Container lao xuống sông Hồng: Xe vô chủ, quy trách nhiệm thế nào?

Google News

Theo luật sư, đối với hành vi không trục vớt tài sản bị chìm; không thanh thải vật chướng ngại theo quy định thì chủ sở hữu có thể bị xử phạt từ 20- 30 triệu đồng.

Đội CSGT huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, hiện chiếc xe container rơi xuống sông Hồng rạng sáng ngày 30/8 đã được trục vớt. Xe do tư nhân trục vớt và nhà xe chịu chi phí. Sau khi được vớt lên bờ, chiếc xe được đưa về bãi giữ xe của thành phố.
Tuy nhiên, thông tin trên báo VOV, chiếc xe container lao xuống sông Hồng vẫn chưa được chủ xe, lái xe đến nhận. Sự việc trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm các bên liên quan, từ chủ xe, lái xe đến cơ quan quản lý đường thủy với trường hợp này thế nào? Nếu chủ xe không đến nhận sẽ phải xử lý ra sao?
Container lao xuong song Hong: Xe vo chu, quy trach nhiem the nao?
Xe trục vớt ven sông Hồng đoạn dưới chân cầu Thanh Trì. 
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Khoản 2, Điều 20, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa quy định: Tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại có trách nhiệm thanh thải vật chướng ngại trong thời hạn do đơn vị quản lý đường thủy nội địa quy định; nếu không thực hiện thanh thải trong thời hạn quy định thì đơn vị quản lý đường thủy nội địa thực hiện thanh thải vật chướng ngại đó và tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại phải chịu mọi chi phí.
Luật sư Tùng cho biết thêm, đồng thời, khoản 1, Điều 5, Nghị định 05/2017/NĐ-CP quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam cũng quy định rằng chủ sở hữu tài sản chìm đắm có nghĩa vụ tổ chức trục vớt tài sản và chịu mọi chi phí liên quan.
Container lao xuong song Hong: Xe vo chu, quy trach nhiem the nao?-Hinh-2
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
"Đối với hành vi không trục vớt tài sản bị chìm, không thanh thải vật chướng ngại theo quy định thì chủ sở hữu tài sản có thể bị xử phạt vi phạm theo khoản 4, Điều 8, Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa với hình thức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có thể phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trục vớt, thanh thải vật chướng ngại.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 160, BLDS2015 thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Điều 239, BLDS 2015 cũng quy định chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó", luật sư Tùng nói.
Luật sư Tùng cho hay, đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trong trường hợp này, trước khi từ bỏ tài sản của mình thì chủ sở hữu tài sản phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc từ bỏ tài sản của mình không ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Hiện vụ container lao xuống sông Hồng đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>> Xem thêm video: Đồng Tháp: Va chạm với ô tô khách, người lái xe mô tô tử vong

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt