, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân. Quan điểm của ông thế nào?
- Việc cơ quan quản lý Nhà nước thành lập đoàn kiểm tra là cần thiết để làm rõ nguyên nhân vì sao cột điện bị gãy. Thành phần đoàn kiểm tra gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vật lý, xây dựng, bê tông ứng lực và khí tượng thủy văn...
Khi kiểm tra, các nhà khoa học sẽ biết được nguyên nhân chính xác để những đơn vị liên quan khắc phục. Theo tôi, việc thanh, kiểm tra cũng cần thiết để mọi việc trở nên minh bạch, sòng phẳng và giải đáp thắc mắc của người dân.
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Trung, 616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng khi bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Riêng tại Thừa Thiên - Huế, 272 cột điện bị gãy.
Khi bão số 5 đổ bộ khiến nhiều cây xanh bật gốc. Những cây này đổ vào đường dây, cột điện, tạo lực tác động kép bất thường, quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây…
Ngoài ra, một số vị trí nằm ngoài khu dân cư có gió giật mạnh làm đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy, đổ cột.